Thực tế, công nghệ ẩn đằng sau thanh toán di động đã xuất hiện từ năm 2003 với quy mô nhỏ hơn. Ý tưởng sử dụng điện thoại như thẻ tín dụng chỉ là một trong nhiều cách NFC có thể áp dụng trong cuộc sống thường nhật. Thực tế, chúng ta mới chỉ chạm vào bề nổi những gì có thể làm được của công nghệ này.
Ma thuật của NFC
NFC – sản phẩm trí tuệ của Sony và NXP cho phép hai thiết bị tích hợp chip hỗ trợ NFC để gần nhau và trao đổi các gói dữ liệu khi đạt khoảng cách cho phép. Dữ liệu này có thể là thông tin thẻ tín dụng, phiếu giảm giá, vé xem phim... hay mọi thứ bạn có thể nghĩ ra. Đơn giản chỉ cần đặt hai thiết bị gần nhau, chạm hoặc vẫy là thông tin đã di chuyển.
NFC cũng tương tự như RFID (kỹ thuật nhận dạng sóng vô tuyến từ xa) của những năm 90. Microchip RFID được cài đặt trong các “tag” được tìm thấy trong nhiều vật dụng như tại cửa hàng, thiết bị từ nhà cung cấp nguồn, “tag” cho thú nuôi hay hộ chiếu “thông minh”.
NFC dựa trên cùng công nghệ, vì thế dễ bị nhầm lẫn với RFID. Nó sử dụng cùng loại chip và có năng lực cao hơn một bậc nhờ có sức mạnh của điện toán. Đó là lí do tại sao đưa NFC vào điện thoại là vô cùng quan trọng; NFC không chỉ cần tới phần cứng thích hợp (cột ăng-ten và điều khiển) mà còn cần tới phần mềm đúng đắn (hỗ trợ nền tảng hệ điều hành, ứng dụng,...).
Google Wallet là ví dụ xuất sắc nhất của sự kết hợp phần cứng – phần mềm. Wallet là ứng dụng Android (ban đầu chỉ áp dụng cho điện thoại Nexus S của nhà mạng Sprint) sẽ lưu trữ phiên bản thẻ tín dụng, thẻ quà tặng và phiếu giảm giá ảo. Kích hoạt ứng dụng, nhập mã PIN, người dùng có thể chạm điện thoại vào điểm thanh toán để kiểm tra và mua sản phẩm. Tuy nhiên, ứng dụng không thể hoạt động nếu thiếu chip NFC tích hợp bên trong.
Năng lực thực sự của NFC được chia làm 3 dạng chính:
1. Chế độ mô phỏng thẻ: chính là chế độ Google Wallet và các loại thẻ thanh toán không tiếp xúc khác dựa vào. Với chế độ này, chiếc điện thoại trở thành thẻ tín dụng. Mô phỏng thẻ thông minh truyền thống càng thuận tiện cho các công ty như MasterCard hay Visa vì đều có cơ sở hạ tầng cho thanh toán không tiếp giáp.
2. Chế độ đầu đọc: điện thoại có thể đọc tag RFID thụ động trên các áp phích, sticker, và các đồ dùng văn phòng phẩm khác chứa các loại thông tin nhất định. Ví dụ, người dùng có thể để sát điện thoại vào tấm quảng cáo phim và bắt đầu phát đoạn giới thiệu phim, thời gian chiếu rạp, địa điểm...
3. Chế độ chia sẻ ngang hàng (peer-to-peer): cung cấp tương tác giữa hai thiết bị NFC như điện thoại. Dùng chế độ này, người dùng có thể thanh toán hay chia sẻ bất cứ thông tin gì cho người khác chỉ bằng cách để hai điện thoại gần nhau.
NFC phát triển tới đâu rồi?
Thanh toán di động mới chỉ là phần nổi của “tảng băng” NFC. Có vô số ứng dụng và công dụng có thể phát triển từ NFC như: kiểm soát sức khỏe; vé di động cho tàu hòa/ máy bay; mở cửa phòng khách sạn/ xe hơi; kết nối bluetooth bằng cách để gần điện thoại; bắt đầu gọi thoại video hay gọi hội nghị; chia sẻ tệp tin giữa điện thoại...
Tuy có thể áp dụng vào mọi mặt cuộc sống và đã được phát triển vài năm, chỉ có Nhật Bản là gặt hái được thành công thực tế. NFC chưa phải tính năng chính trên đa số các điện thoại và các đầu đọc NFC cũng chưa hiện diện rộng rãi tại các cửa hàng.
Điều này đang dần thay đổi nhưng không nhanh chóng trong “một sớm một chiều”. Kéo theo đó là nghịch lí con gà-quả trứng: khách hàng vẫn còn dè dặt trong việc mua điện thoại NFC và các hãng cũng dè dặt trong việc sản xuất chung cho tới khi có thêm nhiều hãng chấp nhận thanh toán không tiếp xúc; ngược lại, cho tới khi có nền tảng người dùng thiết bị NFC đủ mạnh, các thương gia mới có thiện chí đầu tư vào các dịch vụ xử lí thanh toán như trên.
Tuy nhiên, các chuyên gia lạc quan rằng trong 4 năm tới, sẽ có hơn 30% trong tổng số điện thoại bán ra trên toàn cầu tích hợp chip NFC, báo hiệu sự bùng nổ trong việc sử dụng NFC vào cuộc sống.
Ai đang hỗ trợ NFC?
Google: Bằng cách thêm phần cứng NFC vào Nexus S và phần mềm vào Gingerbread, Google đã đặt nền móng cho đế chế thanh toán di động và ứng dụng tiềm năng khác. Google đã kí được các hợp đồng quan trọng với MasterCard, Subway, Macy’s và vài hãng khác, đồng thời giới thiệu Wallet. Công ty giúp NFC tiến thêm một bước dài với nhiều hỗ trợ cần thiết.
Nokia: Nokia bắt đầu đưa NFC vào điện thoại vài năm trước. Mẫu duy nhất hỗ trợ NFC có mặt tại thị trường Mỹ là 6131 của nhà mạng T-Mobile, nhưng gây được ảnh hưởng rộng rãi trên trường quốc tế. Google có thể đã tìm ra các giao dịch cần thiết và tạo ra tiền đề quan trọng, tuy nhiên khó có thể tưởng tượng sự phát triển của NFC mà không có sự tham gia của Nokia.
ISIS: liên doanh của AT&T, Verizon Wireless và T-Mobile, ISIS có mục đích tích hợp thanh toán và phiếu giảm giá không tiếp xúc vào điện thoại. Công ty đang hợp tác với Visa và MasterCard, hệ thống có thể ra mắt mùa hè năm 2012. ISIS dễ dàng tạo ra ảnh hưởng lớn nhờ sự hỗ trợ của 3 trong 4 nhà mạng của Mỹ.
MasterCard: là một trong những người tiên phong của thanh toán di động và thiết lập được cơ sở hạ tầng đủ mạnh với Paypass. Khách hàng đã có đủ thời gian làm quen với phương thức thanh toán không tiếp xúc, chi phí cài đặt trên điện thoại cũng giảm đi nhiều nhờ vào cơ sở hạ tầng hiện tại. Chắc chắn, sự hợp tác với Google và ISIS sẽ phát triển có lợi ở tốc độ cao.
Samsung/ Visa: hai hãng đã hợp tác với nhau để cung cấp hệ thống thanh toán di động tại kì Olympics 2012 ở Luân Đôn. Thiết bị di động Olympic và Paralymic Games sẽ xuất hiện với thẻ SIM kích hoạt Visa. Ý tưởng có vẻ điên rồ nhưng nhiều khả năng thành công nếu có mức giá hợp lí. Các khách du lịch quốc tế sẽ chủ yếu dựa vào SIM trả trước để liên lạc trong suốt kì Olympic, do đó việc mang theo điện thoại dữ trữ giá rẻ là điều “không phải nghĩ”.
Hệ thống vẫn chưa hoàn chỉnh
Một cách tự nhiên, nhiều người cảm thấy khó khăn nếu để ví tiền ở nhà và đó quả là đặt cược lớn khi dựa hoàn toàn vào thiết bị điện tử. Thiết bị hay phần mềm gặp trục trặc và hết pin sẽ là thảm họa cho người dùng. Không ai rời nhà mà không mang theo dự trữ, và cũng không cửa hàng nào lọa bỏ thanh toán bằng tấm thẻ thựa. Gần như mọi nhà kinh doanh sẽ đều dùng thẻ và tiền mặt. Câu thần chú “Bỏ ví lại nhà” khó nuốt trôi bởi chúng ta vẫn cần tới thứ để đựng CMND, bằng lái xe, giấy phép... và dường như bỏ thêm 10 giây để mở ví, lấy thẻ, quẹt thẻ cũng không phải vấn đề to tát.
Mối quan tâm tiếp theo – bảo mật – còn quan trọng hơn nhiều. Làm thế nào để chúng ta biết rằng thông tin thẻ tín dụng không bị nhòm ngó mỗi khi chạm hay quẹt điện thoại? Chúng ta đã chứng kiến sự sụp đổ của các hệ thống lưu trữ thông tin cá nhân khác (PlayStation) và băn khoăn liệu điều tương tự có xảy tới với chúng ta khi dùng điện thoại không.
Nỗi lo sợ bị tấn công trở thành nguyên nhân chính NFC chưa được sử dụng rộng rãi. Rất khó thuyết phục đám đông NFC an toàn. Google không hề xem nhẹ vấn đề bảo mật của Wallet, ít nhất trong thời gian thử nghiệm: mọi giao dịch sẽ chỉ giới hạn trong 100 USD. Tiêu chuẩn NFC hạn chế giao tiếp trong khoảng cách 4cm như một cách ngăn chặn mọi nỗ lực tấn công mã độc tới dữ liệu cá nhân từ bên ngoài; và cuối cùng, dữ liệu thẻ tín dụng được mã hóa và lưu trữ trên chip chống giả mạo. Thông tin chỉ có thể truy cập từ chương trình có thẩm quyền. Để chắc chắn hơn, Google còn thiết lập hệ thống 3 mã PIN trước khi giao dịch thực hiện: mã đầu để mở khóa, mã thứ 2 để truy cập Google Wallet và mã thứ 3 được yêu cầu tại mọi giao dịch.
Lời kết
Có vẻ như điện thoại hỗ trợ NFC sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong 2 năm tới: Samsung sẽ bán phiên bản Galaxy S II tích hợp NFC vào cuối năm nay; RIM tuyên bố BlackBerry Bold Touch 9900 cũng như mọi thiết bị chạy OS 7 đều hỗ trợ NFC; HTC đang phát triển chip gắn với phần cứng ra mắt trong 12 tháng tới...
Dù muốn hay không, bạn cũng sẽ dần được làm quen với NFC. Vẫn còn nhiều khó khăn cần được san bằng nhưng sự hỗ trợ NFC trong vài tháng qua đã tăng lên theo cấp số nhân. Sự thực là, NFC – cũng như bất kì thiết bị thú vị nào đều có thể gây nghiện và dòng lũ NFC sắp tới không thể ngăn cản.
Theo Ictnews.vn