Nhiều kế hoạch tại Việt Nam
Trong buổi họp mặt các đối tác khu vực Đông Nam Á diễn ra tháng 6/2011, một đại diện của Google đã bày tỏ kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ đem lại doanh số 30 triệu USD/năm cho Google. Thời gian gần đây, có nhiều động thái cho thấy Google đang từng bước thực hiện dự định này, nhất là trong mảng các dịch vụ nhắm đến khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Cuối tháng 4/2012 tại Hà Nội, bà Ann Lavin, Giám đốc bộ phận Chính sách, khu vực Đông Nam Á của Google cho biết thông tin về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực, đặc biệt là việc Thái Lan tiếp cận thương mại điện tử (TMĐT), đẩy mạnh giao dịch trực tuyến và bày tỏ ý muốn triển khai chương trình tương tự ở Việt Nam.
|
Ông Mike Orgill, phụ trách về chính sách công và hợp tác chính phủ khu vực Đông Nam Á
của Google làm việc với đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam. Nguồn.VECOM.
|
Trước đó, ông Mike Orgill, phụ trách về chính sách công và hợp tác chính phủ khu vực Đông Nam Á của Google đã làm việc với đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho biết mong muốn hợp tác trong lĩnh vực TMĐT, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trực tuyến của các hội viên Hiệp hội. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký VECOM cho biết sẽ tiếp tục làm việc với Google để lên kế hoạch hợp tác cụ thể.
Đối với mảng quảng cáo Adwords vốn khá phổ biến ở Việt Nam, Google hiện có tới 9 đối tác trong nước. Đồng thời Google cũng đang cung cấp dịch vụ Google Apps (bộ ứng dụng đám mây dành cho doanh nghiệp) thông qua đối tác bản địa Gimasys. Qua đối tác, Google cũng cung cấp ứng dụng Google Search Appliance (tìm kiếm trong nội bộ doanh nghiệp), các dịch vụ tư vấn, bản quyền phần mềm, triển khai và hỗ trợ sau bán hàng đối với các sản phẩm/dịch vụ liên quan cho toàn bộ doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam.
Một đại lý ủy quyền của Google cho PC World Vietnam biết, Google có dự định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động tại bản địa và đang bàn thảo với cơ quan chức năng về việc này.
Ảnh hưởng đến 'bát cơm' của phần mềm nội?
Theo nhận định của một số công ty phần mềm nội, Google có thế mạnh là một nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây, đã có kinh nghiệm, có thương hiệu nên có thể dễ dàng tạo được sự chú ý của người dùng.
Trên trang web chính thức, hãng này công bố, trung bình mỗi ngày hàng nghìn doanh nghiệp trên thế giới đăng ký sử dụng dịch vụ Google Apps. Con số do giám đốc vùng Đông Nam Á bộ phận Google Enterprise cung cấp là khoảng 5-7 nghìn. Hiện tại, trên toàn cầu, có hơn 4 triệu doanh nghiệp đang là khách hàng của hãng.
Google Apps là một bộ ứng dụng điện toán đám mây (cloud-based) gồm các công cụ: truyền tin (email mang tên miền của doanh nghiệp; nhắn tin nhanh gồm chat, voice chat và video chat), cộng tác (chia sẻ lịch làm việc; làm việc trên cùng một tài liệu; chia sẻ tài liệu; làm việc theo nhóm/dự án).
Theo giới thiệu, với các dịch vụ này, doanh nghiệp có thể tập trung nguồn nhân lực CNTT cho mảng kinh doanh chính. Các hoạt động trao đổi thông tin trong nội bộ doanh nghiệp được thông suốt giúp nâng cao hiệu suất làm việc, thúc đẩy cộng tác.
Trong khi đó, ứng dụng Google Search Appliance có thể được dùng trong doanh nghiệp để tối ưu hóa việc sắp xếp và tìm kiếm thông tin. Theo Google, các doanh nghiệp như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, thương mại điện tử... có thể gia tăng hiệu suất làm việc cũng như gia tăng giá trị dịch vụ khi ứng dụng dịch vụ này.
Chưa rõ các doanh nghiệp trong nước sẽ khai thác các dịch vụ của Google đến đâu để tăng hiệu quả kinh doanh, nhưng với các công ty phần mềm nội, rất có thể thị phần sẽ bị co lại.
Không chỉ Google, thời gian gần đây, nhiều hãng phần mềm nước ngoài đều đang có ý định “tấn công” vào thị trường Việt Nam. Từ cuối năm 2011 đến nay, rất nhiều đoàn doanh nghiệp phần mềm của nước ngoài từ Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan và Hàn Quốc... đã có các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đối tác phân phối và triển khai tại Việt Nam.
Với trường hợp của Google, ông Trịnh Hồng Chương, Giám đốc điều hành, Công ty phần mềm iBoss cho rằng Google có quy mô và tên tuổi quá lớn. Điều này một mặt sẽ mang lại cơ hội sử dụng các phần mềm/ứng dụng có chất lượng cao và chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp trong nước, mặt khác, sẽ là một khó khăn cho các công ty phần mềm như iBoss khi cạnh tranh về chất lượng cũng như quy mô sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Chương cũng nhận định, sản phẩm của Google hay các hãng phần mềm khác - không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu của doanh nghiệp. Nhất là các yêu cầu riêng mang tính đặc thù. Đây là phân khúc thị phần phát triển mới có tính chất bổ trợ (add on), nhu cầu này cũng không hề nhỏ. Ngoài ra, các dịch vụ khác như tư vấn, chuyển giao... cũng rất cần khi triển khai ứng dụng các phần mềm nói trên.
Đây có lẽ sẽ là hướng đi mới cho các công ty phần mềm nội trước sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại.
Theo Pcworld.com.vn