“Chuyện bình thường” của quốc tế
Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (IPV) là doanh nghiệp khu chế xuất, toàn bộ nguyên vật tư nhập vào cho quá trình gia công được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Các nhà cung cấp nguyên vật liệu chính của Intel hiện nay phần lớn vẫn là nhà cung cấp nước ngoài và có quan hệ mua bán với Intel ở cấp độ toàn cầu. Theo đó, tất cả các nhà cung cấp chính đều xuất hoá đơn cho Intel ở dạng hoá đơn điện tử (người có trách nhiệm của mỗi nhà cung cấp được cấp một Tên truy cập và Mật khẩu để vào trang web https://supplier.intel.com để xuất hoá đơn cho Intel về số hàng thực tế đã giao. Bằng hình thức này, Intel có thể tự động hoá và rút ngắn thời gian trong quy trình mua hàng, kiểm tra chứng từ và thanh toán. Nội dung của hoá đơn điện tử hoàn toàn đầy đủ như hoá đơn giấy và có thể in ra giấy bởi người có thẩm quyền từ hệ thống quản lý của Intel.
Intel sử dụng một hệ thống quản lý điện tử (web based appplication) cho tất cả các hoạt động ở tất cả các công ty con hoạt động tại tất cả các quốc gia với cơ chế bảo mật cao, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế cao nhất về hệ thống kiểm soát nội bộ (Sabana Oxley Act), chứng từ điện tử được sao lưu và lưu trữ hơn 10 năm, có thể kiểm tra, kiểm toán bất cứ lúc nào.
IPV đã đề nghị Tổng cục Thuế cho phép IPV được sử dụng hoá đơn điện tử tại Việt Nam cho các hoạt động kế toán, giao dịch thanh toán cho các nhà cung cấp nước ngoài toàn cầu của Intel. Và nếu có thể thì Tổng cục Thuế chấp thuận luôn cả hình thức hoá đơn điện tử đối với nhà cung cấp trong nước.
Trong cuộc tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ngày 9/4/2009, Chủ tịch Tập đoàn Intel Crag Bennentt đã thể hiện quyết tâm đầu tư dài hạn tại Việt Nam và hoàn thành đầu tư Nhà máy Kiểm định và tổ hợp chíp (ATM) trị giá 1 tỷ USD tại Khu Công nghệ cao TP.HCM để đi vào hoạt động đầu năm 2010. Xác định đây là dự án đầu tư quan trọng, có quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương giải quyết những vướng mắc và tạo điều kiện cho Intel sớm hoàn thành Nhà máy ATM đi vào hoạt động, trong đó, cần lưu ý tạo thuận lợi về thủ tục hải quan đối với hàng công nghệ cao, giá trị lớn (thông quan điện tử)…
|
Nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam
Ngày 24/11/2009, Công ty Intel có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế chấp nhận hình thức hoá đơn điện tử của nhà cung cấp nước ngoài cho các giao dịch kinh doanh tại Việt Nam.
Đáp lại đề nghị này, ngày 9/12/2009, Cục Thuế TP.HCM có văn bản khẳng định Công ty Intel sử dụng hoá đơn in từ hệ thống máy tính của công ty là không phù hợp với quy định tại Nghị định 89/2002/NĐ-CP. Theo hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM, Công ty Intel chỉ được phép sử dụng hoá đơn tự in theo đúng mẫu đã đăng ký với cơ quan thuế, hoá đơn này được in tại tổ chức nhận in có đủ các điều kiện hành nghề in theo quy định của pháp luật, sau mỗi lần in hoặc kết thúc hợp đồng in phải thực hiện thanh lý hợp đồng in.
Tuy nhiên, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho rằng đề nghị của Công ty Intel cũng có cơ sở pháp lý. Cụ thể, căn cứ Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thì cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Và tại Điều 11 Nghị định 27/2007 cho phép “Giao dịch điện tử trong các loại hoạt động nghiệp vụ như ngân sách Nhà nước, thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, kế toán, kiểm toán”. Như vậy, việc Công ty Intel đề nghị xem xét chấp thuận hoá đơn điện tử của nhà cung cấp nước ngoài là phù hợp với tinh thần của Nghị định 27/2007.
Quy trình thủ tục hành chính khá phức tạp theo hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM nêu trên ắt hẳn khiến cho Intel và các doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy giảm bớt hào hứng khi đầu tư và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Cần lưu ý rằng các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá chưa cao về tính hấp dẫn đầu tư của Việt Nam. Thậm chí, một đại diện của EuroCham đã thẳng thắn chia sẻ rằng “tính hấp dẫn đầu tư của Việt Nam vẫn kém hơn nhiều nước ở khu vực châu Á và còn rất “xa vời” so với các quốc gia châu Âu. Nhiều doanh nghiệp quốc tế đã dừng hoạt động tại Việt Nam bởi không “thoả hiệp” được với môi trường cạnh tranh không công bằng và chưa đảm bảo tính nhất quán, minh bạch trong quan hệ kinh doanh”.
Theo taichinhdientu.vn