|
Công ty Nhân Ý nhận giải thưởng Sao Khuê 5 sao năm 2012. |
"Lực cản" chính là một cuộc cạnh tranh bất bình đẳng đang được tạo ra bởi các cơ quan quản lý Nhà nước ở cấp Trung ương.
Bà Phạm Thị Phương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Tin học Nhân Ý đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam về câu chuyện này.
Thưa bà, rất nhiều người tò mò muốn biết nhờ những ưu việt gì mà phần mềm "Hệ thống thông tin quản lý đất đai" của Công ty Nhân Ý trở thành phần mềm duy nhất chinh phục được "đỉnh cao" 5 sao của giải thưởng Sao Khuê năm 2012 do Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam tổ chức?
Phần mềm "Hệ thống thông tin quản lý đất đai" được xây dựng từ năm 2006 trong dự án của Sở TT&TT TP.HCM triển khai cho các quận, huyện ở TP.HCM. Phần mềm tích hợp công nghệ GIS theo chuẩn dữ liệu Open GIS do Công ty Nhân Ý tự xây dựng. Nếu sử dụng phần mềm thương phẩm GIS cho hệ thống như phần mềm này thì mỗi quận, huyện có thể mất tới 5 - 7 tỷ đồng, nhưng sử dụng phần mềm do Nhân Ý tự viết thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí vì không phải mất phí bản quyền GIS. Việc xây dựng "Hệ thống thông tin quản lý đất đai" đã "căn" đúng quy trình nghiệp vụ về đất đai theo các Thông tư, Nghị định của Nhà nước, vì vậy rất sát với thực tế xử lý nghiệp vụ của chuyên viên ở các quận, huyện. Đây là 1 hệ thống thông tin tích hợp theo dạng "một cửa", người dân có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ phường hoặc từ quận, cán bộ nhận hồ sơ in biên nhận và trả cho dân xong sẽ chuyển thông tin vào phòng tài nguyên - môi trường. 100% hồ sơ được phòng tài nguyên - môi trường xử lý trên phần mềm, sau khi có kết quả sẽ chuyển toàn bộ thông tin sang bên cơ quan thuế (để tính thuế) và kho bạc (để thu tiền). Các bộ phận liên quan tự động liên thông, tích hợp thành một hệ thống theo chuẩn quy định của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Trước kia, khi chưa có hệ thống phần mềm, thì trong 1 ngày 1 chuyên viên chỉ xử lý được 1 - 2 hồ sơ, nay xử lý được tới 8 hồ sơ. Mặt khác, khi chưa có phần mềm, đã có lúc có nơi 90% hồ sơ từ phòng tài nguyên - môi trường chuyển sang cơ quan thuế bị trả về vì có sai sót, giờ thì các hồ sơ được chuyển sang đều có tính chính xác rất cao. Một điểm đáng lưu ý khác là "Hệ thống thông tin quản lý đất đai" có khả năng chỉ đích danh một hồ sơ đang bị trễ hẹn do mắc ở bộ phận chuyên viên hoặc vị lãnh đạo nào, qua đó thúc đẩy cán bộ, chuyên viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Hiện rất nhiều người dân ở TP.HCM, điển hình là ở quận Bình Tân, thường xuyên tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ đất đai trên kios thông tin kết nối với Hệ thống. Với một hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất nếu không có sai lệch gì về thông tin, dữ liệu so với quy định thì người dân chỉ cần đi tới cơ quan công quyền khoảng 2 - 3 lần là xong việc (trước đây phải đi gặp cơ quan công quyền tới 6 - 8 lần).
"Hệ thống thông tin quản lý đất đai" có khả năng hỗ trợ cấp "sổ đỏ" qua mạng được không, thưa bà?
Hồ sơ đất đai yêu cầu cao về tính pháp lý. 1 bộ hồ sơ có thể có tới 30 - 40 loại giấy tờ trong đó. Bởi vậy, rất khó có thể cấp "sổ đỏ" qua mạng. Việc cấp qua mạng chỉ có thể tiến hành khi nào Nhà nước có được một kho cơ sở dữ liệu tích hợp tất cả các loại giấy tờ liên quan tới đất đai, người dân không phải giữ loại giấy tờ nào. Còn hiện tại, người dân vẫn đang phải lưu trữ rất nhiều loại hồ sơ giấy tờ, thậm chí được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi vẫn phải giữ lại giấy tờ bán nhà đất viết tay.
Chữ ký số đã được ứng dụng vào phần mềm "Hệ thống thông tin quản lý đất đai" hay chưa?
Hiện chúng tôi vẫn chưa triển khai ứng dụng chữ ký số. Các quận huyện ở TP.HCM mới nghe về chữ ký số chứ chưa có chủ trương chính thức nào về việc triển khai. Tuy nhiên, để đảm bảo tính xác thực cho các hồ sơ trong hệ thống, chúng tôi đã áp dụng giải pháp dùng mã vạch. Nếu hồ sơ không có mã vạch thì sẽ bị "bắt giò" ngay là hồ sơ "ngoài luồng".
Đất đai là lĩnh vực nhạy cảm và đã nhiều người đề cập đến tâm lý ngại tin học hóa của các cán bộ chuyên trách mảng này. Ở TP.HCM thì sao?
Đã có thời kỳ ở một số quận huyện có hiện tượng chuyên viên giấu hồ sơ của người dân đi vì mục đích cá nhân. Từ khi sử dụng phần mềm thì lãnh đạo nhìn thấy ngay những hồ sơ trễ hạn, và chuyên viên không thể hành xử theo kiểu "ém" hồ sơ như trước. Lúc đầu, cũng có nhiều cán bộ chuyên viên cảm thấy tâm lý không thoải mái, nhưng nay thì các cán bộ chuyên viên đều ý thức được rằng phần mềm đem lại rất nhiều lợi ích cho họ. Hiện đã có khoảng hơn 10 quận, huyện ở TP.HCM triển khai phần mềm của chúng tôi.
Phần mềm ưu việt là vậy, sao chưa được sử dụng rộng rãi ở các tỉnh, thành khác?
Chúng tôi cũng đã tiếp cận và giới thiệu sản phẩm của mình tại Hà Nội và các tỉnh khác. Các địa phương đều công nhận phần mềm của chúng tôi rất tốt, ưu việt hơn cả các phần mềm do Bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng, triển khai, nhưng để đưa vào sử dụng phần mềm của chúng tôi thì vẫn còn nhiều lực cản từ phía cơ quan Nhà nước. Hiện nhiều Bộ ngành dọc trong đó có cả Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đang có các trung tâm tin học làm ra phần mềm chuyên ngành rồi dùng uy tín của cấp trên để "đi xuống" đơn vị cấp dưới ở địa phương. Nhiều đơn vị cấp dưới dù muốn sử dụng phần mềm của doanh nghiệp chúng tôi nhưng vẫn còn ngần ngại. Chúng tôi đang phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh không bình đẳng. Nếu không có chủ trương của Sở TT&TT TP.HCM thì có lẽ chúng tôi cũng không có sản phẩm như ngày hôm nay.
Cảm ơn bà!
Theo Ictnews.vn