Thứ tư, 15/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 18/04/2008
Người thầy giáo khiếm thị và ánh sáng công nghệ

Đặng Hoài Phúc (giữa) và các
cộng sự tại Trung tâm Tin học
vì người mù Sao Mai.
Trong số năm gương mặt được bình chọn là công dân trẻ tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh năm 2007, có một người thầy giáo khiếm thị. Anh là Ðặng Hoài Phúc (Trung tâm tin học Sao Mai), linh hồn của dự án thư viện sách nói kỹ thuật số và từng là chủ nhân của giải thưởng Samsung DigitAll Hope...

Ðến tận bây giờ, Ðặng Hoài Phúc vẫn nhớ như in về buổi chiều định mệnh tại ấp Phước Lộc, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cậu bé Phúc, lúc đó mới chín tuổi đang loay hoay đào gốc mai tặng bạn thì bất ngờ một tiếng nổ vang lên và mọi thứ tối nhòa trong mắt cậu. Hơn hai tháng chữa trị ở bệnh viện mắt thành phố, ba mẹ Phúc phải ngậm ngùi đưa con về trong thất vọng.


Ðể phù hợp với những cậu bé, cô bé cùng trang lứa, Phúc được cha mẹ gửi lên CLB Bừng Sáng tại TP Hồ Chí Minh học chữ, học nhạc. Mới 10 tuổi Phúc phải xa gia đình và mái trường quen thuộc. Rồi vượt qua bao khó khăn để trở thành chàng sinh viên khoa Anh Trường ÐH Khoa học xã hội và Nhân văn.


Trong một dịp tình cờ, Phúc được học bổng, học tin học hai năm của Italia. Cũng từ đó anh tìm thấy "nguồn ánh sáng" từ những chiếc máy vi tính. Phúc nhớ lại "lúc đầu nghe người ta nói máy vi tính làm được nhiều lắm, nhưng bản thân thì nghĩ nó chỉ là cục sắt chứ có làm được gì đâu, thế nhưng sau khi học mình mới thấy nó thật vĩ đại làm sao, và biết nó sẽ gắn bó với cuộc đời mình".


Thầy Ðào Khánh Trường, chủ nhiệm cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm thị "Bừng Sáng" kể, từ khi học tin học về, Phúc cứ ôm miết mấy cái máy vi tính của cơ sở, có bữa ngồi suốt ngày bỏ cả ăn ngủ để ngồi bên máy, tôi cứ khuyên mãi mới chịu ăn. Lạ lắm, cái gì Phúc cũng gắn với tin học, ngay cả chuyện ăn ngủ, học hành.


Qua những lớp học về tin học, Phúc nhận thấy hầu hết những phần mềm dành cho người khiếm thị không nhiều, giá thành cao, phần lớn là sử dụng tiếng Anh, nên chưa thể trở thành phổ thông cho người khiếm thị. Vì vậy, phần lớn thời gian của Phúc bị hút vào những dự án có tác dụng phổ cập tin học cho người mù. Cuối cùng cái ý tưởng mà Phúc ôm ấp gần hai năm mới trở thành sự thật.


Năm 2003, công trình "đào tạo tin học từ xa cho người khiếm thị" đã thuyết phục được Samsung DigitAll Hope tài trợ, số tiền hơn 40.000 USD đã giúp cho hàng trăm người khiếm thị ở các tỉnh Ðồng Nai, Tây Ninh, Bến Tre, An Giang đến được với tin học.


Phúc nói: "Ở các tỉnh lẻ, tìm một người học hết lớp chín đã là khó khăn nói chi đến công nghệ thông tin, thế nhưng dự án đã làm cho nhiều người ở các tỉnh đến được với tin học". Dự án của Phúc bao gồm hệ thống sách nổi và các trình duyệt đọc tiếng Việt, những người học sẽ có được kiến thức tin học căn bản, đặc biệt là biết mở hộp thư điện tử và lướt web.


Hiện nay dự án của Phúc đã chính thức đưa vào sử dụng ở các trung tâm giảng dạy tin học cho người mù ở thành phố lẫn các tỉnh. Không dừng lại ở đó, năm 2005 Phúc tiếp tục đoạt giải và được tài trợ của Samsung với một dự án, hai nội dung là "Thư viện sách nói kỹ thuật số và phần mềm Trình đọc màn hình tiếng Việt". Thư viện sách nói là nơi tổng hợp tất cả các loại sách bằng tiếng Việt để giúp người khiếm thị có thể tiếp cận học hỏi, nghiên cứu dễ dàng lại không tốn kém. Trình đọc màn hình tiếng Việt sẽ mở ra cơ hội tiếp cận tri thức cho người khiếm thị Việt Nam, bởi các trình duyệt hiện nay đều của nước ngoài và giá cho mỗi phần mềm là gần 100 USD. Ngoài các dự án trên, Phúc còn thực hiện một số dự án nhỏ kết hợp với giảng viên ở "Sao Mai" thực hiện.


Dự án Thư viện sách nói kỹ thuật số và phần mềm Trình đọc màn hình tiếng Việt của Phúc và các cộng sự tại Sao Mai là dự án mang lại nhiều ý nghĩa. Trình đọc màn hình tiếng Việt sẽ mở ra cơ hội tiếp cận tri thức cho người khiếm thị Việt Nam (các trình đọc màn hình phổ biến hiện nay trên thế giới chỉ hỗ trợ những ngôn ngữ phổ biến như Anh, Pháp... giá đều rất đắt như Jaws khoảng 900 USD, Window-eyes khoảng 800 USD). Phúc cho biết hiện nay Trung tâm đã hoàn tất bộ đọc màn hình và đang chuẩn bị việc hoàn tất những phần tiếp theo. So với các loại sách nói hiện nay chỉ đơn giản được thu trên băng cát-sét, Thư viện sách nói kỹ thuật số tiện ích hơn gấp nhiều lần, nó giúp người khiếm thị có thể tăng giảm tốc độ nghe nói, tính năng tìm kiếm trang.


Phúc cho biết, bước ban đầu, Thư viện sẽ hướng đến đối tượng phục vụ chính là các sinh viên, học sinh khiếm thị với những môn cơ bản.


Với niềm tin tưởng: "Công nghệ kỹ thuật số như đôi mắt người khiếm thị xóa bỏ các rào cản, định kiến xã hội và giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng", Phúc và các bạn đang nỗ lực từng ngày để dự án sớm đi vào thực tế, tạo cho người khiếm thị những cơ hội mới để thích nghi với sự thay đổi của thế giới chung quanh. "Tôi mong, một ngày nào đó ánh sáng công nghệ sẽ đến với tất cả những người khiếm thị, để họ có thể học hỏi, làm việc và tự đứng vững trên đôi chân của mình". Ðặng Hoài Phúc đã nói về ước muốn và những gì anh sẽ làm trong tương lai.

Theo Nhân dân
  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0