Thay cho xu hướng thuê ngoài (outsourcing) diễn ra thời gian trước, giờ đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng thành lập pháp nhân tại Việt Nam và chủ động tuyển dụng nhân sự về làm việc trong công ty. Ông Yasukura Hiroaki, Tổng Giám đốc công ty Iconic, chủ sở hữu một trang web mới ra mắt tại Việt Nam chuyên về tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, các dịch vụ web/mobile/game ở Nhật Bản đang nở rộ và thật sự trên đà phát triển. Do đó, các công ty CNTT Nhật Bản cần gấp kỹ sư và nhân viên phát triển web hay phần mềm, đặc biệt là những kỹ sư giỏi ở bất cứ nơi đâu.
Theo ông Yasukura, nguồn nhân lực từ Việt Nam được nhiều doanh nghiệp Nhật cho là có nhiều lợi thế nhờ sự gần gũi về văn hóa nên dễ hợp tác và thấu hiểu lẫn nhau. Bên cạnh đó là lợi thế về chi phí. Thông thường, vị trí kỹ sư ở Nhật có mức lương từ 2500 - 3000 USD, trưởng nhóm có thể từ 4000 - 5000 USD. Nhưng ở Việt Nam, mức lương có thể thấp hơn từ 40 - 60%.
|
Báo cáo - giao tiếp - thảo luận là 3 yếu tố các sếp Nhật luôn yêu cầu nhân viên phải giỏi
(Nguồn: Onboom)
|
Hiện tại, Iconic đăng nhiều thông tin tuyển dụng kỹ sư CNTT, tập trung nhiều vào 3 vị trí: kỹ sư lập trình ứng dụng cho di động (Smartphone Engineer); kỹ sư hệ thống cầu nối (Bridge System Engineer) và kỹ sư lập trình PHP (PHP Engineer). Riêng với Smartphone Engineer, các kỹ sư cho iPhone có nhu cầu rất cao. Hiện tại, mỗi vị trí này đều có hơn 100 thông tin đăng tuyển.
Ông Yasukura Hiroaki cho biết các công ty Nhật Bản thường không cần bất cứ bằng cấp nào nhưng cần khả năng và tính cách con người phải phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, và thường có chế độ đãi ngộ phù hợp và xứng đáng để giữ chân người tài. Những kinh nghiệm của ứng viên ở công ty trước đó sẽ được nhà tuyển dụng lưu ý. Ngoài ra, nếu không biết tiếng Nhật, ít nhất tiếng Anh của ứng viên phải thành thạo.
Theo Yasakura, ngoài các nguyên tắc chung về công việc, các "sếp" Nhật thường yêu cầu nhân viên phải giỏi trong giao tiếp, làm việc theo nhóm và phải biết thảo luận cùng nhau. Việc báo cáo để nắm được mức độ và tình hình thực hiện công việc cũng không kém phần quan trọng, người Nhật gọi đó là Ho-Ren-Sou (Báo cáo - giao tiếp - thảo luận).
Theo Pcworld.com.vn