|
AVG của ông chủ Phạm Nhật Vũ dường như đang nuôi tham vọng tiến mạnh hơn vào thị trường viễn thông. |
Sở dĩ AVG hợp tác với FPT Telecom cung cấp dịch vụ truyền hình cáp bởi 2 đpn vị này đã đầu tư trục truyền dẫn Bắc - Nam từ giữa năm 2011. Trục cáp quang Bắc - Nam này có chiều dài khoảng 2.000 km, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2012. Mục tiêu của AVG là đầu tư thêm cáp đồng trục đến hộ gia đình để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp giá rẻ. Trước đó, AVG đã tuyên bố cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh với giá cước rất rẻ từ 33.000 đồng/tháng. AVG hiện là 1 trong 3 đơn vị được xây dựng hệ thống truyền dẫn phát sóng trên phạm vi toàn quốc, DN này cũng được cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định nội hạt và mạng viễn thông cố định vệ tinh. Ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty AVG là em trai ông Phạm Nhật Vượng (1 trong những người giàu nhất Việt Nam hiện nay căn cứ vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán).
Việc AVG "liên thủ" với FPT Telecom nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp được cho là sẽ gây tác động lớn đến thị trường này. Đầu tư dịch vụ truyền hình cáp đòi hỏi phải đầu tư hạ tầng rất lớn, chi phí duy trì bảo dưỡng cao. Vì vậy, đến thời điểm này, dịch vụ truyền hình cáp mới chỉ cạnh tranh mạnh ở hai thị trường "màu mỡ" là Hà Nội và TP.HCM với khoảng 3 - 4 nhà cung cấp. Ở các địa phương khác (chủ yếu là đô thị) thì việc cạnh tranh rất thấp, thậm chí nhiều nơi chỉ có VCTV (Truyền hình cáp Việt Nam) cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, Việt Nam có tới 20 triệu gia đình, đây là thị trường lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.
AVG bắt tay với FPT Telecom được cho là sự kết hợp của 2 DN năng động và có khả năng cạnh tranh cao bởi đó là sự kết hợp của mô hình kinh tế tư nhân và cổ phần. FPT Telecom hiện có thị phần Internet lớn thứ 2 tại Việt Nam nên AVG và FPT Telecom không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Nhiều khả năng họ sẽ đem lại một mô hình cung cấp dịch vụ "Tất cả trong 1" cho khách hàng gồm Internet, truyền hình chất lượng cao theo yêu cầu, thậm chí cả điện thoại cố định trên 1 đường cáp đồng trục. Động thái này cho thấy AVG đang tìm đường tiến sâu vào thị trường viễn thông chứ không dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng. Trước đó, cũng có ý kiến cho rằng với tài nguyên được cấp phát AVG có thể "nhòm ngó" cả thị trường di động.
Bình luận về cơ cấu thị trường viễn thông sau khi mở cửa, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông cho rằng, gần đây, thị trường viễn thông Việt Nam đã bộc lộ những mặt hạn chế mà nếu không khắc phục, thì sự phát triển tiếp theo sẽ gây khó khăn cho cả DN, Nhà nước và người tiêu dùng. Hạn chế lớn nhất được ông Trực đề cập là hầu hết các DN viễn thông chủ lực đều là DN Nhà nước. Theo ông, thị trường viễn thông Việt Nam chỉ cần 1 - 2 DN Nhà nước, còn lại là DN tư nhân để tạo sự cạnh tranh.
Theo Ictnews.vn