|
Hình minh họa. |
Theo TS. Nguyễn Anh Thi, Phó trưởng ban, Ban Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia TP.HCM, hiện tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) nằm giữa mô hình Khu Công nghiệp Công nghệ cao (khu dành cho các doanh nghiệp công nghệ cao, với các chính sách thu hút và ưu đãi đặc biệt) và khuôn viên sáng tạo (môi trường thuận lợi thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sáng tạo và khởi nghiệp, thường có hoạt động gắn kết với các đại học, viện nghiên cứu và tập trung cho một số lĩnh vực công nghệ chuyên đề).
Để hoạt động nghiên cứu và phát triển, ươm tạo công nghệ tại SHPT có kết quả tốt thì khu công nghệ cao thứ 2 phải có tác dụng bổ sung cho SHPT. Do vậy, khu Công nghệ cao thứ 2 nên đi theo mô hình khuôn viên sáng tạo. Mô hình này chỉ nên tập trung cho 3 lĩnh vực: CNTT-TT, công nghệ nano, công nghệ sinh học.
Tuy nhiên, ông Phạm Chánh Trực, Nguyên Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho rằng TP.HCM đã có khu Công nghệ sinh học rồi không nên tập trung vào lĩnh vực đó nữa mà nên chọn ngành khoa học công nghệ năng lượng tái tạo. Lý do vì đất nước đang đứng trước nguy cơ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai… Muốn phát triển bền vững nhất thiết phải dựa vào năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời có thể thay thế nhiệt điện và thủy điện. Do đó, nên xây dựng toàn Công viên KHCN là một mô hình sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời.
Về cách thức vận hành, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch hội đồng thành viên Khu Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) góp ý nên lựa chọn hình thức cổ phần hóa, giảm bớt vai trò của nhà nước để năng động hơn. Điển hình là Khu Công viên Phần mềm Quang Trung cũng xuất phát từ mô hình đó, trong đó nhà nước đóng vai trò “cú hích”. Cụ thể, nhà nước chi ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu và từ 2004 đến nay thì toàn bộ khu đó phải tự chủ toàn bộ, phải lo tất cả các hoạt động để phát triển, mời gọi đầu tư v.v… "Đối với dự án công nghệ cao thứ 2 này thì nhà nước phải là bước đệm ban đầu, có chính sách tốt, lấy nhà đầu tư làm hàng đầu, cụ thể, có thể cho vay không tính lãi", ông Dũng góp ý.
Ngoài ra, nguồn nhân lực mới là yếu tố quan trọng nhất cho mọi hoạt động. Làm thế nào để thu hút được những người quản lý giỏi, năng động, có trách nhiệm? Khu Công nghệ cao thứ 2 khi hình thành cần tạo dựng một môi trường đồng bộ bao gồm hạ tầng bên ngoài, bên trong, môi trường sống và dịch vụ tốt thì mới kéo và giữ được nhân tài.
Khu Công nghệ cao thứ 2 được đánh giá có vị trí phù hợp với quy hoạch khu đại học bố trí tại phường Long Phước, quận 9, tạo điều kiện nối kết tốt giữa giảng dạy, nghiên cứu KHCN cao với các trường đại học, cao đẳng. Điều kiện không gian, sinh thái tại cù lao Long Phước quận 9 yên tĩnh, cách biệt, phù hợp cho môi trường nghiên cứu KHCN cao.
Theo Pcworld.com.vn