VINASAT-2 là một vệ tinh viễn thông địa tĩnh, sau khi phóng lên có thể cung cấp dịch vụ đường truyền vệ tinh để phát triển các dịch vụ ứng dụng như dịch vụ thoại, truyền hình, thông tin di động, truyền số liệu, Internet, các dịch vụ đào tạo và y tế từ xa, truyền tin cho ngư dân trên biển, dự báo thời tiết, phục vụ an ninh quốc phòng... Đặc biệt cung cấp đường truyền thông tin cho các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, bão lụt, đường truyền cho các vùng sâu, vùng xa, hải đảo mà các phương thức truyền dẫn khác khó vươn tới được.
VINASAT-2 có 24 bộ phát đáp băng tần Ku (băng thông 36 Mhz), sau khi tối ưu thiết kế vệ tinh có thể khai thác lên đến 25 bộ phát đáp tính đến cuối thời gian sống. Vùng phủ sóng của VINASAT-2 cũng mở rộng hơn nhiều so với VINASAT-1, khi thêm cả các quốc gia Singapore và một phần Malaysia.
Dung lượng truyền dẫn của VINASAT-2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.
Tuổi thọ thiết kế của vệ tinh VINASAT-2 là 15 năm và dự kiến khả năng thu hồi vốn của vệ tinh này cũng tương tự như VINASAT-1 là khoảng 10 năm.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đơn vị được Chính phủ cho phép phóng vệ tinh VINASAT đã chọn sử dụng dịch vụ phóng của ArianSpace với tên lửa Arian 5 để phóng VINASAT-2.
VINASAT-2 sẽ được điều khiển bởi trạm điều khiển vệ tinh Quế Dương (Hà Nội) và trạm dự phòng đặt ở Bình Dương.
Việc phóng thêm VINASAT-2 nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ từ vệ tinh khi VINASAT-1 đã được đăng ký sử dụng gần hết dung lượng khai thác. Hiện đang có tới 150 kênh truyền hình tiêu chuẩn HD, SD, các mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, mạng viễn thông công ích… sử dụng vệ tinh VINASAT-1 với vùng phủ sóng là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar. Năm 2011, vệ tinh VINASAT-1 đã đạt doanh thu 263,5 tỷ đồng.
Trước đây đã có dự kiến phóng VINASAT-2 ngay trong tuần thứ 3 của tháng 4.2012, song do một số nguyên nhân nên lịch phóng đã phải lùi lại
Theo Baomoi.com