Chính thức hoạt động từ tháng 4/2002, đến nay Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã là một tổ chức xã hội nghề nghiệp uy tín, với 438 đơn vị hội viên là các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, chiếm tới 60% nhân lực và 70% năng lực sản xuất của ngành phần mềm Việt Nam. Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ IV (2016 – 2020) là VINASA đã hoàn thiện được hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho sự phát triển của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam:
– Về tư vấn chính sách: Hội đồng Tư vấn Chính sách và nhóm Think Tank
– Về chuyển đổi số: thành lập Liên minh Chuyển đổi số (2019)
– Về khoa học công nghệ: Viện Khoa học Công nghệ VINASA (VSTI, năm 2011)
– Về đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Học viện VINASA, Học viện Chuyển đổi số VINASA (2020)
– Về Hỗ trợ khởi nghiệp: CLB Nhà đầu tư khởi nghiệp công nghệ số (VDI, năm 2020), VINASA Digital Acelerator (VDA, năm 2021)
– Về hỗ trợ phát triển thị trường: Ban Dịch vụ và Phát triển doanh nghiệp (BDS) thuộc Văn phòng VINASA
– Về truyền thông, quảng bá thương hiệu: Tạp chí Nhịp Sống Số (Năm 2017)
– Về phát triển thị trường quốc tế: Ban Hợp tác quốc tế, và Ủy ban Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (năm 2007)
Đây là các mảng hoạt động hỗ trợ tích cực cho nhu cầu kinh doanh, mở rộng thị trường và truyền thông, quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp hội viên.
Trong nhiệm kỳ IV của Ban chấp hành VINASA, ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT vẫn tiếp tục là ngành có tốc độ phát triển cao dẫn đầu và đặc biệt là có đóng góp quan trọng vào sự phát triển, hiện đại hóa của các ngành kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội đất nước. Cụ thể, ngành công nghiệp ICT Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng trung bình 26,1%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Năm 2020, doanh thu ước đạt 120 tỷ USD, trong đó doanh thu công nghiệp phần mềm và nội dung số đạt trên 6 tỷ USD cao gấp 2 lần so với doanh thu năm 2015 (3 tỷ USD). Năng suất và giá trị sản lượng lao động trong ngành cũng cao hơn các ngành kinh tế khác từ 3 – 10 lần, mức cao nhất đạt trên 20.000 USD/người/năm. Tỷ lệ hàm lượng giá trị Việt Nam trong doanh thu của ngành rất cao, đạt tới 90 – 95%.
Đội ngũ doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT đã có sự lớn mạnh nhanh chóng cả về số lượng, qui mô, trình độ công nghệ và về quản trị doanh nghiệp. Số lượng những công ty lớn với quy mô trên dưới 1.000 lao động đã được bổ sung nhiều tên tuổi mới. Bên cạnh FPT, MISA, CMC, TMA, VNG… là RikkeiSoft, KMS, GMO-Z.com Runsystem…, và một số lượng lớn các doanh nghiệp phát triển lên ngưỡng 500 – 900 lao động như: VMG, Luvina, Fujinet, NTQ, VTI…Số lượng các doanh nghiệp có quy mô 100 – 400 cũng xuất hiện rất nhiều tên tuổi mới: VNEXT, Deha, Nal, Beetsoft, HBLab… So với 5 năm trước, hầu hết các doanh nghiệp đã có bước phát triển lên một tầng mới. Xét về trình độ công nghệ, trong các lĩnh vực đang là xu thế phát triển trên thế giới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, dữ liệu lớn hay di động, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã đạt trình độ ngang với các doanh nghiệp trên thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp đang đem những kinh nghiệm, công nghệ, quy trình tích lũy sau nhiều năm làm cho đối tác nước ngoài để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao Make in Vietnam dành cho thị trường Việt Nam.
Hướng về chặng đường phía trước, với tinh thần“Tiên phong – Hợp tác – Sáng tạo”, Đại hội VINASA lần thứ V, nhiệm kỳ 2021 – 2025 đã đặt ra những mục tiêu mới, cũng như có những thay đổi về cơ cấu, nhân sự và chiến lược hoạt động. Phương hướng và chiến lược hoạt động của Hiệp hội sẽ tập trung vào 4 định hướng lớn: Xây dựng các hệ sinh thái công nghệ; Phát triển các nền tảng (Platform); Chú trọng chiến lược AI; Tham gia phát triển nguồn nhân lực CNTT, thông qua việc triển khai 3 lĩnh vực đào tạo chính gồm công nghệ, chuyển đổi số, smartcity. Ban lãnh đạo VINASA đã vạch rõ 12 hoạt động trọng tâm thời gian tới, bao gồm: Chính sách; Chính phủ số; Thành phố thông minh; Thúc đẩy startup công nghệ; Công nghệ AI; Chuyển đổi số doanh nghiệp; Chuyển đổi số nông nghiệp; Chuyển đổi số du lịch; Đào tạo chuyển đổi số, thành phố thông minh, AI…; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng vị thế trên trường quốc tế; Phát triển Hiệp hội trong và ngoài nước; Truyền thông, marketing cho ngành và doanh nghiệp.
Ban chấp hành và Ban lãnh đạo VINASA đã có sự trẻ hóa toàn diện, với sự tham gia của nhiều doanh nhân trẻ đang dẫn dắt các doanh nghiệp ICT hàng đầu Việt Nam. Trọng trách Chủ tịch VINASA nhiệm kỳ mới được trao cho Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa. Anh Phan Quang Minh – Giám đốc Truyền thông Tinhvan Group tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành và giữ chức vụ Trưởng ban Kiểm tra của Vinasa nhiệm kỳ V.
Nhân dịp Đại hội V của Vinasa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có đóng góp cho sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Anh Phan Quang Minh, Giám đốc Truyền thông Tinhvan Group, Trưởng Ban kiểm tra VINASA đã vinh dự được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Anh Phan Quang Minh – Giám đốc Truyền thông Tinhvan Group, Trưởng Ban Kiểm tra VINASA nhận Bằng khen của Bộ trưởng
Theo Tinhvan.vn