Thứ tư, 15/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 13/03/2008
Sẽ đến lúc không thể nghe nhạc… "chùa"

Thích thú với hàng trăm bài hát trong một chiếc iPod, nhưng nhiều người lại quên mất mình đang xài “chùa” - Ảnh: GIA TIẾN

Hiệp hội Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) vừa có văn bản gửi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV) cảnh báo về tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng của năm website tìm kiếm: Zing, Baamboo, Socbay, 7sac và Monava kèm theo chứng cứ vi phạm mà IFPI thu thập được dựa trên qui định của pháp luật VN.

Search nhạc sẽ giết công nghiệp ghi âm VN?

Ông Phạm Long Minh, chánh văn phòng RIAV, cho biết đã có rất nhiều tổ chức âm nhạc nước ngoài, hãng băng đĩa như Universal, Sony, Warner Music đến khảo sát thị trường VN rồi từ chối bán nhạc vì "nhạc số được sử dụng bừa bãi không có bản quyền. Nhạc VN còn chưa được tôn trọng thì sao tôn trọng nhạc quốc tế".

Cũng theo ông Minh, sự phát triển của các trang tìm kiếm nhạc có thể sẽ vô tình giết chết nền công nghiệp ghi âm VN. Một tác phẩm âm nhạc vừa phát hành đã có ngay trên Internet và người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm, nghe, tải  miễn phí chất lượng cao tại các trang search nhạc khiến các hãng băng đĩa thất thu một khoản khá lớn, các hãng đều ngại khi sản xuất các chương trình mới, việc giao lưu hợp tác với quốc tế trong sản xuất, ghi âm cũng khó khăn vì điều kiện tôn trọng bản quyền không được thực thi. Hầu hết hãng băng đĩa, nhà sản xuất nước ngoài thông qua IFPI đã than phiền về tình trạng sử dụng nhạc số tràn lan tại VN.

Bản quyền nhạc số: lỏng lẻo

Kiện? Được vạ thì má đã sưng

Ông Kiều Quang Minh, phó phòng kinh doanh Bến Thành Audio, bức xúc:

- Chúng tôi có bộ phận các dịch vụ trên Internet, nhiệm vụ chính của bộ phận là tìm kiếm và thống kê các trang web nào đang sử dụng nhạc của Bến Thành. Hầu như tất cả các site nhạc tại VN đều sử dụng nhạc của chúng tôi không xin phép. Tôi nhớ ông Huỳnh Tiết, giám đốc Bến Thành Audio và là phó chủ tịch RIAV, đã ký khoảng 100 công văn để gửi đến tất cả các site này và đều không được hồi âm, hoặc mới đây là thách thức "kiện đi" của Zing.

Cách đây vài tuần, Bến Thành Audio phát hiện S-Fone sử dụng album Sơn Ca làm nhạc chuông và nhạc chờ của mạng này. Chúng tôi lập tức làm việc với S-Fone thì đơn vị này cho biết đã mua bản quyền album Sơn Ca từ Công ty Star Media! Hay như cách đây hơn một năm, khi làm việc với Viettel về việc đơn vị này sử dụng nhạc của Bến Thành làm nhạc chờ, nhạc chuông, thì biết họ mua bản quyền các bài hát này từ Vietnamnet!

Dây dưa cả năm nay với Viettel và Vietnamnet, đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Đơn vị sử dụng nhạc bảo họ đã trả tiền bản quyền. Đơn vị bán nhạc của mình thì chỉ cười trừ hoặc bảo "thông cảm đi". Cũng muốn kiện cho ra ngô ra khoai nhưng lại ngại "được vạ thì đã má sưng". 

Trong số hàng ngàn trang nhạc trực tuyến hiện nay, số lượng trang có động thái tôn trọng bản quyền có thể đếm trên đầu ngón tay. Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, hiện mới chỉ có nhacso.net của FPT, sonic.vn của Vietway và yeuamnhac.net của Công ty Yêu âm Nhạc mua bản quyền tác giả với một giá trị mang tính tượng trưng.

Nhưng bản quyền tác giả chỉ chiếm khoảng 10-30%  giá trị bản quyền một bài hát, phần còn lại thuộc hãng đĩa, nhà phát hành, ca sĩ... Vậy mà hiện bản quyền tác giả còn không trả nổi thì đào đâu ra tiền để trả cho các đơn vị kia!

RIAV đã đề nghị đơn giá bản quyền sử dụng 1 bài hát/1website trong một năm là 1 triệu đồng. Trung bình mỗi site nhạc VN hiện tại không dưới 3.000 bài hát. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh việc thu phí bản quyền thì hoặc các site này phải gỡ hết nhạc hoặc chủ website sẽ trốn biệt.

Chính vì để khích lệ những website đầu tiên mua bản quyền, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN chưa đưa ra một khung giá, một hình thức thu phí nhất định. Mà mức phí còn tùy thỏa thuận với chủ website, tùy mức độ ngọt nhạt của người năn nỉ mua bản quyền. Ví dụ như thỏa thuận với một site nhạc rằng "nếu bán được 100 đồng sẽ chia X% cho trung tâm tác quyền". Nhưng từ khi hợp đồng được ký đến nay trung tâm vẫn chưa thu được đồng nào bởi trang này vẫn đang cho nghe nhạc miễn phí.

Có thể kiện search nhạc

Với các trang tìm kiếm nhạc, vấn đề trở nên đau đầu hơn. Treo lên ngực tấm biển "tôi là search engine", những người làm website này lý luận rằng họ vô tội. Họ chỉ là cỗ máy tìm kiếm, họ không lưu trữ nhạc, không sử dụng nên không cần phải mua bản quyền.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Hảo, luật sư điều hành Công ty Dịch vụ bản quyền quốc tế, khẳng định lý do đó không thuyết phục. Bất cứ người dùng nào cũng có thể vào Zing, Baamboo hay các trang tương tự tìm kiếm bài hát rồi nghe, tải nhạc từ trang này mà không cần phải vào trang web nguồn.

Như vậy họ đã sử dụng bản ghi trực tiếp trên web tìm kiếm, nếu các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm này không mua bản quyền sử dụng thì đã vi phạm qui định về bản quyền khai thác và sử dụng âm nhạc. Chủ sở hữu bản ghi có quyền yêu cầu các trang web vi phạm chấm dứt sử dụng tác phẩm và bồi thường thiệt hại nếu có. Liên quan đến quốc tế, trong trường hợp chủ sở hữu bản ghi là tổ chức có quốc tịch thuộc quốc gia tham gia các điều ước quốc tế về bản quyền, thì bên vi phạm ngoài bồi thường thiệt hại sẽ phải chịu tất cả chi phí cho vụ kiện và chi phí cho luật sư của cả hai bên.

Theo Tuổi trẻ

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0