Lơ là bảo mật, an toàn TT mạng
Theo Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế - Cục trưởng Cục công nghệ tin học nghiệp vụ - Tổng cục hậu cần, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam có những diễn biến rất phức tạp, đã xuất hiện các cuộc tấn công vào các hệ thống thông tin của các cơ quan tổ chức. Ông cho biết tại hội thảo, trển lãm an ninh thông tin & điện toán đám mây (diễn ra từ 22-23.3 tại Hà Nội), 6 tháng đầu năm 2011, có hàng trăm website bị các hacker nước ngoài tấn công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện trong đó có các website của Bộ Nông nghiệp, Bộ ngoại giao,...
Trong tháng 10.2011, có hơn 150 website bị tấn công trong một ngày do nhóm hacker Thổ Nhĩ Kỹ thực hiện. Cùng với một số máy chủ tại TP Hồ Chí Minh của các công ty cung cấp các dịch vụ hosting, domain khá nổi tiếng.
Không chỉ có website doanh nghiệp, ngày 8.11.2011, hacker đã tấn công và chiếm quyền trang web của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh của Nam Định và để lại một trang trắng với dòng chữ "Đừng hỏi vì sao bị hack mà hãy hỏi thành phố bạn đã ra quyết định gì."
Ngay cả, website của trung tâm an ninh mạng BKAV cũng bị hacker tấn công vào hôm 6.2. 2012 và nhóm hacker Anonymous đã chỉ ra nhiều lỗi bảo mật của website này, Thiếu tướng TS Nguyễn Viết Thế cho biết. Mẫu số chung của việc tin tặc có thể tấn công hàng nghìn wesite là sự yếu kém trong quản trị web và không thường xuyên phát hiện và khắc phục các lỗ hổng an toàn thông tin, ít quan tâm đến các cảnh báo an ninh của các cơ quan, tổ chức có chức năng đảm bảo an ninh an toàn thông tin quốc gia.
Tin tặc ít để lại dấu vết
Thống kê những tháng đầu năm 2012, các tin tặc đã tấn công vào các hệ thống thông tin của một số cơ quan quan trọng của Mỹ và một số quốc gia khác như hacker Israel tấn công website Bộ Sức khoẻ và giáo dục y tế (MOHME) Iran; website liên hợp quốc www.un.org bị đánh cắp dữ liệu (hôm 9.2). Tiếp đó, ngày 10.2, các trang web của CIA và chính quyền tiểu bang Alabama (Mỹ) bị hacker thay đổi giao diện….
Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã chứng kiến các cuộc cách mạng trực tuyến – online trên không gian ảo với các cuộc biểu tình tại Bắc Phi,Trung Đông và một số nước trên thế giới đã sử dụng mạng xã hội là phương tiện truyền thông, nơi kêu gọi, tập hợp lực lượng đòi lật đổ chính phủ.
Trong năm 2011, cuộc biểu tình tại phố Wall là kết quả của các cuộc vận động biểu tình trên mạng thông qua Facebook, Twitter.
Thiếu tướng TS Nguyễn Viết Thế nhận định, thực trạng an ninh mạng Việt Nam, cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới, đã có hàng nghìn webite bị tin tặc nước ngoài tấn công. Đáng lưu ý là các hình thức tấn công ngày càng đa dạng và ít để lại dấu vết.
Thống kê của hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA cho thấy, tấn công từ chối dịch vụ năm 2011 tăng 70% so với năm 2010 (8% năm 2010, 14 % năm 2011). Về tấn công mạng thì tăng 3 lần so với 2010.
Hãng Symantec đánh giá, số lượng máy chủ hosting độc hại nhiều thứ 11 trên thế giới và không gian mạng Việt Nam đã trở thành nơi “ưa thích” của giới hacker thế giới và là “ổ máy tính ma” lớn nhất thế giới.
Nhìn nhận về vấn đề bảo mật cần quan tâm trong năm 2012, Thiếu tướng TS Nguyễn Viết Thế cho biết, hiện nay ứng dụng điện toán đám mây mang lại rất nhiều tiện ích, không phải đầu tư nhiều cho hạ tầng CNTT, giảm thiểu chi phí, nhưng ngược lại vấn đề bảo mật sẽ không đơn giản bởi trong các đám mây công cộng dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức có thể bị xâm hại. Vì vậy, năm nay an toàn bảo mật trên điện toán đám mây là vấn đề quan trọng.
Theo Laodong.com.vn