Hẳn người dùng trẻ thời nay không thể tưởng tượng một giao diện Windows không có nút Start mà lại không phải là Windows 8. Cách đây 20 năm, phiên bản hệ điều hành mang tên Windows 3.1 là cả một sự thần kỳ, "thoát xác" khác hẳn so với DOS, và giúp cho Microsoft thống trị thế giới hệ điều hành trên PC. Hệ điều hành này là sản phẩm đầu tiên được cài đặt rộng rãi trên các máy tính bán ra, từng bước xây chắc vị thế "đại gia" phần mềm hàng đầu thế giới cho Microsoft trên nền tảng PC (thời ấy chủ yếu là các PC được sản xuất theo kiểu PC của IBM - IBM Compatible). Cũng có thể nói kỷ nguyên vàng của Microsoft bắt đầu từ đây.
Hãy cùng nhau nhìn lại một chút về giao diện của Windows 3.1 thời ấy. Nó thật là thô tháp khi so sánh với Windows 7 hiện giờ, song đối với những người dùng có điều kiện “vọc vạch” hệ điều hành này thời kỳ đó, Windows 3.1 vẫn là một thế giới mới chứa đầy những điều mới lạ.
Program Manager
Tiền thân của chương trình Windows Explorer ngày nay, cho phép người dùng nhóm và sắp xếp biểu tượng theo ý thích. Nó hoạt động cũng không đến nỗi nào, nhưng nếu bạn không cẩn thận, bạn có thể bị vô số các cửa sổ nhóm tràn ngập màn hình làm việc.
File Manager
File Manager cho phép người dùng có thể quan sát trực quan các tài liệu cũng như tập tin hệ thống của máy tính theo kiểu cây thư mục và biểu tượng. Việc sao chép cũng trở nên thuận tiện hơn nhiều cho người dùng với thao tác kéo thả. Theo nhiều đánh giá, chính sự giản tiện, dễ hiểu này đã thu hút được vô khối người dùng PC sử dụng hệ điều hành Windows. Sau này, Microsoft đã nhập File Manager và Program Manager thành Windows Explorer (bắt đầu từ phiên bản Windows 95) và giữ cách bố trí quản lý này cho đến ngày nay.
Các phông chữ TrueType Font
Hệ thống các phông chữ dạng TrueType này là sáng tạo đột phá quan trọng vào bậc nhất về mặt hình ảnh của Windows 3.1. Một điều khá thú vị là hệ thống phông chữ này là phát minh của Apple (lúc ấy còn mang tên Apple Computer) cấp phép cho Microsoft sử dụng miễn phí với mục đích chống lại nguy cơ bị Adobe độc quyền trong lĩnh vực này.
Thay vì các đường nét điểm ảnh răng cưa như hình ảnh bitmap, các phông chữ TrueType mang đến những ký tự uốn lượn mềm mại và sắc nét, cho phép hiển thị rõ đẹp ngay cả khi được phóng to. Yếu tố này đã kích hoạt tiềm năng của lĩnh vực in ấn văn bản và góp phần làm cho Windows 3.1 thống trị nền tảng máy tính để bàn thời kỳ đó. Lúc ấy, Win 3.1 cung cấp 15 phông chữ với những cái tên vẫn còn quen thuộc cho tới nay như Arial, Courier, System và Times New Roman.
Các chương trình bảo vệ màn hình tích hợp
Trước khi Windows 3.1 ra mắt, người dùng máy tính nếu muốn chạy chương trình bảo vệ màn hình mà không cần tắt máy, họ phải sử dụng ứng dụng của bên thứ 3 như After Dark. Trong hệ điều hành Windows 3.1 của mình, Microsoft đã khôn khéo tích hợp luôn các trình bảo vệ màn hình thú vị dành cho người dùng. Đó là Blank Screen (màn hình trống), Flying Windows (các logo Windows đầy màu sắc xuất hiện khắp nơi), Marquee (hiển thị câu chữ do người dùng cài đặt trước theo kiểu chạy qua màn hình) và cuối cùng là Starfield Simulation (mô phỏng bầu trời đêm vũ trụ với hằng hà sa số các vì sao trôi qua).
Tất nhiên, người dùng có thể cài thêm các kiểu bảo vệ màn hình mới và hoàn toàn có lý khi cho rằng chính sự phổ biến của Windows 3.1 đã mở đầu cho trào lưu sáng tạo và thậm chí là kinh doanh ứng dụng bảo vệ màn hình.
Các trò chơi đơn giản nhưng không thể quên: Minesweeper (dò mìn) và Solitaire (xếp bài)
Trước đây, khi người dùng PC không bị ngập trong cả đại dương thông tin từ Internet, phần lớn thời gian mà họ giải trí với máy tính chỉ là hai trò chơi này. Solitaire xuất hiện lần đầu tiên trên Windows 3.0, trò chơi dạng giải đố Minesweeper lần đầu được tung ra ở phiên bản 3.1 để thay thế cho trò chơi Reversi của phiên bản 3.0. Nhiều người dùng sau này thừa nhận rằng họ đã tốn hàng giờ đồng hồ để ngồi xếp bài trên máy tính hơn là làm việc.
Registry lần đầu xuất hiện
Windows 3.1 mang đến nhiều cải tiến mới và cũng là lần đầu tiên Microsoft giới thiệu tính năng Registry về sau sẽ trở nên quen thuộc với cộng đồng sử dụng Windows. Đây là một cơ sở dữ liệu lưu các thiết lập ẩn của hệ thống và nói chung là nó khá phức tạp với người dùng phổ thông. Mặc dù cần phải am hiểu về kỹ thuật cũng như phải được đào tạo mới có thể sử dụng thành thạo việc chỉnh sửa Registry, song nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay và vẫn có mặt trong phiên bản hệ điều hành mới Windows 8 sắp được chính thức ra mắt.
Control Panel
20 năm trước, người dùng chỉ có 12 biểu tượng trong Control Panel của Windows 3.1 để thiết lập và điều chỉnh Windows. Con số này trong phiên bản hệ điều hành Windows 7 đã là 52. Một con số thú vị để so sánh khác là dung lượng của Windows 3.1 chỉ có 11MB, còn Windows 7 chiếm tới 23GB dung lượng ổ cứng của người dùng, đây là một minh chứng điển hình cho thấy các hệ điều hành đã trở nên phức tạp lên nhiều cùng với thời gian.
Windows 3.1 là phiên bản Windows đầu tiên của Microsoft có bảng điều khiển Control Panel dạng mô-đun. Người dùng có thể thêm các panel khác vào cửa sổ này bằng cách sao chép các tệp CPL đặc biệt vào thư mục hệ thống của Windows.
Hình ảnh nhúng và liên kết
Windows 3.1 đã giới thiệu phương thức để nhúng và liên kết các dạng tệp khác nhau goi là OLE (Object Linking and Embedding). Ví dụ, bạn có thể lấy tệp hình ảnh bitmap được tạo ra từ ứng dụng Paintbrush rồi nhúng vào văn bản đang được trình Write xử lý như minh họa ở đây. Nhưng nếu hình ảnh được “liên kết” thay vì nhúng, thì khi hình ảnh gốc thay đổi, hình ảnh ánh xạ trong văn bản được liên kết cũng thay đổi theo. Tính năng này bây giờ có vẻ rất tầm thường, song 20 năm trước nó được người dùng đánh giá rất cao.
Thống nhất hộp thoại Open/Save
Trước Windows 3.1, các nhà phát triển ứng dụng phải tự lập trình lấy hộp thoại Open/Save cho các ứng dụng của mình. Với Windows 3.1, Microsoft đã thống nhất lại và dẹp bỏ sự rườm rà đó khi cung cấp hệ thống hộp thoại Open/Save để các nhà phát triển ứng dụng có thể gắn chúng vào trong sản phẩm của mình.
Hỗ trợ Multimedia
Microsoft đã bắt đầu hỗ trợ việc chơi lại các tệp tin âm thanh và video với phần mở rộng Multimedia Extensions của phiên bản tiền nhiệm 3.0 ra đời năm 1991, tuy nhiên phần mở rộng này chỉ được cài đặt trên các máy mới. Multimedia Extensions đã trở thành tiêu chuẩn mặc định trên Windows 3.1, cho phép người dùng có thể thưởng thức và ghi lại các tệp tin âm thanh chất lượng cao bằng các card âm thanh phổ biến như SoundBlaster Pro. Trình Media Player hồi đó cho phép người dùng có thể xem được video định dạng AVI nếu phần cứng của họ đủ mạnh.
Notepad và Calculator
Cả hai ứng dụng này đều không có mặt vào thời điểm ra mắt của Windows 3.1 nhưng được người dùng sau này sử dụng rất nhiều. Notepad được cho là có giao diện mang phong cách Windows nhiều hơn ứng dụng giả lập máy tính cầm tay cá nhân Calculator.
Task List
Trong các phiên bản Windows hiện đại hơn sau này, người dùng chỉ cần nhấn cụm tổ hợp phím Ctrl-Alt-Delete là có thể truy cập vào Task Manager. Với Windows 3.1, người dùng nhấn Ctrl-Esc hoặc nháy đúp chuột lên màn hình desptop trống để gọi ra người tiền nhiệm của Task Manager là Task List. Tiện ích này cho phép người dùng xem được tất cả các ứng dụng đang hoạt động và có thể chọn đóng chúng tùy theo nhu cầu.
Sắc màu số hóa
Hình ảnh minh họa được tạo ra bởi ứng dụng Paintbrush trong Windows 3.1, tiền thân của trình ứng dụng Paint ngày nay. Thời đó hầu hết các PC chạy Windows đều chỉ hỗ trợ có 16 màu, do vậy các tính năng trong Paintbrush trở nên quá tiện dụng cho các tác vụ xử lý đồ họa nhanh.
Theo Pcworld.com.vn