Cập nhật: 21/03/2012 |
Các chuyên gia kinh tế nói gì về việc sáp nhập mạng di động? |
|
Các chuyên gia cho rằng nếu 95% thị trường di động nằm trong tay hai DN sẽ dẫn đến nguy cơ độc quyền và cả khách hàng và Nhà nước đều phải gánh chịu hậu quả.
|
|
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Trước thông tin VNPT không được sở hữu hai mạng di động, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng: Thượng sách là VNPT bán 80% của một trong hai mạng di động đó cho Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Phương án tồi nhất là sáp nhập hai mạng di động VinaPhone và MobiFone, đây là một bước lùi khổng lồ. Phương án này không phù hợp với sự phát triển của đất nước và sẽ gây khó khăn lớn cho các công ty di động khác - vì khi đó công ty được sáp nhập sẽ chi phối thị trường. Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cũng đăng đàn trên truyền thông rằng: Thị trường thông tin di động đang ở thế chân vạc: Viettel - MobiFone - VinaPhone. Nếu sáp nhập MobiFone và VinaPhone sẽ tạo ra một công ty có thị phần tới 50 - 60%, có hại cho cạnh tranh và ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.
PGS, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, nếu VNPT sáp nhập và cùng với Viettel sẽ chiếm tới 95% thị phần thì không khỏi lo ngại chuyện độc quyền trên thị trường di động. Còn theo ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, thị trường viễn thông các nước trên thế giới thường có 3 - 4 hãng lớn nắm phần lớn thị phần. Chẳng hạn như Trung Quốc có 3 mạng: China Mobile, China Unicom, China Telecom; Mỹ có 4 “đại gia” là AT&T, T-Moblie, Verizon, Sprint… Theo Sách Trắng CNTT-TT năm 2011, Viettel chiếm 36,72% thị phần, MobiFone chiếm 29,11% và VinaPhone chiếm 28,71% thị phần. Nếu trong 3 “ông lớn” biến mất 1 “ông”, chỉ còn lại 2 thì về lý thuyết, tính cạnh tranh của thị trường sẽ giảm đi. Sẽ có rủi ro là 2 “ông” bắt tay nhau để quyết định thị trường.
Tại buổi tọa đàm của CLB Nhà báo ICT mới đây, khi các nhà báo đặt câu hỏi: "Liệu ông có lo ngại độc quyền trở lại thị trường viễn thông khi mà VNPT sẽ cho VinaPhone và MobiFone sáp nhập?", nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực đã khéo léo trả lời rằng: 10 năm qua, các DN nhà nước vẫn phát triển tốt vì thị trường vẫn giàu tiềm năng. Song hiện nay mật độ điện thoại tăng cao, giá dịch vụ giảm và cạnh tranh quyết liệt nên thị trường không còn nhiều màu mỡ. Khi thị trường không tốt như trước nhưng giữa các DN 100% vốn Nhà nước thì chắc chắn chỉ trụ được 1 - 2 DN mà thôi. Hậu quả là dân và Nhà nước sẽ gánh chịu. Vì vậy, Chính phủ và Bộ TT&TT phải vững tay sắp xếp lại các DN nhà nước.
Theo Ictnews.vn |