Thứ tư, 24/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 19/04/2012
Tin tức tổng hợp về toạ đàm góp ý kiến dự thảo Nghị định về Dịch vụ CNTT

Tháng 4/2012 Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị các Hội và Hiệp hội ngành CNTT góp ý kiến cho dự thảo Nghị định của Chính phủ về dịch vụ CNTT.

Nâng tầm vai trò dịch vụ CNTT

Việc chuẩn bị ra đời của Nghị định về dịch vụ CNTT là tiến trình hoàn thiện các văn bản pháp quy nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ CNTT ở Việt Nam. Dịch vụ CNTT là một lĩnh vực rộng bao hàm nhiều mặt hoạt động của phát triển ngành, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển CNTT-TT ở Việt Nam và có nhiều ảnh hưởng liên quan đến hoạt động kinh doanh của các Doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan QLNN liên quan đến ứng dụng CNTT cũng như ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hoá, giáo dục, xã hội của người dân do vậy góp ý cho dự thảo nghị định ngoài ý nghĩa xây dựng còn đề cập và rà soát tới các văn bản pháp quy đã ban hành và sắp ban hành liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của ngành CNTT, thương mại - dịch vụ và hoạt động KH&CN.

Sau khi nhận được dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT, Hội Tin học Việt Nam và Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đã nhanh chóng lấy ý kiến trong BCH và các đơn vị hội viên, nhiều ý kiến đã bày tỏ và đánh giá cao dự thảo nghị định, tuy nhiên còn rất nhiều ý kiến đã chỉ ra các "sai sót" và bất cập trong dự thảo.

Để có văn bản góp ý đầy đủ và chính xác, VAIP cùng VINASA sẽ tổ chức buổi Toạ đàm góp ý cho dự thảo Nghị định về Dịch vụ CNTT tổ chức vào hồi 14h00 ngày 18/4/2012 tại Trung tâm tài năng trẻ TW Đoàn TNCS HCM.

Các đại biểu tham dự toạ đàm đến từ hầu hết các lĩnh vực hoạt động của ngành CNTT và đã sôi nổi góp ý kiến cho dự thảo nghị định.

...... đăng ký dịch vụ CNTT..

Ông Nguyễn Long Phó Tổng Thư ký VAIP nhận định: “Luật CNTT đã quy định định hướng phát triển dịch vụ CNTT trong Điều 53 là Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển Dịch vụ công nghệ thông tin; Chính phủ quy định cụ thể chế độ ưu đãi và các điều kiện khác cho một số loại hình Dịch vụ công nghệ thông tin. Tuy nhiên Dự thảo được chuẩn bị theo hướng quản lý như báo chí đã nêu với tiêu đề dự thảo Nghị định buộc đăng ký dịch vụ CNTT. Điều này cho thấy, thay vì tập trung cho hỗ trợ, khuyến khích phát triển dịch vụ CNTT phục vụ cho nền tảng coi CNTT-TT là hạ tầng của hạ tầng  thì dự thảo này hình như lại “kìm hãm”  phát triển bằng nhiều hình thức quản lý hành chính”.

Sau đánh giá một số ưu điểm hiếm hoi của dự thảo, ông Lê Trường Tùng đưa ra một số sai sót (và những điều không chính xác) trong nghị định để dẫn chứng, Ông cho biết ”Điều 3.8. Định nghĩa "đào tạo không chính quy" là đào tạo "nằm ngoài hệ thống giáo dục quốc dân". Nhưng theo Luật Giáo dục 2005 (điều 4, điều 8), hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm cả hệ thống đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ nghề nghiệp hoặc nâng cao trình độ, và khi đó sẽ không có  hệ thống đào tạo "nằm ngoài";  Điều 14.3. "Khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT không thuộc diện phải đăng ký thực hiện đăng ký cung cấp dịch vụ". Không hiểu sao có một điều luật "nửa có nửa không" như thế này. Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì được phép, và về nguyên tắc không được phép cấp đăng ký cho những gì không thuộc phạm vi đăng ký.” Bình luận một các hóm hỉnh ông Tùng cho rằng “Với những "hạt sạn" lớn như vậy - lẽ ra chưa nên đưa ra xin ý kiến rộng rãi”.

Đồng quan điểm, sau không chỉ một lần góp ý kiến cho Nghị định này, Ông Chu Tiến Dũng Chủ tịch Hội Tin học Tp HCM cho rằng: “Nên soạn thảo nghị định tập trung vào các vấn đề cần quản lý và chính sách khuyến khích đối với những lĩnh vực dịch vụ cần quan tâm. Các dịch vụ khác không nên đưa vào (dài mà không đủ và sẽ không bao giờ đủ)”

 

Dịch vụ CNTT hay bao gồm cả dịch vụ trên nền CNTT

Chồng chéo trong quản lý nhà nước các lĩnh vực có liên quan cũng là tâm điểm của các góp ý. Mục tiêu của Nghị định là dịch vụ CNTT nhưng dự thảo "ôm" cả dịch vụ trên nền CNTT (rất mờ bao gồm cả truyền thông, Internet, TMĐT, KHCN ....) hoặc thời thượng như “dịch vụ  CNTT xuyên biên giới" (liên quan đếm hiện diện của  Google và Facebook tại Việt Nam). Đại điện Chi hội Thương mại điện tử đã có nhiều góp ý về các điểm chồng chéo này “Nếu Nghị định quy định về việc quản lý dịch vụ công nghệ thông tin, phạm vi điều chỉnh của Nghị định chỉ nên giới hạn trong các dịch vụ công nghệ thông tin. Không nên quy định một cách áp đặt “dịch vụ trên nền công nghệ thông tin” cũng là dịch vụ công nghệ thông tin. Với sự phát triển nhanh của CNTT-TT như hiện nay, sẽ đến lúc tất cả các dịch vụ đều triển khai ứng dụng CNTT và khi đó ranh giới với “dịch vụ trên nền công nghệ thông tin” sẽ gần như không thể xác định được. Như vậy, với dự thảo như hiện nay, phạm vi của Nghị định sẽ bao trùm toàn bộ các dịch vụ có ứng dụng công nghệ thông tin và điều này là bất hợp lý. Ngoài ra chưa kể trong Nghị định còn dẫn các dịch vụ TMĐT đã được điều chỉnh trong một Nghị định riêng về TMĐT, tương tự dịch vụ đào tạo trực tuyến và dịch vụ khám chữa bệnh từ xa trên môi trường mạng là các dịch vụ chuyên ngành về mặt bản chất vẫn phải tuân thủ các quy định quản lý chuyên ngành. Ngoài ra, Luật Công nghệ thông tin (Điều 34 và 35) cũng đã quy định Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế là hai cơ quan có trách nhiệm quản lý chuyên ngành về hoạt động đào tạo trên mạng và hoạt động y tế trên mạng”.

Ông Trần Lương Sơn Việt Softwware nhận định:”theo chúng tôi, khi Nhà nước đưa ra một quy định pháp luật thì cần phải theo tư duy tạo chính sách khuyến khích phát triển, chứ không phải tư duy tạo thêm cơ chế quản lý, kiểm soát. Nếu các nhà soạn thảo làm công việc của mình với tinh thần tìm xem xã hội cần gì để đáp ứng, hơn là xem có cái gì cần tạo ra giấy phép để kiểm soát, thì chúng ta sẽ có một công trình phát luật giá trị. Nhà nước không nên đưa ra các quy định quản lý (thực chất là sẽ làm hạn chế) việc phát triển dịch vụ CNTT. Việc đưa dịch vụ CNTT vào quản lý là bước lùi trong xu thế hòa nhập quốc tế của Việt Nam. Ngay cả trong tài liệu của WITSA về vòng đàm phán thương mại quốc tế liên quan đến sản phẩm và dịch vụ CNTT trong đó tinh thần cơ bản là đẩy mạnh tự do hóa dịch vụ CNTT”

Hầu hết các đại biểu không tán hành nhiều hạng mục quản lý (cấp phép) chi tiết trong dự thảo nghị định trói bằng các loại đăng ký (giấy phép "con") cùng với nhiều loại chứng chỉ, chứng nhận, chuẩn.... hoặc cả những quy định 5 năm đăng ký lại một lần. Ông Nguyễn Trung Quỳnh đại diện VFOSSA cho rằng ” Một số điều kiện để đưa Nghị định vào thực tiễn là chưa sẵn sàng và để có được sẽ mất rất nhiều thời gian (hàng năm) ví dụ như "hệ thống chuẩn quốc gia về kỹ năng; hệ thống chứng chỉ quốc gia; hệ thống chức danh nghề nghiệp... như vậy sẽ làm mất cơ hội của doanh nghiệp”.

Buổi toạ đàm tuy ngắn nhưng đã mang lại không khí đóng góp sôi nổi. Sau toạ đàm VAIP và VINASA sẽ tổng hợp và có văn bản góp ý chính thức tới cơ quan soạn thảo. 

VAIP 

VAIP và VINASA góp ý Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT

Ông Nguyễn Long, Phó Tổng Thư ký VAIP phát biểu ý kiến 

(Mic.gov.vn) - Chiều 18/4/2012, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã tham dự buổi Tọa đàm góp ý cho Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT do Hội Tin học Việt Nam (VAIP) và Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ Việt Nam (VINASA) đồng tổ chức. Cùng tham dự buổi tọa đàm còn có đại diện Vụ CNTT – Bộ TT&TT và một số đơn vị liên quan. 

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Long, Phó Tổng Thư ký VAIP đã góp ý: “Việc xây dựng Nghị định về dịch vụ CNTT có xuất phát điểm nhằm làm cụ thể, rõ ràng hơn những điều đã ghi trong Luật CNTT về khuyến khích ưu đãi phát triển loại hình dịch vụ CNTT. Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT đã được soạn thảo rất công phu, đã quy định một số chính sách ưu đãi cụ thể, chẳng hạn như quy định ưu đãi tỷ lệ phân chia doanh thu cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP) khi hợp tác kinh doanh với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (telco). Qua tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp thành viên gửi về VAIP và VINASA thì thấy Dự thảo Nghị định vẫn còn quy định chưa đầy đủ và vẫn còn nhiều vấn đề chồng chéo trong quản lý Nhà nước”.

Một trong những vấn đề “nóng” gây nhiều tranh cãi nhất trong cộng đồng CNTT-TT chính là những quy định yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký cấp phép hoặc đăng ký cung cấp dịch vụ đối với một số loại dịch vụ CNTT. Đã có ý kiến đề nghị bỏ quy định này. Tuy nhiên, theo ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch VAIP, thì vẫn cần thiết phải quy định về việc doanh nghiệp phải đăng ký cung cấp, thậm chí phải cấp phép đối với một số loại dịch vụ CNTT có ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, thuần phong mỹ tục... Việc đăng ký như vậy nhằm tạo điều kiện hỗ trợ công tác quy hoạch, lập kế hoạch, qua đó thúc đẩy sự phát triển dịch vụ CNTT chứ không phải bắt buộc đăng ký để dễ quản lý, hạn chế sự phát triển.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn từ cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT là văn bản do Bộ soạn thảo đã nhận được sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay, thậm chí còn có nhiều ý kiến đóng góp hơn cả khi soạn thảo Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT. Bộ TT&TT vẫn đang tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT và sẵn sàng tiếp thu để hoàn thiện dự thảo này. Mong cộng đồng CNTT coi đây là sản phẩm chung nhằm thúc đẩy sự phát triển dịch vụ CNTT tại Việt Nam trong thời gian tới.

Được biết, sau khi Bộ TT&TT đề nghị các hội, hiệp hội về CNTT góp ý cho Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT để hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Chính phủ, đã có 2 hội, hiệp hội gồm Hội Tin học TP.HCM và Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức Tọa đàm, hội thảo có sự tham gia của các bên liên quan để thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung. Những ý kiến đóng góp đã được Bộ TT&TT tiếp nhận với tinh thần cầu thị...

 

Việt Thắng 

Quản dịch vụ CNTT: Bước lùi trong xu thế hội nhập

ICTnews - Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT do Bộ TT&TT soạn thảo đang bị đánh giá là bước lùi của Việt Nam trong xu thế hội nhập khi "trói" sự phát triển của dịch vụ CNTT bằng quá nhiều hình thức quản lý hành chính.

Chiều nay, 18/4/2012, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) và Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đồng tổ chức Tọa đàm góp ý cho Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến của các hội, hiệp hội CNTT trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định về dịch vụ CNTT là một văn bản quan trọng trong hệ thống hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ CNTT ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Long, Phó Tổng Thư ký VAIP, "thay vì tập trung cho hỗ trợ, khuyến khích phát triển dịch vụ CNTT thì Nghị định này có vẻ như lại trói sự phát triển bằng quá nhiều hình thức quản lý hành chính".

Hầu hết ý kiến của các thành viên trong VAIP và VINASA đều không tán hành nhiều hạng mục quản lý (cấp phép) chi tiết trong dự thảo Nghị định, trói bằng các loại đăng ký (giấy phép "con") cùng với nhiều loại chứng chỉ, chứng nhận, chuẩn....

Ông Nguyễn Trung Quỳnh, đại diện Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) lưu ý rằng: "Một số điều kiện để đưa Nghị định vào thực tiễn vẫn chưa sẵn sàng, ví dụ như hệ thống chuẩn quốc gia về kỹ năng; hệ thống chứng chỉ quốc gia; hệ thống chức danh nghề nghiệp... phải mất hàng năm mới hoàn thiện, như vậy sẽ làm mất cơ hội của doanh nghiệp".

Chồng chéo trong quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan cũng là tâm điểm của những ý kiến từ VAIP và VINASA. Mục tiêu của Nghị định là dịch vụ CNTT nhưng dự thảo "ôm" cả dịch vụ trên nền CNTT bao gồm cả truyền thông, Internet, thương mại điện tử, khoa học công nghệ...

Đại điện Chi hội Thương mại điện tử của VAIP khuyến nghị: "Nếu Nghị định quy định về việc quản lý dịch vụ CNTT thì phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn trong các dịch vụ CNTT, không nên quy định một cách áp đặt dịch vụ trên nền CNTT cũng là dịch vụ CNTT. Một số loại dịch vụ được điều chỉnh bằng các quy định quản lý chuyên ngành như dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ đào tạo trực tuyến, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa trên môi trường mạng thì không cần thiết phải đưa vào Nghị định về dịch vụ CNTT".

Đồng quan điểm, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM đề xuất: “Nghị định nên tập trung vào các vấn đề cần quản lý và chính sách khuyến khích đối với những lĩnh vực dịch vụ cần quan tâm. Các dịch vụ khác không nên đưa vào bởi sẽ rất dài và không bao giờ đủ".

Ông Trần Lương Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm Việt nhận xét: "Khi Nhà nước đưa ra một quy định pháp luật thì phải theo tư duy tạo chính sách khuyến khích phát triển, chứ không phải tạo thêm cơ chế quản lý, kiểm soát. Việc đưa dịch vụ CNTT vào quản lý là bước lùi trong xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam bởi trên thế giới vẫn đang khuyến khích tự do hóa dịch vụ CNTT".

Xuân Bách

Dự thảo dịch vụ CNTT: Vừa thừa vừa thiếu

(VnMedia) - Chiều nay 18/4, Hội tin học Việt Nam (VAIP) và Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo nghị định về dịch vụ CNTT của Bộ TT-TT. Đa phần ý kiến cho rằng, dự thảo này còn quá nhiều “sạn”, chồng chéo, vừa thừa vừa thiếu…

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, dự thảo nghị định này được đưa ra nhằm khuyết khích, thúc đẩy dịch vụ CNTT ở Việt Nam ngày càng phát triển hơn. Dịch vụ CNTT là một lĩnh vực rộng bao hàm nhiều mặt hoạt động của phát triển ngành và đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển CNTT-TT ở Việt Nam và có nhiều ảnh hưởng liên quan tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, đời sống kinh tế xã hội,…

Tuy nhiên, vẫn còn có quá nhiều bất cập cũng như nhiều vấn đề tranh cãi trong bản dự thảo này. Nổi cộm nhất trong dự thảo này được đại diện các hội, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT đưa ra là quy định buộc doanh nghiệp phải đăng ký dịch vụ CNTT. Điều này cho thấy thay vì tập trung cho hỗ trợ, khuyến khích phát triển dịch vụ CNTT phục vụ cho nền tảng coi CNTT-TT là hạ tầng của hạ tầng thì dự thảo này hình như lại “kìm hãm” phát triển bằng nhiều hình thức quản lý hành chính.

Tức là, đã có giấy phép kinh doanh rồi nhưng sắp tới doanh nghiệp dịch vụ CNTT lại phải xin đăng ký kinh doanh loại hình này với Bộ Thông tin Truyền thông là không cần thiết. Hầu hết các đại biểu không tán thành nhiều hạng mục quản lý (cấp phép) chi tiết trong dự thảo nghị định trói bằng các loại đăng ký (giấy phép “con”) cùng nhiều loại chứng chỉ, chứng nhận, chuẩn,…

Không những phải đăng ký dịch vụ CNTT, nếu muốn được hưởng ưu đãi từ nhà nước, dự thảo Nghị định cũng buộc các doanh nghiệp phải đăng ký để được hưởng những chế độ này. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy một lần gánh thêm thủ tục. Có ý kiến cho rằng, không nên đưa các quy định hành nghề vào trong quản lý nhà nước. Điều này sẽ cản trở các doanh nghiệp tiến tới thị trường, tạo nên sự lãng phí tài sản của nhân dân trong việc xin giấy phép.

Hay ví như dự thảo quy định trung tâm cơ sở dữ liệu phải có hạ tầng đặt ở Việt Nam, điều này chỉ mang tính quản lý chứ không tạo điều kiện và có lẽ sẽ bóp nghẹt doanh nghiệp Việt Nam ngay trên sân nhà. Do đó, datacenter, dịch vụ đám mây phải có hạ tầng trên sân nhà là không cần thiết vì Internet là không biên giới. Nghị định này sẽ là cái cớ để các doanh nghiệp chèn ép nhau vì chưa chạy được giấy phép kinh doanh để tham gia đấu thầu thì doanh nghiệp khác chạy trước đã được quyền tham gia.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Tú Thành, đại diện kinh doanh ASEAN tại Việt Nam cho biết, nghị định không tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước mà có thể tiêu diệt cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, có thể sẽ gây lo ngại cho các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Trong khi đó, dự thảo lại phân loại liệt kê quá nhiều loại hình dịch vụ. Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Nên soạn thảo nghị định tập trung vào các vấn đề cần quản lý và chính sách khuyến khích đối với những lĩnh vực dịch vụ cần quan tâm, các dịch vụ khác không nên đưa vào”.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định còn thể hiện sự chồng chéo trong quản lý khi “ôm” cả dịch vụ trên nền công nghệ thông tin hoặc thời thượng như “dịch vụ CNTT xuyên biên giới” (liên quan tới sự hiện diện của Google và Facebook). Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định một cách áp đặt “dịch vụ trên nền công nghệ thông tin” cũng là dịch vụ công nghệ thông tin vì với tốc độ phát triển như hiện nay, thì chẳng bao lâu nữa tất cả các dịch vụ đều triển khai ứng dụng CNTT và khi đó ranh giới giới dịch vụ trên nền CNTT gần như không thể xác định được.

Mặt khác, dự thảo nghị định cũng quy định rõ về việc ăn chia tỷ lệ giữa nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (Telco) và nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên có quy định này vì đây là thỏa thuận giữa hai bên và nhà nước không nên can thiệp. Nhưng  nhiều đại diện doanh nghiệp CP ho rằng, nếu nhà nước không quy định rõ thì các CP sẽ bị Telco chèn ép và không có tư cách thỏa thuận công bằng với các Telco. Vì vậy, cần có “bàn tay” của nhà nước để công bằng trong kinh doanh.

Vì đây là dự thảo nghị định nhằm mục đích khuyến khích thúc đẩy dịch vụ CNTT ở Việt Nam phát triển, các đại biểu đều kiến nghị Bộ TT-TT nên đổi lại thành “dự thảo Nghị định phát triển dịch vụ CNTT”.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, hội và hiệp hội CNTT có ý kiến góp ý gửi về ban soạn thảo Nghị định để sao cho khi Nghị định ra đời và có hiệu lực tránh được phiền hà cho giới kinh doanh dịch vụ CNTT.

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0