Vấn đề cần thiết phải quy định mục chi riêng cho CNTT trong mục lục chi ngân sách nhà nước đã được nhiều lãnh đạo Sở TT&TT địa phương đề xuất. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Ngày 19/1/2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Tài chính về việc bổ sung mục chi CNTT trong mục lục chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi khoản “dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan CNTT” tại dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính quy định bổ sung hệ thống mục lục ngân sách nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 33/2008/QĐ-BTC ngày 2/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thành hướng dẫn cụ thể hơn “dịch vụ CNTT (dịch vụ tư vấn, dịch vụ cho thuê phần mềm, phần cứng, hạ tầng CNTT, vận hành hệ thống…) và các hoạt động khác liên quan CNTT”.
Đồng thời, cũng tại công văn này, để đảm bảo nguồn chi ngân sách cho CNTT hàng năm, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính, căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, xem xét, nghiên cứu quy định mục chi riêng về CNTT trong lĩnh vực chi thường xuyên ngân sách nhà nước trong quá trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước (tương tự như Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020).
Trước đó, vào ngày 17/12/2015, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính phối hợp triển khai xây dựng các cơ chế đầu tư, mua sắm và thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung nội dung thuê dịch vụ CNTT vào văn bản thay thế Thông tư 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
Vấn đề cần thiết phải có quy định mục chi riêng cho CNTT trong mục lục chi ngân sách nhà nước đã được nhiều lãnh đạo Sở TT&TT địa phương đề xuất. Trong chia sẻ với ICTnews hồi trung tuần tháng 11/2015, ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở TT&TT Sóc Trăng cho biết, do trong danh mục ngân sách nhà nước chưa có danh mục kinh phí cho ứng dụng CNTT nên các tỉnh đều phải vận dụng chi phí từ nguồn chi cho khoa học công nghệ. Bởi không có mục chi riêng cho CNTT nên tỉnh, sở, ngành rất khó áp dụng cơ chế chi tiêu cho phù hợp với các khoản cần đầu tư cho CNTT. Ông Quang cho rằng, đây là một rào cản rất lớn, cần phải sớm xây dựng riêng một mục chi cho CNTT bổ sung vào nguồn kinh phí cấp cho các địa phương thì mới có thể tạo thuận lợi cho triển khai Chính phủ điện tử.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của ngành TT&TT diễn ra ngày 31/12/2015, vấn đề này tiếp tục được ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng nêu ra. Theo ông Thanh, từ năm 2011, Bộ TT&TT cũng đã làm việc với Bộ Tài chính tại Đà Nẵng song qua 4 năm việc bổ sung mục lục ngân sách chi riêng cho CNTT vẫn còn gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi hy vọng Nghị quyết 36a sẽ đi vào cuộc sống và việc bổ sung mục lục ngân sách chi cho CNTT sẽ trở thành hiện thực, tạo điều kiện cho việc ứng dụng CNTT tại các địa phương”, ông Thanh cho hay.
Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc; Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ TT&TT soạn thảo cơ chế thí điểm đầu tư, mua sắm và thuê dịch vụ, sản phẩm CNTT phù hợp với đặc thù của công nghệ là liên tục đổi mới, thiết bị nhanh lạc hậu và giảm giá mạnh.
Theo Ictnews.vn