Zachariades “phải lòng” Microsoft khoảng 20 năm trước đây khi lần đầu được sử dụng Windows trên máy tính TULIP. Giao diện người dùng, biểu tượng, con chuột và một thế giới mới mở ra trước mắt anh.
Sau một thời gian làm thực tập sinh và phụ trách 2 dự án mở rộng, năm 2007, Max trở thành nhân viên chính thức tại Microsoft. Tuy nhiên, “Alice ở xứ sở thần tiên” không bao giờ là câu chuyện có thực với Max. Mọi thứ về công ty Max từng ngưỡng mộ và si mê dần phơi bày mặt trái.
Ngôi sao rơi rụng
Trong năm đầu tiên tại Microsoft, Max nhận được ngôi sao vàng “Gold Star” trị giá 1.000 USD vì những đóng góp cho thành công của công ty. Microsoft cũng trao tặng nhiều thiết bị “cộp mác” công ty, con trỏ laser, pha lê nhựa và các món đồ chơi khác. Tuy nhiên, khi Max gợi ý chuyển hướng quà tặng sang vài khoản quỹ từ thiện, anh bị xem là kẻ lập dị và chống đối.
Đó là lúc Max “mở to mắt” và nhận ra bất cứ ý nghĩ độc lập nào cũng sẽ bị cúng tế và trừng phạt không thương tiếc.
Những cuộc họp “trường kì”
Lịch làm việc của Microsoft luôn được đánh dấu bởi những miếng sticker màu sắc. Tuy nhiên, chỉ có nhân viên công ty mới biết được họp hành là cơ hội để chối bỏ và đùn đẩy trách nhiệm. Theo Max, Microsoft có thể dành hàng tuần chỉ để “đánh giá với các cổ đông”. Dĩ nhiên, điều này an toàn hơn hẳn việc tự đưa ra quyết định nhanh chóng. Công ty không đặt niềm tin vào mỗi cá nhân khi đưa ra quyết định đúng đắn.
Trong các cuộc họp, không có ai động não để đưa ra ý tưởng rúng động thế giới, phát minh sản phẩm mới. Microsoft cho phép nhân viên “lơ tơ mơ” vì hãng còn ngồi trên khoản tiền dự trữ khổng lồ, với 60 tỉ USD lợi tức trong ngân hàng. Vì thế, công ty phần mềm có đủ các loại họp hay gặp gỡ trong cả năm: đánh giá chiến lược, đào sâu phân tích, nghỉ ngơi thư giãn, gặp mặt hàng tháng, hội nghị thượng đỉnh giám đốc, hội nghị các nhà lãnh đạo... Các cuộc họp không giải quyết được vấn đề gì. Nếu việc đưa ra quyết định quá khó khăn, Microsft sẽ thuê tư vấn bên ngoài, vừa dễ, vừa ít nguy hiểm.
Ngoài ra, Microsoft còn sở hữu bộ máy cồng kềnh chưa từng có. Mỗi nhóm có một quản lí riêng, và vì vị quản lí quá cao cấp để nhúng tay vào công tác hậu cần, sẽ có cả một đội quân “hỗ trợ giám đốc”, “trợ lí quản trị” giúp đỡ. Các chức danh quản lí cũng vô cùng phong phú: quản lí nhóm, quản lí chương trình, quản lí chung, và các chức vụ “cấp cao” cho giám đốc, cổ đông, sở hữu kinh doanh, lãnh đạo...
Theo Max, những ngày này ở Microsoft hoàn toàn không có sức ép, không có tầm nhìn. Microsoft đang trở thành McDonald thứ hai: sản phẩm rẻ tiền, đại chúng, tồn tại khắp mọi nơi. Không dưỡng chất, không ý tưởng, không văn hóa. Windows 8 là ví dụ điển hình. Dù được các nhà phát triển và giới báo chí ca ngợi, Zachariades lại xem hệ điều hành mới như một mớ hổ lốn ngay từ màn hình chủ với các ô vuông cập nhật liên tục Facebook, Twitter hay tin tức chứng khoán. Với anh, trong một thế giới vốn đã hỗn loạn, Windows 8 chỉ làm mọi chuyện rối tung.
“Tống cổ”
Sau mỗi năm, Max lại tự vấn bản thân mình về công việc nhàm chán, đáng thất vọng và vô nghĩa tại Microsoft. Anh chán ngán với những cuộc họp không có mục đích, những cuộc gặp gỡ chẳng để làm gì, và những lá thư hàng tuần chỉ để ca ngợi suông.
Max bị đánh giá “thiếu tôn trọng với lãnh đạo” và trở nên lãnh đạm với mọi thứ. Trong mắt quản lí, Max trở thành “kẻ nổi loạn”và bị cách li. Kế hoạch thăng tiến bị hủy bỏ. Vài tháng sau, phòng nhân sự gửi tới lời đề nghị trả lương trong 12 tuần nếu Max ra đi. Thay vào đó, anh gửi thư cho các lãnh đạo “chóp bu” của công ty về những cuộc họp “trường kì”, sự mơ hồ trong mục tiêu và nỗ lực của các quan chức cấp cao, những chuyến đi đắt tiền không giải quyết được vấn đề gì và đề nghị cơ hội để có thể giải quyết mọi thứ tốt hơn hiện tại.
Kết quả? Chỉ trong vòng vài giờ sau email, Max bị đuổi và tống cổ ra khỏi cửa, trong đúng ngày kỉ niệm 5 năm làm việc tại Microsoft.
Theo Ictnews.vn