|
Đám mây Chính phủ là chủ đề nóng đầu tiên được tập trung thảo luận tại Diễn đàn FutureGov 2012 vừa diễn ra ở Hà Nội. |
Rục rịch xu hướng “đám mây Chính phủ”
Tại Diễn đàn FutureGov Việt Nam vừa diễn ra ở Hà Nội, nhiều kinh nghiệm quốc tế về việc triển khai công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) cho khối Chính phủ (Government Cloud, viết tắt là G-Cloud) đã được chia sẻ với các nhà quản lý, chuyên gia Việt Nam.
Bà Nantawan Wongkachonkitti, Giám đốc Chiến lược CNTT, Cục Chính phủ điện tử, Thái Lan cho biết, Chính phủ nước này đã quyết định thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây từ tháng 1/2011 để giảm chi phí sử dụng công nghệ cho việc xây dựng Chính phủ điện tử. Trong một “đám mây Chính phủ”, các Bộ, ngành có thể tương tác, chia sẻ và dùng chung hạ tầng đám mây để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tác nghiệp. Với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, đến nay, dịch vụ “đám mây Chính phủ” tại Thái Lan đã được vận hành khá trơn tru. Cách đây khoảng 1 tháng Thái Lan bắt đầu triển khai thêm dịch vụ đảm bảo an ninh thông tin cho G-Cloud, với những hướng dẫn bảo mật an toàn thông tin không chỉ về bảo vệ dữ liệu mà cả áp dụng công nghệ mật mã, giải mã... Tháng 4/2012, khi lấy phiếu tín nhiệm thì thấy 75% số lượng người tham gia khảo sát cho biết hài lòng với dịch vụ G-Cloud.
Chuyển sang Hàn Quốc, công nghệ đám mây cũng được sử dụng để kết nối các tỉnh thành, cơ quan ban ngành trong cả nước hoặc để triển khai hệ thống “một cửa”. Bài học kinh nghiệm được bà Chang Kyung Soon, Cục trưởng Cục Hàng hóa quốc tế, Tổng cục Mua sắm công Hàn Quốc đúc rút là phải tránh đầu tư chồng chéo, tốn kém trong quá trình chuyển từ mô hình hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT truyền thống sang sử dụng công nghệ đám mây. Bởi ở Hàn Quốc đã từng vấp phải chuyện mỗi Bộ, ngành lại phát triển một hệ thống riêng, nơi thì muốn sử dụng đám mây riêng (private cloud), nơi lại muốn sử dụng đám mây lai (hybrid cloud)… Để tránh lặp lại "vết xe đổ" này ngay từ khi bắt đầu triển khai “đám mây Chính phủ” cần có chiến lược tổng thể nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa các Bộ, ngành.
Với việc triển khai “đám mây Chính phủ”, dữ liệu của các cơ quan Chính phủ sẽ được đưa lên “đám mây” thay vì lưu trữ tại từng cơ quan, đơn vị như trước đây.
Việt Nam: Sớm hay muộn?
Bàn về chủ đề ứng dụng đám mây trong khối Chính phủ, ông Vũ Duy Lợi, Giám đốc Trung tâm CNTT - Văn phòng Trung ương Đảng nhận định: “Ở Việt Nam, bây giờ nói đến đám mây thì hơi sớm. Trước hết, cần tổ chức lại hạ tầng kỹ thuật rồi mới đề cập tới chuyện ứng dụng đám mây. Bởi ngay cả cơ quan cấp Trung ương cũng đang có tình trạng tự đầu tư xây dựng hạ tầng riêng bất kể đã có sẵn hạ tầng chung. Cần bắt buộc các ứng dụng phải thực hiện trên một hạ tầng thống nhất”.
Không tán đồng quan điểm của ông Lợi, ông Phùng Bảo Thạch - Giám đốc Trung tâm thông tin, Bộ KH-CN lại cho rằng: “Bây giờ Chính phủ Việt Nam tiếp cận G-Cloud không còn là sớm nữa mà thậm chí còn hơi muộn. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có chủ trương chính thức nào của Chính phủ, thiếu hành lang pháp lý để các cơ quan Chính phủ sử dụng dịch vụ đám mây, bởi vậy các Bộ, ngành đang tiến hành một cách đơn lẻ”.
Trên thực tế, đã có nhiều Bộ, ngành, địa phương “bén duyên” với “đám mây”; có thể kể đến những đơn vị tiên phong như Bộ TN&MT, TP.HCM... Song theo ông Thạch, các Bộ, ngành vẫn đang triển khai "đám mây" trong tâm thế bị “hoàn cảnh xô đẩy”. Điển hình như tại Bộ KH&CN, giờ đã ảo hóa tới 80% hệ thống máy chủ (server) song động cơ chính của việc chọn công nghệ đám mây là không được đầu tư về hạ tầng (đặc biệt là sau khi có Nghị quyết 11/CP về cắt giảm chi tiêu công) trong khi nhu cầu ứng dụng CNTT của các đơn vị trong Bộ lại ngày càng tăng.
Dự đoán trong nhiều năm tới, các cơ quan Chính phủ vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng với việc thuê dịch vụ, đặt dữ liệu lên dịch vụ đám mây của các nhà cung cấp bởi e ngại vấn đề bảo mật an toàn thông tin dữ liệu. Ông Thạch đề xuất: “Trong chiến lược, đề án phát triển ứng dụng CNTT tới năm 2020 của Chính phủ, cần có thêm định hướng phát triển G-Cloud để các Bộ, ngành có cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể và làm dần từng bước”.
Trao đổi thêm về vấn đề đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên dịch vụ đám mây, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho rằng thời gian tới, Nhà nước phải cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây tại Việt Nam để họ chịu sự ràng buộc trách nhiệm về việc cung cấp các dịch vụ tốt và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2012 với chủ đề "Chính phủ điện tử cho con người - e-Government for the People” do Liên Hợp quốc công bố cuối tháng 2/2012, hầu hết các nước trong nửa trên của bảng đánh giá, trong đó có Việt Nam (đứng thứ 4 Đông Nam Á), đều đang chuyển các ứng dụng CNTT từ dạng rời rạc "silo" sang giải pháp tổng thể trên môi trường truyền thông hợp nhất, chuyển từ việc lưu trữ phân tán nhiều tập nhỏ dữ liệu sang lưu trữ dữ liệu lớn dựa trên công nghệ ảo hóa, đám mây (whole-of-goverrnment-approaches).
Theo Ictnews.vn
|
Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đang bắt đầu nhắm tới khối Chính phủ. |