"Hầu hết doanh nghiệp CNTT trong nước đều liên quan đến dịch vụ nhưng chế tài, quản lý nhà nước về dịch vụ CNTT hiện nay không rõ ràng", ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Công nghệ thông tin thuộc Bộ Thông tin Truyền thông, cho biết trong buổi góp ý dự thảo Nghị định sáng nay tại TP HCM.
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định rõ doanh nghiệp có dịch vụ: tân trang, tái chế, làm mới các sản phẩm phần cứng, điện tử quy mô lớn; cổng tìm kiếm thông tin trên mạng; trung tâm dữ liệu; điện toán đám mây phải có giấy phép của Bộ thông tin Truyền thông.
Các loại hình buộc doanh nghiệp phải đăng ký cung cấp dịch vụ bao gồm: chỉnh sửa - bổ sung - bản địa hóa phần mềm, cung cấp phân phối bản quyền phần mềm, xuất nhập khẩu phần mềm, lưu trữ - hỗ trợ tải phần mềm trên mạng, nhóm nội dung số, nhóm đào tạo không chính quy vê CNTT, nhóm an toàn bảo mật thông tin (trừ chứng thực chữ ký số, chữ ký điện tử), dịch vụ trên nền công nghệ...
|
Dự thảo Nghị định về Dịch vụ Công nghệ Thông tin đang gây tranh cãi. Ảnh minh họa: Kiên Cường. |
Ngoài ra, các cá nhân muốn tư vấn về giải pháp, dự án, quản lý CNTT cũng phải có chứng chỉ hành nghề. Ngay sau thông tin về dự thảo được đưa ra, buổi góp ý "nóng" lên với các câu hỏi từ phía doanh nghiệp.
"Trước đây công ty đã đăng ký kinh doanh với Bộ Kế hoạch Đầu tư, nếu đúng như dự thảo thì sẽ phải đăng ký lần nữa. Đây là bước lùi của thủ tục hành chính vì chỉ đi đăng ký trực tiếp mới thấy, có nhiều bộ hồ sơ cả tháng trời mới xong", ông Nguyễn Duy Thiên, Phó giám đốc Công ty ADMSVN chuyên về gia công công cụ chính xác, băn khoăn.
Bà Bùi Thị Hải Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Nghe nhìn Giáo dục, đặt câu hỏi công ty đã đăng ký về lĩnh vực xuất bản nay lại thêm thủ tục xin phép làm dịch vụ CNTT thì đây có phải là chồng chéo hay không?
Đại diện một công ty về đào tạo trực tuyến, ông Trần Quốc Dũng thì đưa ra hoàn cảnh công ty mình khi dự thảo thành Nghị định thì phải xin đến 3 giấy phép của các bộ: Kế hoạch đầu tư, Giáo dục Đào tạo và Thông tin Truyền thông.
"Đã đăng ký kinh doanh rồi, giờ phải đăng ký dịch vụ thì không lẽ một doanh nghiệp có cả hai giấy phép giống giấy phép kinh doanh. Nếu đăng ký dịch vụ không để làm gì thì không nên đăng ký nữa", ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, góp ý.
Không những phải đăng ký dịch vụ CNTT, nếu muốn được hưởng ưu đãi từ nhà nước, dự thảo Nghị định cũng buộc các doanh nghiệp phải đăng ký để được hưởng những chế độ này. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy một lần gánh thêm thủ tục.
Trả lời về các vấn đề trên, Vụ trưởng Công nghệ thông tin cho rằng đăng ký dịch vụ với Bộ Thông tin Truyền thông không nằm ngoài mục đích quản lý, tạo môi trường pháp lý lành mạnh trong lĩnh vực.
Vụ trưởng Công nghệ Thông tin khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, đồng thời chuyển các góp ý này đến ban soạn thảo Nghị định để sao cho khi Nghị định ra đời và có hiệu lực tránh được phiền hà cho giới kinh doanh dịch vụ CNTT.
Theo Vnexpress.net