|
Với những nỗ lực đưa Internet về nông thôn, vùng sâu vùng xa của Chính phủ và Bộ TT&TT, chúng ta sẽ ngày càng khai thác tốt hơn giá trị kinh tế từ Internet. |
"Cỗ" đã bày nhưng không "xơi"
Theo báo cáo khảo sát "Tác động Internet tới nền kinh tế của các quốc gia đang lên" vừa được Công ty McKeinsey & Company công bố, Internet có thể giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) gia tăng doanh thu từ việc tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tiết kiệm chi phí bán hàng, nâng cao năng suất làm việc… song hầu hết các SMEs ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vẫn chưa khai thác được tối đa tiềm năng của Internet.
Đồng tình với nhận định trên, ông Mai Sean Cang, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, dẫn chứng: Hiện đã có một số ví dụ điển hình tại Việt Nam về việc khai thác tốt tiềm năng của Internet, chẳng hạn 1 khách sạn gia đình ở Nha Trang tạo website, quảng cáo qua Google với mức phí 50 USD/tháng, đã có thể bán dịch vụ qua Mỹ, Đức... để thu hút khách hàng; hoặc 1 doanh nghiệp cá thể ở TP.HCM chuyên may áo dài cũng có trang web bán hàng cho người Việt Nam ở nước ngoài, phương thức thanh toán là trả tiền qua PayPal. Thế nhưng nhìn chung thì vẫn còn ít doanh nghiệp Việt Nam làm được như vậy. Hiện có 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, 500.000 SMEs đang hoạt động nhưng rất nhiều doanh nghiệp chưa biết tận dụng công cụ Internet để xuất khẩu ra nước ngoài. Chỉ cần 10 – 20% trong số 1 triệu hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam biết cách tận dụng Internet cũng có thể đạt hàng triệu USD doanh thu xuất khẩu.
Ông Hà Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty VinaLink Media dẫn chứng thêm: "Dù đã có 100.000 doanh nghiệp tại Việt Nam mở website nhưng ít doanh nghiệp biết các kỹ thuật về quảng cáo trực tuyến. Khảo sát của VinaLink năm 2011 cho thấy mới chỉ có tối đa 5% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các loại hình truyền thông, marketing để làm tiếp thị trên mạng".
Một trong những "rào cản" đối với việc tận dụng lợi thế của Internet để phát triển doanh thu của các SMEs tại Việt Nam chính là vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ: "Rất nhiều doanh nghiệp đã nhờ Hiệp hội đề xuất kiến nghị Chính phủ đầu tư xây dựng cổng thông tin xuất khẩu hỗ trợ doanh nghiệp. Họ có suy nghĩ rằng Chính phủ đang chủ trương xúc tiến xuất khẩu thì sẽ có nguồn vốn đầu tư cho cổng này. Tuy nhiên, lấy ngân sách của Chính phủ không dễ. Các doanh nghiệp hãy coi đây là hoạt động kinh doanh, hãy chủ động xây dựng cổng và thu phí, không nên trông đợi Chính phủ hỗ trợ cổng này. Có thể học tập kinh nghiệm quốc tế như ở Thái Lan đang có Cổng thông tin xuất khẩu bằng tiếng Anh do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, vận hành, quản lý".
Một tin vui đối với cộng đồng SMEs Việt Nam là Google đang rất sẵn sàng hợp tác để đưa Chương trình Hỗ trợ SMEs vào triển khai tại Việt Nam (hiện Google đang triển khai chương trình hỗ trợ SMEs tại Thái Lan, sau 8 tháng đã có 60.000 doanh nghiệp đăng ký tạo trang web, năm 2012 dự định làm cho khoảng 100.000 doanh nghiệp). Đây sẽ là động thái tích cực để nâng cao kiến thức và kỹ năng khai thác lợi thế của Internet để tăng doanh thu cho các SMEs Việt.
Chưa tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn
Theo ông Shaowei Ying, Phó Giám đốc Văn phòng Singapore, Công ty McKeinsey & Company, trong bối cảnh gia tăng tốc độ đô thị hóa cũng như tình trạng di cư của người dân nông thôn sang đô thị, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần chú trọng hơn tới việc phát triển cơ sở hạ tầng CNTT-TT hỗ trợ khu vực nông thôn.
Việc tiếp cận Internet tại nông thôn có giá trị rất lớn, thậm chí có thể tạo những bước nhảy vọt trong việc đem lại diện mạo mới cho kinh tế nông thôn.
Tuy nhiên, với góc nhìn của người trong cuộc, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết đưa Internet về nông thôn vẫn đang là bài toán khó giải. Đơn cử như về hạ tầng mạng, hiện ở nông thôn vẫn còn rất thiếu các thiết bị truy nhập. Đã có nhiều chương trình về máy tính giá rẻ, hỗ trợ học sinh – sinh viên,… được rục rịch triển khai, nhưng sau rất nhiều lời hô hào vẫn chưa thấy thực sự đáp ứng nhu cầu.
Ở góc độ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Công ty FPT Telecom cũng nhận định rằng rất khó để thúc đẩy Internet tại nông thôn Việt Nam khi mà giá truy cập Internet ở Việt Nam gần như rẻ nhất thế giới, khiến cho doanh nghiệp hạn chế vốn đầu tư để mở rộng mạng lưới.
Để "gỡ khó", ông Mai Sean Cang hiến kế: Nên dùng những công cụ như Quỹ Viễn thông công ích để tạo sự phát triển đồng bộ Internet trên phạm vi cả nước, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia... đã dùng Quỹ này để hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa mua máy tính truy cập Internet.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có Quỹ Viễn thông công ích song chưa có nhiều dự án được triển khai bằng nguồn vốn từ Quỹ này.
Theo Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn 2011 – 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trung bình mỗi năm sẽ hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ Quỹ cho phát triển hạ tầng, chủ yếu là Internet băng rộng đến các cơ quan chính quyền các cấp, trường học, bệnh viện, đồn biên phòng, các điểm truy cập Internet công cộng, và cả các hộ gia đình…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định, Chính phủ và Bộ TT&TT đã và sẽ thúc đẩy đưa Internet tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho người dân.
Một khi người dân nông thôn có thể chủ động khai thác, tham khảo thông tin từ Internet thì sẽ có rất nhiều bài học kinh nghiệm làm giàu được nhân rộng, và diện mạo kinh tế nông thôn Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc.
Internet đóng góp 0,9% vào GDP của Việt Nam
Báo cáo “Trực tuyến và xu hướng sắp tới: Tác động của Internet đối với các quốc gia đang lên” của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company đã đưa ra nhiều con số thể hiện sự tác động của Internet đối với nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, Internet đóng góp 0,9% trong GDP, trong đó có một phần đáng kể đến từ mảng tiêu dùng cá nhân; và đóng góp 1,6% trong tổng số 14,4% mức tăng trưởng GDP của Việt Nam. Mức đóng góp 0,9% của Internet trong GDP của Việt Nam hiện đang tương đương với Thổ Nhĩ Kỳ và Ma-rốc, cao hơn Nga nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức 4,1% ở Malaysia, 3,2% ở Ấn Độ và 2,6% ở Trung Quốc.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã tăng 19,3% hiệu quả kinh doanh nhờ vào Internet (Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ tăng cao nhất trong số 30 quốc gia đang lên tham gia cuộc khảo sát của McKinsey); mức độ thặng dư tiêu dùng của Việt Nam đạt mức trung bình trong số các quốc gia đang lên (khoảng 14 USD/tháng, tương đương 25 tỷ USD/năm ở 9 quốc gia đang lên); tính hoàn thiện của hệ sinh thái Internet ở Việt Nam hơi thấp hơn giá trị trung bình của khu vực (Việt Nam đạt 24 điểm trong khi trung bình khu vực đạt 37) nhưng tính hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái lại cao hơn mức trung bình khu vực (Việt Nam – 33, trung bình khu vực – 31).
Đã có hơn 1/3 người sử dụng Internet tại Việt Nam truy cập các trang bán hàng hoặc đấu giá trực tuyến; hơn 1/2 người dùng Internet tại Việt Nam tin rằng mua hàng trực tuyến giúp cho họ tiếp cận với một danh mục sản phẩm đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử vẫn chưa được đầu tư, khai thác đúng mức.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng: "Các nước ASEAN đã xây dựng Quỹ ASEAN và Việt Nam đã đăng ký xây dựng Sàn Giao dịch Thương mại điện tử ASEAN. Sau khi một doanh nghiệp Việt Nam xây dựng sàn này bằng nguồn vốn từ Quỹ ASEAN, đã có hàng trăm doanh nghiệp ASEAN tham gia nhưng hầu hết doanh nghiệp Việt Nam lại không biết thông tin về sàn này".
Theo Ictnews.vn