|
Nhiều DN quan tâm đến câu chuyện đăng ký dịch vụ CNTT. |
Điều 14 của Dự thảo đề cập đến việc DN kinh doanh các dịch vụ như: điện toán đám mây; trung tâm dữ liệu; cổng tìm kiếm; tân trang, tái chế sản phẩm… phải đăng ký hoạt động. Vấn đề này gây thắc mắc cho các DN, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HCA chia sẻ, nhiều ý kiến gửi về HCA kiến nghị rằng, không cần đăng ký thêm giấy phép về hoạt động dịch vụ CNTT. Xét trên 2 khía cạnh, nếu là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, khi xin giấy phép kinh doanh bắt buộc phải có sự giám sát điều kiện đó để quản lý; còn ở dịch vụ khác, DN ĐKKD rồi giờ lại đăng ký dịch vụ là thừa vì bản chất của các giấy phép này là như nhau.
Theo ông Dũng, ở một số lĩnh vực như Data Center, không nên bắt buộc đăng ký hoạt động cũng như chuẩn ISO 27000 bởi việc cung cấp Data Center trên thị trường rất đa dạng và cho nhiều thành phần khác nhau từ cao cấp đến bình dân. Nếu bắt buộc thì chỉ nên áp dụng cho DN cung cấp Data Center cho khối Nhà nước - các đối tượng cao cấp, còn thành phần bình dân phải xem xét lại.
Đại diện từ ADMS Việt Nam, công ty chuyên về phần mềm cho các máy công cụ chính xác cũng băn khoăn khi phải ĐKKD thêm một lần nữa. Bởi công ty đã đăng ký với Sở KH&ĐT, giờ đăng ký tiếp lần nữa giống như một bước lùi trong thủ tục hành chính. Trên thực tế, các quy định về đăng ký thủ tục lúc đưa ra rất dễ dàng, nhưng khi DN thực hiện lại nhiêu khê; cơ quan quản lý thường bắt DN phải chứng minh này nọ, rất mệt mỏi. Đại diện Luxoft Việt Nam thì cho rằng, việc quy định đăng ký trong Dự thảo nghị định về dịch vụ CNTT phải hết sức chặt chẽ. Chẳng hạn như câu chuyện đăng ký mã sản phẩm dịch vụ hiện rất "tùm lum" vì DN đã đăng ký ở một cơ quan khác. Vấn đề đặt ra là nếu DN không đăng ký thì sao, trong Dự thảo Nghị định không hề nói rõ vấn đề này.
Ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết, với những quy định trong Điều 14 của Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT có điều kiện phải đăng ký, Bộ TT&TT rất muốn lắng nghe ý kiến của các DN. Chẳng hạn như các dịch vụ này có cần đăng ký hay không; dịch vụ A nếu phải đăng ký sẽ rất phức tạp, không nên làm… Các DN cần đưa ra kiến nghị thật chi tiết bởi nếu nói chung chung sẽ gây khó cho Ban soạn thảo. Sau khi ghi nhận những ý kiến của DN, Ban soạn thảo sẽ xem xét và điều chỉnh để ban hành Nghị định về dịch vụ CNTT một cách hoàn chỉnh nhất.
Theo Ictnews.vn