IBM cho biết, mục tiêu của sự hợp tác này là cải thiện việc cung cấp các dữ liệu phong phú, dịch vụ lưu trữ xuyên biên giới quốc gia và một loạt nhà cung cấp. Dự án nghiên cứu này đang được trung tâm nghiên cứu của IBM ở Haifa (Israel) lãnh đạo, sẽ giải quyết những thách thức lớn mà các đám mây lưu trữ hiện đại phải đối mặt, bao gồm: hiệu quả chi phí, dữ liệu di động trên khắp các nhà cung cấp đám mây, bảo đảm an toàn và nhu cầu sức mạnh điện toán khổng lồ có ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Sáng kiến này được gọi là "VISION Cloud - Dịch vụ lưu trữ được ảo hóa cho Internet trong tương lai", đang được Liên minh châu Âu (EU) tài trợ số tiền trị giá 21,4 triệu đô la Mỹ (~419,608 tỷ đồng).
VISION Cloud kết hợp một số khái niệm, đáng chú ý là mô hình ROD (rich object data), thực hiện các tính toán gần với nội dung lưu trữ, truy cập nội dung trọng tâm và khả năng tương tác (interoperability) dữ liệu đầy đủ.
"Người sử dụng ngày nay yêu cầu nhiều khả năng phong phú hơn các bit dữ liệu thô đơn giản và lưu trữ cơ bản", ông Hillel Kolodner, nhà nghiên cứu thuộc IBM Haifa và kiến trúc sư trưởng của VISION Cloud cho biết. "Với VISION Cloud, mục tiêu của chúng tôi là phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ sự nổi bật của dữ liệu và các dịch vụ dữ liệu chuyên sâu".
IBM cho rằng, với VISION Cloud, một nhà cung cấp các dịch vụ lưu trữ trong tương lai có thể đưa ra một dịch vụ "kỹ thuật số an toàn", nơi mà người tiêu dùng có thể lưu trữ ảnh, video, hồ sơ sức khỏe và hồ sơ tài chính an toàn trong đám mây.
Các đối tác của sáng kiến này bao gồm nhiều công ty CNTT, cung cấp phần mềm và dịch vụ cho doanh nghiệp, chẳng hạn như SAP AG, Siemens Corporate Technology, Engineering and ITRicity. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bao gồm Telefónica Investigación y Desarrollo, Orange Labs và Telenor. Các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông đại chúng bao gồm RAI và Deutche Welle. Cũng bao gồm trong liên minh là tổ chức tiêu chuẩn SNIAE (Storage Networking Industry Association of Europe) của châu Âu, ĐH Kỹ thuật quốc gia Athens, ĐH Umea, Viện Khoa học Máy tính của Thụy Điển và ĐH Messina...
Theo www.pcworld.com.vn