|
Đoàn thẩm định hồ sơ Giải thưởng Ứng dụng CNTT 2011 vừa đến Cục Quản lý đấu thầu để thẩm định các số liệu về Hệ thống đấu thầu điện tử, kết quả cho thấy hoạt động thực tế còn tốt hơn dữ liệu trong hồ sơ. Ảnh: Ngọc Mai. |
Đã thí điểm thành công
Hệ thống đầu thầu điện tử được thực hiện thí điểm tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn từ đầu tháng 9/2009 với các thành phần gồm cổng thông tin điện tử, trung tâm dữ liệu (server room), hệ thống chứng thực chữ ký số người dùng, phần mềm đấu thầu qua mạng và hệ thống quản lý người dùng.
Theo thiết kế, http://muasamcong.mpi.gov.vn sẽ đóng vai trò một cửa duy nhất cho toàn bộ hoạt động mua sắm công trong nước, các đối tượng tham gia chỉ cần đăng ký 1 lần vào Hệ thống đều có thể tham gia giao dịch với tất cả các gói thầu trên hệ thống (với đấu thầu truyền thống thì với mỗi gói thầu lại phải đăng ký tham gia 1 lần khác nhau).
Hệ thống được thiết kế phù hợp với yêu cầu về phân cấp đầu tư và mua sắm hiện nay, Bộ KH&ĐT chỉ giữ vai trò quản lý hệ thống và quản lý tập trung thông tin, kiểm soát về thủ tục pháp lý chứ không can thiệp vào hoạt động đấu thầu trong nội bộ các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân là bên mời thầu, nhà thầu tham gia.
Ngoài thông tin về cơ hội đấu thầu và quá trình tổ chức đấu thầu, Hệ thống còn đăng tải đa dạng thông tin liên quan đến đấu thầu như toàn bộ văn bản pháp quy liên quan đến đấu thầu, cơ sở đào tạo về đấu thầu, danh sách giảng viên về đấu thầu, danh sách nhà thầu vi phạm pháp luật đấu thầu, danh sách nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam.
Đến nay, các dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống đấu thầu điện tử (điển hình như một dịch vụ công trực tuyến mức 3 là "Đăng ký" và hai dịch vụ công trực tuyến đạt hơn mức 3 nhưng chưa tới mức 4 là "Thông báo mời thầu" và "Đấu thầu qua mạng") đã đem lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng như tiết giảm chi phí đi lại, giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu hành vi tiêu cực như thông thầu "quân xanh, quân đỏ", tăng tính công khai minh bạch cho hoạt động mua sắm đấu thầu... Chẳng hạn, với 1 gói thầu có tính cạnh tranh cao có tới 30 nhà thầu tham gia, nhà thầu tại Cà Mau không phải lặn lội ra Hà Nội để dự thầu, các nhà thầu có thể ngồi tại nhà để đợi tới giờ mở thầu, không phải lo ngại chuyện ghi chép thông tin mở thầu có sai lệch. Hoặc với việc đấu thầu trên mạng, sẽ không còn chuyện chủ đầu tư đăng báo đấu thầu rộng rãi rồi tìm cách không bán hồ sơ cho nhà thầu để đạt mục đích riêng.
|
Phòng máy chủ của Hệ thống đấu thầu điện tử. |
Lợi ích rất rõ, thế nhưng hành trình đi vào cuộc sống của Hệ thống đấu thầu điện tử không trải đầy hoa hồng. Chia sẻ về vấn đề này ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh tới lực cản là nhiều người không thích công khai minh bạch vì một số lý do ngoài đấu thầu. Vì vậy, không loại trừ hiện tượng chỉ vấp phải một chút sự cố hoặc vướng mắc kỹ thuật là lập tức "bàn lùi" không tham gia Hệ thống đấu thầu điện tử.
Nhưng với quyết tâm chính trị của Chính phủ và Bộ KH&ĐT cũng như các đơn vị tham gia thí điểm (UBND TP.Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Ninh), cuối năm 2011, kết thúc giai đoạn thí điểm, Bộ KH&ĐT khẳng định Hệ thống đấu thầu điện tử đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Tính đến 8/5/2012, trên Hệ thống đã có 3.469 bên mời thầu và 980 nhà thầu đăng ký; đăng tải 1.056 kế hoạch đấu thầu, 28.193 gói thầu (gồm 18.692 gói hàng hóa, 8.765 gói xây lắp, 682 gói dịch vụ và 54 gói EPC); đã có 189 gói thầu được triển khai đấu thầu qua mạng.
Hướng tới sự kết nối
Theo lý thuyết phát triển của hoạt động ứng dụng CNTT vào lĩnh vực mua sắm công trên thế giới thì các hệ thống mua sắm công phải trải qua 3 giai đoạn: minh bạch thông tin - giao dịch điện tử - kết nối.
Hệ thống đấu thầu điện tử đang giúp lĩnh vực mua sắm công tại Việt Nam đạt mức 2 (đăng tải hồ sơ mời thầu, thực hiện đấu thầu qua mạng với sự đảm bảo an toàn bằng các chứng thư số). Còn câu chuyện liên kết, kết nối thì chưa làm được. Hiện Hệ thống đấu thầu điện tử vẫn chưa thể kết nối, tương tác với các cơ quan Bộ, ngành khác để triển khai các hoạt động như thanh toán, bảo lãnh, đánh giá năng lực nhà thầu...
"Chúng tôi làm cầu nhưng không có đường dẫn nên bị cụt... Trong bối cảnh hệ thống CNTT của các Bộ, ngành chưa phát triển đồng loạt, chúng tôi đi trước nên khá lúng túng", ông Tăng nhận xét.
|
Máy chủ của Hệ thống đấu thầu điện tử được đầu tư bằng nguồn viện trợ từ KOICA - Hàn Quốc. |
Ông Tăng dẫn chứng ở Hàn Quốc, các cơ sở dữ liệu được liên thông, nhà thầu chỉ cần kê khai thông tin cần thiết như số đăng ký kinh doanh, số hồ sơ thuế, số hồ sơ văn bằng chứng minh năng lực,... thì các hệ thống đấu thầu điện tử sẽ tự động kết nối tới cơ sở dữ liệu của Sở KH&ĐT, Cục Thuế... để "móc" dữ liệu ra kiểm chứng. Còn ở Việt Nam, khi đấu thầu qua mạng, nhà thầu vẫn phải photo công chứng những văn bản liên quan để gửi kèm.
Không ngồi chờ các Bộ, ngành khác tăng tốc để cùng kết nối, Bộ KH&ĐT vẫn tích cực triển khai nhiều công việc mới để từ nay tới 2015 sẽ mở rộng Hệ thống đã xây dựng, bổ sung các chức năng gồm mua sắm điện tử (e-shopping), hợp đồng điện tử (e-contracting), thanh toán điện tử (e-payment); từng bước áp dụng hoạt động mua sắm qua mạng đối với các đơn vị có chức năng mua sắm (chủ đầu tư, bên mời thầu) sử dụng nguồn vốn Nhà nước trên toàn quốc.
Những thành quả bước đầu cũng như kế hoạch phát triển khả thi của Hệ thống đấu thầu điện tử đang giúp cho Cục Quản lý đấu thầu - Bộ KH&ĐT trở thành ứng cử viên sáng giá của nhóm "Cơ quan Nhà nước cấp Cục, Tổng cục và tương đương ứng dụng CNTT hiệu quả nhất" trong khuôn khổ Giải thưởng "Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước năm 2011" đang được Bộ TT&TT, Cục Ứng dụng CNTT và Báo Bưu điện Việt Nam triển khai.
Khảo sát các chủ đầu tư, bên mời thầu của một số Bộ, ngành và địa phương về Hệ thống đấu thầu điện tử và hoạt động thí điểm đấu thầu qua mạng thì thấy 95% khẳng định hạ tầng CNTT gồm máy móc, thiết bị và đường truyền Internet đã đáp ứng yêu cầu đấu thầu qua mạng; 95% cho biết việc tiếp cận, tìm kiếm thông tin đấu thầu qua mạng rất thuận tiện, dễ dàng, 84% cho rằng quy trình đấu thầu qua mạng được thực hiện dễ dàng, 90% khẳng định việc tự đăng tải thông tin đấu thầu qua mạng rất nhanh chóng, đơn giản...
Cục Quản lý đấu thầu - Bộ KH&ĐT đang là một trong số không nhiều cơ quan Bộ, ngành triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản hồ sơ công việc. Tất cả văn bản đi, đến, văn bản chỉ đạo, điều hành... đều được thực hiện và luân chuyển trên mạng. Hồ sơ, văn bản tại khâu nào chưa được xử lý thì hệ thống sẽ tự động cảnh báo để nhắc việc. Công khai minh bạch nên không có tình trạng cùng một vấn đề mà nhiều lãnh đạo có những ý kiến chỉ đạo khác nhau và cũng không có chuyện công việc đình trệ khi người chịu trách nhiệm xử lý vắng mặt.
Theo Ictnews.vn