Khoảng trống cho các kho ứng dụng của bên thứ 3
Sau sự tồn tại của các kho ứng dụng do nhà cung cấp thiết bị, nền tảng (hệ điều hành) xây dựng với nhiều giá trị mang lại cho người dùng, các nhà mạng cũng xây dựng những kho ứng dụng riêng để phục vụ khách hàng của mình.
Cho đến nay, hầu hết các nhà mạng như Vinaphone, MobiFone và Viettel đều đã có kho ứng dụng. Bên cạnh đó, các hãng điện thoại như Q-mobile, F-mobile... cũng có kho ứng dụng dành cho các thiết bị của mình. Có thể thấy, việc xây dựng các kho ứng dụng để mang lại gia trị gia tăng cho khách hàng là xu hướng tất yếu.
|
Việc người dùng phải tự làm quen với mỗi kho ứng dụng khi đổi điện thoại hay đổi mạng cũng
mang đến những phiền toái.
|
Tuy nhiên, trong mỗi hệ sinh thái riêng ấy lại nảy ra bất cập. Cùng với việc ra mắt liên tục các sản phẩm mới, các gói cước cạnh tranh, người dùng cũng liên tục thay đổi máy, thay đổi sim (đổi mạng). Việc người dùng phải tự làm quen với mỗi kho ứng dụng khi đổi điện thoại hay đổi mạng cũng mang đến những phiền toái. Đây chính là mảnh đất trống cho “bên thứ ba” bước chân vào.
Với một thị trường gần 50 triệu thuê bao, xây dựng “chợ ứng dụng thập cẩm” (kho ứng dụng do bên thứ ba cung cấp) phục vụ mọi người dùng, bất kể họ dùng điện thoại thương hiệu gì, sử dụng sim nào có vẻ là một thị trường nhiều tiềm năng.
Một trong số những “chợ ứng dụng thập cẩm” tồn tại khá lâu là appstore.vn và vnstore với mô hình chung là nơi tập trung mọi loại ứng dụng phục vụ mọi nền tảng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường cũng có nhiều đồn đoán rằng các tên tuổi lớn trong ngành nội dung số như VNG, MV Corp, VTC, VC Corp cũng đang rục rịch tham gia thị trường này. Mới đây nhất, VNG cũng đã đưa vào thử nghiệm kho ứng dụng chuyên về game dành cho mọi nền tảng di động.
Người dùng được lợi gì?
So với các kho ứng dụng của nhà mạng hay nhà cung cấp thiết bị, khu ứng dụng của bên thứ ba có điểm yếu hơn hẳn là họ không hề có cộng đồng (hay còn gọi là khách hàng thân thiết). Trong khi đó, các ứng dụng với mục đích cộng thêm giá trị cho khách hàng nên phần lớn là miễn phí. Vậy “bên thứ ba” có thể tồn tại?
|
Người dùng luôn muốn có thể kết nối và truy cập mà không cần quan tâm tới việc
họ đang sử dụng thiết bị nền tảng gì.
|
Theo đại diện appstore.vn, sẽ có rất nhiều thách thức dành cho các bên thứ ba tham gia xây kho ứng dụng. Họ sẽ phải tự xây dựng cộng đồng (tìm kiếm khách hàng); tự đưa ra hình thức thu phí (hiện nhà mạng vẫn đang giữ lợi thế về thu phí nhờ việc phát hành các thẻ thanh toán cước và hệ thống tính cước trực tuyến).
Tuy nhiên, không phải không có cơ hội cho bên thứ ba.
Shira Levine của Công ty nghiên cứu thị trường Infonetics cho biết người dùng luôn muốn có thể kết nối và truy cập mà không cần quan tâm tới việc họ đang sử dụng thiết bị nền tảng gì. Vì vậy, sự ra đời của các kho ứng dụng trung lập sẽ thỏa mãn phần nào nhu cầu này.
Ngoài ra, cùng với xu hướng cung cấp miễn phí các ứng dụng, chuyển sang thu phí bên trong (phí mua đồ vật ảo phục vụ trò chơi) và sự phổ biến của các giải pháp không dây như OTA, NFC, lợi thế về thu phí của nhà mạng không còn, sự phụ thuộc trong quá trình cài đặt đối với nhà cung cấp thiết bị cũng dần mất đi. Các nhà sản xuất nội dung (ứng dụng) sẽ không còn lý do gì để từ chối hợp tác với bên thứ ba.
Sự manh nha của thị trường “chợ ứng dụng thập cẩm” có thể sẽ mang lại nhiều tin vui cho người dùng, tuy nhiên cũng đưa các “chợ” này vào cuộc canh tranh: hoặc đa dạng hàng hóa hoặc kiểm soát chặt chất lượng. Dù sao, khi thị trường có cạnh tranh, được lợi nhất vẫn là người dùng.
Theo Pcworld.com.vn