Chỉ còn ít ngày nữa năm mới 2016 sẽ đến. Đây là lúc thích hợp nhất để nhìn lại toàn cảnh ngành công nghệ thông tin, viễn thông Việt Nam trong năm 2015. Trong năm qua, nhiều chính sách quan trọng về CNTT-VT đã được thông qua như Luật ATTT, Nghị quyết 36a; Chính phủ cũng quyết định thử nghiệm lập hệ thống tương tác giữa người dân với Chính phủ qua Facebook.... Năm 2015 cũng chứng kiến sự ra mắt đình đám của smartphone Bphone, thu hút không chỉ sự chú ý của cộng đồng người tiêu dùng, doanh nghiệp, truyền thông trong nước mà cả nước ngoài. Lần đầu tiên Việt Nam đã tổ chức Hội nghị an ninh mạng toàn cầu, CEO đại gia tìm kiếm Google cũng đã đến thăm Việt Nam.... Tất cả đều cho thấy sự phát triển vượt bậc của CNTT-VT Việt Nam cũng như vị thế ngày càng được nâng lên của đất nước trên thế giới.
Sau đây là 10 sự kiện nổi bật đã được ICTnews bình chọn căn cứ trên nhiều tiêu chí như sức ảnh hưởng lớn của sự kiện đối với công chúng, doanh nghiệp, chính phủ; sức thu hút của sự kiện với giới truyền thông và tác động lớn của các sự kiện đối với sự phát triển của đất nước nói chung cũng như với ngành công nghiệp CNTT-VT nói riêng....
Kính mời độc giả cùng điểm lại 10 sự kiện lớn về CNTT-VT của đất nước trong năm 2015, ICTnews mong nhận được nhiều ý kiến, mối quan tâm của độc giả trong phần bình luận ở cuối bài.
Luật ATTT mạng được thông qua vào ngày 19/11/2015
Ngày 19/11/2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký ban hành Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13. Cùng ngày, trong phiên họp toàn thể tại hội trường của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật An toàn thông tin mạng với 424/425 đại biểu có mặt tán thành. Luật này được Bộ TT&TT khởi động xây dựng từ năm 2011, đã trải qua gần 4 năm xây dựng và hoàn thiện. Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016, Luật ATTT mạng gồm 8 Chương, 54 Điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn; quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Viettel thử nghiệm 4G
Từ ngày 12/12/2015, Viettel khai trương thử nghiệm dịch vụ 4G tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, Viettel đầu tư gần 200 trạm phát sóng phủ toàn bộ khu vực dân cư của TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa và huyện Long Điền. Viettel là nhà mạng đầu tiên thử nghiệm 4G cung cấp cho khách hàng.
Viettel chọn TP Vũng Tàu làm điểm thử nghiệm dịch vụ 4G vì đây là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, du lịch trọng điểm của khu vực phía Nam. Việc thử nghiệm dịch vụ 4G sẽ giúp người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và du khách đến du lịch, làm việc được thoải mái trải nghiệm các dịch vụ tiện ích tốc độ cao giúp lan tỏa dịch vụ 4G. Khi cung cấp dịch vụ 4G, quan điểm của Viettel là chỉ phân biệt cước thoại và dữ liệu chứ không phân biệt đâu là 3G và 4G. Có thể hiểu giá cước 4G mà Viettel cung cấp không cao hơn 3G.
Sau Viettel, VNPT cũng tuyên bố sẽ thử nghiệm 4G ở Phú Quốc, nhưng vào đầu năm 2016. Theo thống kê của nhà mạng hiện chỉ có khoảng 5% thuê bao di động có smartphone hỗ trợ 4G. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của các smartphone hỗ trợ 4G khá mạnh do giá thiết bị này đang giảm dần.
Thử nghiệm lập hệ thống tương tác giữa người dân với Chính phủ qua Facebook
Từ 3/10/2015, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã thử nghiệm tạo lập trên Facebook trang “Thông tin Chính phủ” với tiêu chí cập nhật kịp thời các thông tin chỉ đạo, Thông cáo báo chí, Thông tin báo chí về hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đã đưa trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Dù chưa phải là trang thông tin chính thức của Chính phủ trên Facebook - chỉ là một hình thức thông tin mới của báo điện tử Chính phủ, nhưng một công ty hàng đầu thế giới về đánh giá thông tin trên mạng xã hội đã thống kê và xếp hạng trang “Thông tin Chính phủ” đứng thứ 11 các trang tương tác tại Việt Nam về tốc độ thu hút người xem, đứng thứ 73 về chỉ số thích, chia sẻ và bình luận trên trang tương tác, có 500.000 người truy cập hàng ngày. Báo chí, dư luận đánh giá cao việc cung cấp thông tin Chính phủ trên Facebook, thể hiện sự công khai, minh bạch, đưa “Chính phủ gần dân hơn”.
Apple chính thức mở công ty tại Việt Nam
Theo dữ liệu trên website của Tổng Cục thuế Việt Nam, Công ty TNHH Apple (tên tiếng Anh APPLE VIETNAM LLC) được cấp giấy phép kinh doanh từ ngày 28/10/2015 do TP.HCM cấp. Công ty TNHH Apple Việt Nam (Apple VN) có trụ sở đặt tại Quận 1, TP.HCM, đăng ký nhân sự là 3 người. Người đại diện công ty là ông Gene Daniel Levoff - Phó Chủ tịch phụ trách về luật và điều hành của Apple. Đây cũng là nhân vật quan trọng của tập đoàn Apple trong việc triển khai hoạt động ở các thị trường nước ngoài. Theo nhiều nguồn tin, Apple đã có người đại diện tại Việt Nam và bắt đầu tiếp xúc với các đại lý trong nước từ đầu năm 2015. Cùng với việc này là hàng loạt chính sách mới được Apple tung ra tại thị trường trong nước, trong đó bao gồm việc cho các nhà bán lẻ như FPT Shop, Thế Giới Di Động trực tiếp nhập iPhone về bán cho các khách hàng của hai nhà bán lẻ này.
Việt Nam lần đầu tiên tổ chức sự kiện an ninh mạng toàn cầu AVAR
Từ 2 - 4/12 tại thành phố Đà Nẵng, hội nghị lần thứ 18 của Hiệp hội Quốc tế về phòng chống mã độc (AVAR 2015) đã được tổ chức. Đây là lần đầu tiên AVAR được tổ chức tại Việt Nam. Với chủ đề “Kỷ nguyên chiến tranh mạng – The Age of Cyber Welfare”, hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp thiết thực và bền vững giúp Việt Nam đối phó với những nguy cơ của kỷ nguyên số, từ bảo mật thông tin, đánh cắp dữ liệu đến những phần mềm gián điệp và tin nhắc rác. Một trong những điểm nhấn của sự kiện AVAR lần này là sự có mặt của “huyền thoại bảo mật thế giới Mikko Hypponen, Giám đốc Trung tâm phòng chống mã độc của Microsoft Dennis Batchelder, Chủ tịch của Tổ chức tiêu chuẩn đánh giá phần mềm chống mã đốc (AMTSO) Righard Zwienenberg, người đồng thời đang nắm chức vị Phó Chủ tịch AVAR.
Nghị quyết 36a hướng tới đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử
Nghị quyết 36a/NQ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 14/10/2015 hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Theo Quyết định số 1988/QĐ-TTTT do Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son ký ngày 16/11/2015, có 12 nhiệm vụ sẽ được triển khai theo Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Trong đó có những nhiệm vụ đáng lưu ý như: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Bảo đảm an toàn thông tin và ứng cứu, khắc phục sự cố an toàn mạng; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai Nghị quyết 36a...
BKAV ra mắt Bphone
Bkav - Công ty chuyên về bảo mật, đã tuyên bố ra mắt Bphone - siêu phẩm smartphone hàng đầu thế giới với sụ tham dự của hơn 2000 người vào ngày 26/5/2015 với một phong cách rất Apple. Bkav khẳng định, chiếc smartphone này do chính mình thiết kế và sản xuất, từ việc sản xuất khung kim loại tại nhà máy cơ khí, đến lắp ráp hơn 800 linh kiện chi tiết lại với nhau để tạo ra Bphone.
Nhưng với việc truyền thông một cách quá “lố’, từ bắt chước Apple làm với iPhone khi ra mắt, gian lận trong trình diễn tính năng camera và ngay sau đó là hàng loạt sự cố về phần cứng lẫn phần mềm đã khiến cho người dùng không mấy “thiện cảm” về Bphone.
Và sau gần 6 tháng có mặt trên thị trường, những người am hiểu trong lĩnh vực này đều khẳng định Bphone phiên bản 1 của Bkav đã hoàn toàn thất bại về cả truyền thông lẫn sản phẩm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gặp đại diện cộng đồng khởi nghiệp Việt
Đây được xem là sự kiện nổi bật của cộng đồng khởi nghiệp Việt trong năm 2015. Cụ thể, Chiều 12/8, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ngành như Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học & Công nghệ, Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước… đã có buổi tiếp chuyện thân mật với hơn 40 doanh nghiệp tiêu biểu trong cộng đồng khởi nghiệp (Startup).
Tại buổi gặp gỡ Phó thủ tướng đã lắng nghe đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam hiện tại. Trong đó đáng chú ý là những khó khăn về các vấn đề về chính sách như thuế, khó khăn trong việc đầu tư và nhận đầu tư mạo hiểm…
Phó Thủ tướng đánh giá cao và ghi nhận các chia sẻ của các doanh nghiệp khởi nghiệp và mong muốn từ những doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có sự kết nối và lan tỏa tới cộng đồng. Đồng thời ông cũng “đặt hàng” các doanh nghiệp khởi nghiệp có những góp ý cho các chính sách rất cụ thể, thiết thực từ hoạt động thực tế.
Và buổi gặp mặt này đã tỏ ra hiệu quả, khi ngay sau đó chính phủ ban hành Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. . Trong đó, Chính phủ mở rộng đối tượng ưu đãi đầu tư bao gồm các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Sự xuất hiện của nghị định này khiến cho cộng đồng startup trong nước, đặc biệt là cộng đồng startup công nghệ “thở phào” nhẹ nhõm, khi từ nay việc tiếp nhận vốn đầu tư sẽ dễ dàng hơn, không còn nhiêu khê như trước đây.
Game online được cấp phép trở lại
Năm 2015, các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến ở Việt Nam (game online) đã có thể “ăn mừng” khi game online chính thức được cấp phép trở lại.
Cụ thể, Bộ TT&TT đã chính thức cấp giấy phép phát hành game thể loại G1 cho các doanh ghiệp game và quyết định phê duyệt nội dung kịch bản cho từng game online, sau gần 5 năm tạm dừng.
Tuy nhiên, để được cấp giấy phépG1 và quyết định phê duyệt nội dung kịch bản cho từng game mình phát hành, cũng không hề đơn giản với các doanh nghiệp. Họ phải đáp ứng rất nhiều các yêu cầu đặt ra từ cơ quan quản lý và thực tế việc cung cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản cho từng game đang được tiến hành một cách khá chậm.
CEO Google Sundar Pichai sang thăm Việt Nam
Ngày 22/12 vừa qua, CEO Google Sundai Pichai đã bất ngờ có chuyến thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam của mình, ông đã có cuộc gặp gỡ với Thủ trường Nguyễn Tấn Dũng và có một màn đối thoại ngắn với ông Trương Gia Bình, chủ tịch của FPT.
Đặc biệt, chiều ngày 22/12, ông Sundai Pichai, CEO Google đã dành hẳn 1 tiếng đồng hồ để nói chuyện với các khởi nghiệp là các doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Tại buổi trò chuyện này, ông đã rất thoải mái trả lời các câu hỏi của các khởi nghiệp Việt đặt ra và đưa ra các lời khuyên cho các khởi nghiệp. Đồng thời, ông tin rằng Việt Nam sẽ là lò khởi nghiệp của thế giới.
Một buổi gặp gỡ của CEO Google cũng khiến cho cộng đồng khởi nghiệp dậy sóng, đó là việc ông uống Trà Chanh nói chuyện Nguyễn Hà Đông, “cha đẻ” của trò chơi nổi tiếng Flappy Bird.
Theo Ictnews.vn