Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết TW số 13) được dư luận xã hội, đặc biệt là cộng đồng công nghệ thông tin (CNTT) đồng tình ủng hộ và đánh giá đây thực sự là một bước đột phá mạnh, thể hiện tầm nhìn, sự sáng suốt của Đảng trong định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.
Đột phá mới của Nghị quyết TW số 13 là xác định vai trò quan trọng của CNTT trong hệ thống kết cấu hạ tầng, chủ trương “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực”; đồng thời định hướng phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ như hệ thống giao thông thông minh, lưới điện thông minh,..
Quan điểm mới về phát triển hạ tầng hiện đại của Nghị quyết rất phù hợp với xu thế mới trên thế giới, đó là xu thế phát triển “hạ tầng thông minh” dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT nhằm tối ưu hoá hiệu quả đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống hạ tầng.
Nhân dịp Ban Tuyên Giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai Nghị quyết Hội nghị TW 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ”, các Hội và Hiệp hội CNTT (có tên trong danh sách kèm theo) đại diện cho hàng nghìn doanh nghiệp CNTT trên khắp cả nước với hàng trăm nghìn lao động trong lĩnh vực CNTT xin trân trọng báo cáo và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông một số nội dung nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu, định hướng phát triển hạ tầng CNTT quốc gia như sau:
A. CÁC ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ
1. Đổi mới về nhận thức
Quan điểm chỉ đạo về phát triển hạ tầng CNTT của Nghị quyết TW số 13 thể hiện sự nhận thức hoàn toàn mới và mang tính đột phá về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của CNTT trong phát triển hạ tầng quốc gia và toàn bộ nền kinh tế theo hướng hiện đại. CNTT được khẳng định rõ vai trò là hạ tầng kinh tế xã hội và cao hơn nữa, là hạ tầng của hạ tầng, là nội dung cốt yếu của công cuộc hiện đại hóa như Nghị quyết đã nêu: “Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực”
Thực tiễn phát triển của thế giới ngày nay là minh chứng cho sự sáng suốt trong quan điểm, nhận thức mới của Đảng. Thế giới đã bước sang kỷ nguyên số, chuyển từ công nghệ chế tạo sang công nghệ cao do CNTT dẫn dắt. CNTT là bộ phận cấu thành quan trọng, là trục kết nối chính hình thành và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin. CNTT đang là phương thức tiếp thu và làm chủ khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực; là phương tiện mạnh nhất để nhanh chóng nâng cao toàn diện dân trí; là kênh giao tiếp hiệu quả nhất, phổ biến nhất, kết nối thế giới, phát huy và phát triển các tinh hoa văn hóa và văn minh nhân loại. Hơn thế và khác với các công nghệ khác, CNTT đóng vai trò là môi trường hoạt động, là không gian tồn tại của tất cả các công nghệ khác, đặc biệt là công nghệ cao. CNTT đang là động lực tạo ra sự tăng trưởng năng suất lao động từ 40-60% tại các quốc gia phát triển. CNTT có khả năng giúp tối ưu hóa các nguồn lực, tạo ra sự tăng trưởng nhanh và bền vững, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý trong mọi lĩnh vực, giúp nâng cao dân trí, mức sống, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. CNTT không đòi hỏi sự đầu tư lớn nhưng đem lại hiệu quả rất cao, tạo hiệu ứng lan tỏa xã hội nhanh, phạm vi ảnh hưởng sâu rộng.
Nghị quyết TW số 13 đã đưa ra quan điểm mới mang tính đột phá về vị trí, vai trò đặc biệt của CNTT trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và trong hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện thành công Nghị quyết, các Hội, Hiệp hội CNTT kiến nghị Đảng, Nhà nước cần có biện pháp để quan điểm đột phá này được quán triệt sâu sắc và trở thành nhận thức đổi mới ở mọi cấp, mọi ngành và trong toàn xã hội, đặc biệt là trong lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở, để việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trở thành sự nghiệp của toàn dân.
2. Đổi mới về công tác tổ chức chỉ đạo, điều hành
Với quan điểm chỉ đạo và tầm nhìn mới, qua kinh nghiệm của các nước phát triển “nhảy vọt” thành công nhờ CNTT và đặc biệt là căn cứ ý kiến chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quốc gia về CNTT, Các Hội và Hiệp hội CNTT xin đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính Phủ:
- Ở cấp Trung ương: cần sớm thành lập Ủy ban quốc gia về CNTT do Thủ tướng làm Chủ tịch, với sự tham gia trực tiếp của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Thông tin và Truyền thông; Bộ Kế hoạch và đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Giao thông vận tải; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ, Quốc phòng; Công an; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,…Đồng thời, để đảm bảo Ủy ban hoạt động hiệu quả và thực chất, cần xây dựng bộ máy (cơ quan) thường trực mạnh, làm việc chuyên trách, có đủ năng lực và quyền hạn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao phó.
- Ở cấp ngành, địa phương: Để nhiệm vụ phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực, cần phải có qui định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương ở tất cả các cấp trực tiếp chỉ đạo và chịu trách thực hiện nhiệm vụ này.
3. Hoàn thiện môi trường cơ chế, chính sách
Để thực hiện được yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế, cần phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và các cơ chế chính sách, trước mắt cần bổ sung ngay:
- Chính sách qui định mọi chương trình, dự án đầu tư đều phải có đánh giá về ứng dụng CNTT và hiện đại hóa; Trong cơ cấu vốn đầu tư phát triển của các chương trình, dự án cần phải có hạng mục riêng cho ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa.
- Kiến nghị Bộ Chính trị sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về CNTT và hiện đại hóa đất nước để thay thế cho Chỉ thị 58/CT-TW.
B. QUYẾT TÂM CỦA CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP CNTT THỰC HIỆN THÀNH CÔNG NGHỊ QUYẾT
Với vai trò và trách nhiệm xã hội của mình các Hội, Hiệp hội đại diện cộng đồng doanh nghiệp CNTT trong cả nước quyết tâm cùng nhau đoàn kết, hợp tác, tập hợp và xây dựng lực lượng doanh nghiệp đi tiên phong trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết TW số 13. Các Hội và Hiệp hội sẽ phối hợp hành động của cộng đồng doanh nghiệp với những nội dung ưu tiên bước đầu như sau:
1. Tập trung nghiên cứu, xây dựng các luận cứ và cơ sở khoa học để tư vấn cho Chính phủ, các Bộ, ngành về:
a. Quy hoạch hạ tầng CNTT quốc gia
b. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thông minh
c. Xây dựng và ban hành các chuẩn
d. Qui hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT
e. Qui hoạch phát triển các khu CNTT
2. Định hướng các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) và trình độ công nghệ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết TW số 13.
3. Tái cấu trúc doanh nghiệp và ngành CNTT theo hướng thiết lập các chuỗi giá trị: Nghiên cứu - đào tạo – thiết kế - phát triển - triển khai - cung ứng sản phẩm/dịch vụ.
4. Các Hội, Hiệp hội và doanh nghiệp CNTT tích cực quảng bá, tuyên truyền Nghị quyết và vận động toàn xã hội hưởng ứng tham gia phát triển, ứng dụng CNTT.
5. Tích cực, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các hiệp hội và doanh nghiệp CNTT trên thế giới, lựa chọn, tiếp thu, chuyển giao các công nghệ tiến bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam.
6. Đề xuất và chủ trì thực hiện một số dự án hạ tầng theo hình thức PPP.
Trên đây là ý kiến thống nhất của các Hội, Hiệp hội đại diện cho cộng đồng CNTT cả nước xin trân trọng báo cáo và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Danh sách các Hội, Hiệp hội CNTT cùng kiến nghị:
1. Hội Tin học Việt Nam (VAIP)
2. Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA)
3. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)
4. Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA)
5. Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV)
6. Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA)
7. Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA)
8. Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA)
9. Hội Tin học TP Hồ Chí Minh (HCA)
10. Hội Tin học Viễn thông Hà Nội (HANICT)