Thứ bảy, 20/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 20/04/2012
1/9: Thuê bao khai man sẽ bị "trảm" hàng loạt

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, khi Thông tư 04 Quy định về Quản lý thuê bao di động trả trước chính thức có hiệu lực, rất nhiều hoạt động đang phổ biến trên thị trường như mua SIM trả trước đã kích hoạt, dùng SIM đa năng để khai báo thông tin... sẽ bị nghiêm cấm. 

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông – Bộ Thông tin & Truyền thông, xung quanh Thông tư đang được dư luận rất quan tâm này.

Ông Nguyễn Xuân Trụ khẳng định, chỉ cấm dùng SIM đa năng để đăng ký thông tin, truyền thông tin về nhà mạng chứ không cấm các tính năng khác. Ảnh: Trọng Cầm
Ông Nguyễn Xuân Trụ:  Đầu tiên, cần nhắc lại là Thông tư 04 sẽ thay thế cho Thông tư 22 ban hành năm 2009 về quy định quản lý thông tin Thuê bao di động trả trước. Sau 2 năm thực hiện Thông tư 22, hai Bộ TT&TT và Công An đã tổ chức Hội nghị Tổng kết, trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng về hướng triển khai tiếp theo.

Chính vì thế, Thông tư 04 ra đời trên cơ sở cập nhật những bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư 22, tức là hoàn thiện thêm 1 bước nữa so với Thông tư 22 để phù hợp với thực tiễn, phù hợp với quá trình vận động phát triển của thị trường di động VN. Để nói là mới thì ta cần phải so sánh với Thông tư 22. Có một số điểm mới chính mà tôi sẽ trình bày dưới đây:

Chủ điểm Giao dịch được ủy quyền (GDUQ):

Trong Thông tư 22 chỉ đề cập đến góc độ Nhà nước, Doanh nghiệp (DN), người sử dụng và dịch vụ. Thế nhưng trong thực tế thì lại phát sinh một lớp ở giữa là chủ điểm GDUQ, tức là những người vừa phát hành vừa làm đại lý bán sim: Thông tư 04 đã giúp bổ sung mắt xích bị thiếu này cho Thông tư 22. Tức là giờ đây, toàn bộ quy trình sẽ gồm có: Nhà nước, DN, chủ điểm GDUQ, đại lý bán sim, đại lý phân phối và người sử dụng.

Trước đây, những điều kiện về pháp lý, mặt bằng, trang thiết bị dành cho người làm đại lý bán SIM đều không rõ. Chính vì vậy mà đã xảy ra nhiều hiện tượng mà báo chí gọi là “lách”, nhưng thực ra là họ chỉ vận dụng tốt những lỗ hổng, những chỗ không bị cấm mà thôi.  Nói cách khác, trong Thông tư 04 sẽ có thêm một lớp là lớp Đại lý, và Đại lý thì không nằm trong hệ thống đăng ký thông tin. Đây là điểm mà ta cần xác định rõ. Đại lý là hệ thống bán hàng theo thương mại. Ngược lại, chủ điểm GDUQ và Điểm cung cấp dịch vụ của DN được ủy quyền sẽ làm nhiệm vụ đăng ký này.

Cấm dùng SIM đa năng để khai báo thông tin

Thông tư 22 dù không quy định phương thức truyền tin từ chủ điểm giao dịch về bằng nhắn tin nhưng cũng không cấm. Mà cái gì luật không cấm thì các tổ chức, cá nhân vẫn có quyền làm. Nay thì điểm này đã được đưa vào trong Thông tư 04. Và liền đó thì gắn với câu chuyện về SIM đa năng. Tất nhiên, đã gọi là SIM đa năng thì SIM đó phải có nhiều tính năng. Nhưng Thông tư 04 chỉ cấm dùng SIM đa năng để khai báo thông tin, truyền thông tin về DN, chứ các tính năng khác thì không bị cấm.

Giấy tờ đăng ký thông tin

Trước đây, các loại giấy tờ tùy thân sử dụng để đăng ký thông tin thuê bao trước có rất nhiều như Chứng minh thư Nhân dân (CMTND), Chứng minh thư công an, Chứng minh thư Quân đội, Hộ chiếu... nhưng kể từ Thông tư 04 sẽ chỉ còn lại CMTND.

Điều kiện dành cho Chủ điểm GDUQ:

Thông tư 04 quy định rất rõ về điều kiện pháp lý, mặt bằng dành cho các chủ điểm GDUQ. Thực ra thì điểm này không có gì mới so với các quy định khác, thí dụ như đại lý game online cũng đang bị quy định về diện tích mặt bằng.

Theo quy định mới, đối với các DN chiếm thị phần khống chế (mà cụ thể ở đây là Mobifone, Vinaphone, Viettel) thì 100% các xã trên toàn quốc đều phải có điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước của chính DN. Nói cách khác, tại tất cả các xã, ba nhà mạng này đều phải có điểm cung cấp dịch vụ của riêng mình. Tuy nhiên, họ cũng có thể lựa chọn một giải pháp là ủy quyền cho các bưu cục, bưu điện, VNPost để dùng chung cơ sở hạ tầng. Tới đây cũng sẽ diễn ra lễ ký biên bản hợp tác giữa DN di động với DN bưu chính để tận dụng tối đa hạ tầng dùng chung. Còn đối với các nhà mạng nhỏ, không chiếm thị phần khống chế thì chỉ quy định về điểm đăng ký thông tin chỉ áp dụng đến cấp huyện.

Khai báo thông tin:

Trước đây, chúng ta không có Quy định về trang web, về phương tiện để thuê bao tự kiểm tra tính chính xác của thông tin. Hiện nay, Bộ đã quyết định sử dụng đầu số 1414 để các thuê bao có thể tự kiểm tra thông tin, nếu phát hiện ra sai, lỗi thì có thể đăng ký lại. Thông tư 04 cũng yêu cầu các DN phải thành lập trang web và thời hạn được nêu ra là 6 tháng. Ngoài ra, đối với vấn đề trang thiết bị của các điểm giao dịch: nếu như trước đây chỉ lưu trữ bằng bản photo thì nay, bản thân DN còn phải lưu bằng phần mềm (scan, photo) trong thời gian tối thiểu 5 năm.

Rất nhiều ý kiến đã phản ánh về việc Sở Thông tin Truyền thông các tỉnh, thành không được cấp quyền, trong khi lực lượng thanh tra của Bộ lại mỏng và thiếu, khiến cho công tác kiểm tra, xử phạt còn lỏng lẻo. Thông tư 04 có điều chỉnh được thực trạng này hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Trụ: Trước hết, cần khẳng định rằng Quản lý Nhà nước đối với thị trường di động là một sự nghiệp chung, từ chính quyền cấp Trung ương cho đến địa phương, của cả DN lẫn người dùng. Trên thực tế, Bộ đánh giá rất cao vai trò của các Sở. Điều này được thể hiện trong Nghị định 83 đã ban hành khi Bộ cố gắng phân cấp cho Sở kiểm tra những công việc trên địa bàn. Đến Thông tư 04, chúng tôi cũng cố gắng đưa vào một số công việc thuộc quyền hạn của Sở, thí dụ như việc xử lý các chủ điểm GDUQ: Trước đây một chủ điểm có thể ký hợp đồng với 3,4 doanh nghiệp di động khác nhau. Chẳng may họ có vi phạm quy định đăng ký thông tin với một nhà mạng và bị cắt mạng thì cũng còn vài doanh nghiệp khác để duy trì công việc kinh doanh. Nhưng nay thì nếu vi phạm quy định với chỉ một nhà mạng, Sở TT&TT cũng có quyền yêu cầu các DN còn lại chấm dứt hợp đồng với đại lý đấy.

Quan trọng hơn là Thông tư cũng quy định luôn trách nhiệm của DN: khi đã có thông báo của Sở, dù không bị vi phạm thì nhà mạng cũng phải xử lý bằng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ TT&TT đưa ra các giải pháp, quy định để quản lý thuê bao trả trước, nhưng các biện pháp trước dường như đều chưa thành công như mong đợi. Từ góc độ nhà quản lý, ông cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Ông Nguyễn Xuân Trụ: Như tôi đã nói ở trên, Quản lý Nhà nước phải được coi là sự nghiệp của cả một hệ thống chính trị từ cơ quan Nhà nước cho đến người dân. Nguyên nhân của việc chưa thành công thì trong Hội nghị Tổng kết liên Bộ TT&TT – Công an đã nêu rõ. Đó chính là do độ chính xác của thông tin chưa cao.

Nhưng ta cần phải đặt vấn đề trong toàn cảnh. Từ phía cơ quan Quản lý Nhà nước có Bộ CA, Bộ TT&TT, các phòng, các Sở. Từ DN thì có cấp lãnh đạo Doanh nghiệp cho đến các trung tâm, chi nhánh, người bán hàng trực tiếp, đại lý, người dùng... Cả 1 hệ thống phức tạp như vậy thì rất khó tìm được nguyên nhân chính là ở khâu nào.

Chính vì thế, cần phải có những giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề. Trước hết là hoàn thiện các văn bản pháp lý: Bộ đã ban hành nhiều Thông tư, chế tài (Nghị định 83), tiến hành phân cấp cho các Sở, tăng cường thanh tra, kiểm tra và đẩy mạnh xử lý vi phạm. Nếu ta so sánh với ngành giao thông thì có thể thấy ngay sự tương đồng.

Tuy nhiên, tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của công tác tuyên truyền: Làm thế nào để người dùng hiểu việc quản lý thuê bao là vì lợi ích xã hội, an ninh trật tự XH, vì nếp sống văn hóa. Trong vấn đề này, nâng cao ý thức mới là cốt yếu chứ dùng biện pháp kỹ thuật, biện pháp hành chính nào đi nữa cũng chỉ đạt đến chừng mực nhất định.  

Từ kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi cũng thấy rất rõ một điều là để quản lý thuê bao di động vào khuôn khổ thì nhất thiết phải có sự kiên quyết từ phía nhà nước.

Chúng tôi hy vọng sau khi có Nghị định  thanh tra, hệ thống Cơ sở dữ liệu, sự ra đời của các văn bản pháp quy, vai trò của các Sở được nâng tầm và việc tuyên truyền ý thức được đẩy mạnh, Thông tư 04 sẽ cải thiện được thực tế thuê bao di động trả trước ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng sẽ là tiền đề để Bộ TT&TT  triển khai tiếp các quy định về quản lý thuê bao di động nói chung.

Ông Trụ cho biết nhiều nhà mạng đã xin trả lại số và không xin thêm số mới. Ảnh: T.C

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến cho quản lý Thuê bao trả trước khó là do Bộ đã cấp cho các nhà mạng quá nhiều đầu số, dẫn đến hiện tượng khó quản lý, Sim rác tràn lan. Ông có bình luận gì về việc này? Thưa ông, từ ngày 1/6/2012, Thông tư 04 sẽ chính thức có hiệu lực. Ông có thể chia sẻ về những điểm mới của Thông tư này so với các quy định trước đây về quản lý thuê bao trả trước?

Ông Nguyễn Xuân Trụ: Thực ra bản chất câu chuyện là hoàn toàn bình thường. Hiện trên toàn bộ hệ thống của Nhà mạng có 200 triệu số được lắp đặt. Nói cách khác là dung lượng, khả năng của nhà mạng rơi vào tầm 200 triệu số và Bộ cũng đã cấp trên 200 triệu số. Ý tôi là việc cấp này là cần thiết. Cũng giống như xe chở khách có 50 chỗ thì về mặt kỹ thuật, ta cũng phải cấp phép 50 chỗ chứ không thể chỉ cho 30 chỗ với lý do xe này thường xuyên chỉ có khoảng 30 khách. Trước tiên, về mặt kỹ thuật thì là vậy.

Thứ hai là về thực tế sử dụng. Ở các nước khác cũng vậy, chỉ đạt khoảng 70% là cao vì sử dụng là một quá trình vào – ra liên tục: Người dùng vào mạng mới, người dùng ra khỏi mạng. 30% còn lại là dành cho dự trữ, cho luân chuyển. Đấy là ta còn chưa nói đến đặc điểm của người VN là thích số đẹp.

Nói tóm lại, vấn đề không phải ở chỗ cấp nhiều số mà là do tập quán, do hệ thống, do kỹ thuật, do quản lý chưa chặt. Từ năm ngoái, bạn có thể nhận thấy là khâu quản lý đã tốt hơn. Bộ nhận thấy vấn đề này gắn liền với khuyến mại tràn lan nên đã siết khuyến mại từ năm ngoái. Kết quả cho thấy đảm bảo về cạnh tranh tốt thì quản lý kho số cũng tốt hơn. Thông tư về hạn chế khuyến mại đã giải quyết được một phần lớn vấn đề. Nhiều DN (như Saigon Post, CMC) thậm chí đã xin trả lại số vì giữ số là phải trả phí. Cũng không có doanh nghiệp nào xin thêm số vì họ đều tái sử dụng số đã được cấp.

Trong trường hợp các nhà mạng không thực hiện nghiêm túc Thông tư 04 thì có hình thức xử phạt như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Trụ:  Về hình thức xử phạt thì trong Nghị định 83 đã quy định rất rõ. Tôi cũng có thể tiết lộ luôn là ngay tại thời điểm này, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đang đi xử lý và đang có kết luận thanh tra về thuê bao trả trước. Tuy nhiên, mức phạt tiền không lớn. Mức phạt tối đa, cao nhất là 70 triệu với cấp thanh tra Bộ, thanh tra Sở là 50 triệu, trường hợp đặc biệt có thể lên tới 100 triệu.

Hiện một bộ phận người dùng đang hoang mang rằng sau 1/6, họ có thể bị cắt dịch vụ luôn vì đã khai báo thông tin thiếu chính xác?

Ông Nguyễn Xuân Trụ: Trong Thông tư 04 đã nêu rất rõ về quá trình chuyển tiếp. Người dùng sẽ có 3 tháng để họ kiểm tra thông tin. Sau ba tháng mà không kiểm tra, không cung cấp lại thông tin đúng thì mới bị cắt mạng chứ không phải sau ngày 1/6 là cắt luôn.

Tương tự, các điểm GDUQ nếu không đáp ứng được điều kiện thì cũng có thời gian chuyển tiếp để thanh lý hợp đồng. Các website của Doanh nghiệp cũng cần phải có thời gian để xây dựng và đi vào hoạt động.

Ông có thể chia sẻ về tiến độ đối soát thông tin giữa Bộ TT&TT với Bộ Công an tính đến thời điểm này?

Ông Nguyễn Xuân Trụ: Chúng tôi vẫn đang tiến hành đối soát thông tin song đang bị vướng ở TP.HCM vì một số lý do khách quan.

Xin cám ơn ông.
  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0