|
Việc quản lý game online của các cơ quan chức năng đang có nguy cơ tụt hậu. |
Quy chế “mất hút”, ít cơ quan quản lý vào cuộc
Rất nhiều lần những hé lộ về thời điểm ra mắt quy chế quản lý game online được đưa ra, DN và người chơi game đã tràn trề hi vọng về điều đó. Nhưng đến bây giờ, việc ra mắt quy chế mới có vẻ như ngày càng xa vời, khi nó không còn được đả động đến nhiều. Ngay cả đại diện Cục quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, đơn vị trực tiếp quản lý game online, khi được hỏi về thời điểm ra mắt cũng không thể đưa ra một cách chính xác bởi nó được trình lên Chính phủ gần 2 năm nay nhưng chưa được phê duyệt.
Quy chế “mất hút”, việc quản lý game online vẫn phải theo Thông tư liên tịch số 60, một thông tư được thừa nhận là cũ và không còn theo kịp sự phát triển. Nhiều hình thức lách luật để phát hành game online được DN trong nước tận dụng nhằm đưa game ra thị trường phục vụ người chơi, nhởn nhơ vi phạm nhưng hiếm khi bị xử lý.
Đến thời điểm hiện tại, Sở TT&TT TPHCM vẫn được xem là đơn vị tích cực nhất trong việc xử lý vi phạm về quản lý game online, những game có nội dung vi phạm như bài bạc, bạo lực hay game có máy chủ đặt ở nước ngoài, game lậu… đều được thanh tra Sở làm việc rất mạnh tay với DN, nhiều game bị yêu cầu đóng cửa và DN phải chịu phạt. Nhưng khi chỉ có một đơn vị quản lý Nhà nước mạnh tay thì chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ không cao như mong đợi. Quản lý game online đòi hỏi phải có sự thống nhất trên cả nước.
Chẳng hạn, Sở TT&TT TPHCM cấm game bắn súng Đột Kích của VTC Game vì có nội dung “bạo lực” song các địa phương khác lại không dùng hình thức này, khiến cho việc cấm ở đây chỉ mang tính khoanh vùng địa phương. Hay trong việc xử lý game online có máy chủ đặt ở nước ngoài, biết đơn vị trong nước tiến hành đưa trò chơi ra thị trường, thế nhưng khi gọi lên để xử lý Sở TT&TT TPHCM đã không thể xử phạt được. Nguyên do là DN này đã “lách luật” bằng cách chuyển giấy phép kinh doanh game của mình ra một đơn vị ở phía Bắc. Mặc dù Sở TT&TT TPHCM cũng làm hồ sơ gửi ra tỉnh đó để phối hợp xử lý nhưng đã không được hưởng ứng.
Nguy cơ tụt hậu trong quản lý
Thực tế, nếu quy chế quản lý game online mới ra mắt ở thời điểm này mà không bổ sung thêm một số điều khoản mới thì nhiều khả năng cũng không theo kịp với sự phát triển của thị trường game hiện nay.
Khó khăn trong xin cấp phép game online đã khiến cho một số DN trong nước sử dụng đủ mọi hình thức “lách luật” để đưa game ra thị trường. Do vậy, thị trường game online ở Việt Nam đang nảy sinh ra hàng chục thể loại khác nhau.
Cụ thể, để né việc xin giấy phép, các DN đã đặt máy chủ game ở nước ngoài và phát hành lại thị trường trong nước theo dạng game quốc tế phiên bản Việt. Một số DN khác thì phát hành dưới hình thức phiên bản lậu một cách âm thầm. Hay nhiều DN đã sử dụng hình thức đưa game của mình lên các mạng xã hội để phát hành dưới dạng một ứng dụng mà cơ quan quản lý không làm gì được do chưa có những quy định rõ rang về hình thức này. Cao tay hơn, các DN còn sử dụng hình thức đưa game của mình lên những kho ứng dụng nước ngoài như Google Play, Apple Store… để người chơi tải về sau đó thoải mái chơi game.
Bên cạnh đó, nhiều trang tin điện tử về game trong nước cũng đang quảng bá cho những game có nội dung bạo lực, game không phép một cách tràn lan, khiến cho vấn đề quản lý càng gặp nhiều khó khăn. Game vi phạm được truyền bá đến người chơi nhanh hơn và các trang này hoàn toàn không bị thổi còi bởi không có quy định để mà xử lý?
Theo Ictnews.vn