Thứ năm, 16/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 14/03/2012
Tôi thích đối mặt với thách thức

Lê Hồng Minh là một trong những gương mặt góp phần làm nên diện mạo ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam hiện nay, với doanh thu cả ngành lên đến 1,2 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng hằng năm là 35 - 40%. Ông cũng là người đưa game online đến giới trẻ và bị dư luận cho rằng đã tạo nên nạn “ma túy số” khiến các cơ quan quản lý lẫn người nhà của các “con nghiện” phải đau đầu.

Câu chuyện của Lê Hồng Minh từ VinaGame đến VNG là một hành trình theo đuổi niềm đam mê, vượt qua điều tiếng và sẵn sàng đối mặt với thử thách bởi ông có niềm tin mãnh liệt vào sự đúng đắn của con đường mình đang đi.

Ảnh: Bùi Dzũ

Zing Deal chỉ là một thử nghiệm

 

* Những ngày này, VNG là thương hiệu được “ưu ái” nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cái chết của Zing Deal, một sản phẩm của VNG, như là một minh chứng cho sự suy tàn của mô hình kinh doanh mua nhóm tại Việt Nam, vốn đã được báo trước. Ông nghĩ sao khi người ta cho rằng VNG đang “đuối”?

- Thẳng thắn mà nói thì VNG chỉ “đuối” với sản phẩm kinh doanh không hiệu quả này thôi. Mà trong kinh doanh, sản phẩm nào không hiệu quả thì kết thúc sớm vẫn ít gây hậu quả hơn.

Đây không phải là lần đầu VNG đóng cửa sản phẩm của mình. Chúng tôi đã cho ra đời và cũng đã ngưng hoạt động nhiều sản phẩm game và website... VNG đã từng đầu tư một đội làm dịch vụ tìm kiếm trên mạng và cũng đóng cửa vì không hiệu quả.

Theo tôi, đó là sự đào thải tất yếu của ngành. Với Zing Deal thì có khác, bởi nó là mô hình mua theo nhóm đang nở rộ, đang thu hút sự chú ý của nhiều người nên cái chết của Zing Deal mới được đem ra mổ xẻ kỹ lưỡng như thế!

* Theo ông, vì sao Zing Deal lại chết yểu?

- VNG là doanh nghiệp internet, chúng tôi chỉ được chọn lựa giữa việc đi sâu hoặc đi rộng chứ không đi ra ngoài lĩnh vực internet.

Để mở rộng việc kinh doanh, VNG tung ra Zing Deal nhưng thực sự đây cũng là một thử nghiệm bởi ngay từ đầu, chúng tôi đã có những nhận định dè dặt với sản phẩm này. Cho nên việc đầu tư về con người, tài chính, mức độ quảng bá... cho Zing Deal đều ít so với các đối thủ khác.

Với VNG, Zing Deal không phải là sản phẩm mang tính chất sống còn. Chúng tôi thử làm để hiểu và khi biết đó không phải là thế mạnh của mình thì chúng tôi từ bỏ.

Nói nghe có vẻ đơn giản nhưng chúng tôi đã phải thảo luận rất kỹ, mổ xẻ tất cả các yếu tố trong rất nhiều cuộc họp, để cuối năm 2011, chúng tôi chính thức kết luận về Zing Deal.

* Nhưng đến tháng 2/2012, VNG mới công bố việc đóng cửa Zing Deal?

- Người Á Đông chúng ta có quan niệm giải quyết mọi vấn đề tồn đọng trong năm cũ để rộng cửa đón những điều tốt lành trong năm mới. VNG cũng thế.

Nhưng chúng tôi không muốn mang tin buồn đến cho các thành viên làm Zing Deal trong thời điểm cuối năm. Chúng tôi muốn mọi người hưởng một cái Tết Nguyên đán vui vẻ rồi bắt tay vào làm những dự án mới.

Trong lĩnh vực internet, những dự án lập ra rồi bỏ, thử nghiệm sản phẩm rồi đóng cửa sản phẩm là chuyện hết sức bình thường.

Cứ nhìn câu chuyện của huyền thoại Steve Jobs sẽ thấy, năm 1997, ông quay về Apple và quyết định đóng cửa đến 3/4 số lượng sản phẩm đang kinh doanh, chỉ để lại các sản phẩm quan trọng. Năm 2011, Google đã đóng cửa 40 sản phẩm.

Microsoft, Facebook cũng vậy, họ liên tục đưa ra cái mới để thử nghiệm. Đặc trưng của ngành này là vậy, nếu không thử cái mới và biết chấp nhận thất bại thì sẽ không thể tồn tại được. Có thể nói, vòng đời của các sản phẩm trong ngành công nghệ khá ngắn!

Đối mặt với thách thức

* Điều hành một doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm có vòng đời ngắn như vậy, chắc hẳn doanh nhân phải có độ nhạy cảm cao?

- Làm kinh doanh trong ngành công nghệ, tuổi trẻ là một lợi thế. Bởi chỉ có người trẻ năng động, thích phiêu lưu, khám phá mới cảm nhận được sự hấp dẫn của kinh doanh công nghệ vì sự thay đổi nhanh của nó.

Hàm lượng công nghệ càng cao thì dòng đời của sản phẩm càng ngắn, họ sẽ kinh doanh trong tâm trạng không biết vài năm nữa, số phận sản phẩm của mình sẽ như thế nào.

Ví dụ, nếu như hai trăm năm nay xà phòng không thay đổi, thì máy chụp hình ngày càng khác đi, người ta không dùng phim nữa mà thay vào đó là những thẻ nhớ có sức chứa “đồ sộ”.

Và sẽ đến lúc, máy chụp hình phổ thông có thể sẽ biến mất do điện thoại di động đã tích hợp chức năng chụp hình ngày một tốt hơn.

* Đó cũng là nguyên nhân gây xôn xao dư luận khi ông viết trên trang cá nhân rằng 5 năm tới VNG có thể bị Facebook “giết chết”?

- Ngay cả những dịch vụ internet đang thu hút nhiều người dùng nhất là Facebook hay Apple cũng không thể biết chắc chắn tương lai của mình trong 5 năm tới. 5 năm trước, Nokia vẫn là thương hiệu điện thoại nằm trên đỉnh của thế giới nhưng nay, “vật đổi sao dời” mất rồi.

Do đó, khi tôi nói 5 năm nữa VNG bị Facebook “giết chết” cũng là lẽ bình thường bởi phía trước là một ẩn số. Người làm công nghệ phải chấp nhận thực tế này. Nhưng đổi lại, đây là ngành kinh doanh hết sức thú vị.

* Nhưng, từ mạng xã hội đến game online, thương mại điện tử... của Zing đều bắt chước các trang nổi tiếng của thế giới?

- Bắt chước có hai dạng, bản chất và cách thức. VNG đang làm những việc mà cả thế giới đang làm, nhưng làm với cách hoàn toàn khác, và cố gắng làm tốt hơn cho thị trường Việt Nam.

Ngay cả những công ty công nghệ lớn nhất thế giới cũng bắt đầu từ việc làm tốt hơn những cái đã có sẵn. Facebook không là mạng xã hội đầu tiên và Google cũng không phải là công ty khai sinh ra công cụ tìm kiếm. Họ thành công nhờ họ làm tốt nhất vào thời điểm đúng nhất.

VNG chưa làm được những cái thế giới chưa có, nhưng những cái thế giới đã có, VNG cố gắng làm tốt hơn ở Việt Nam. Chúng tôi có điểm khác biệt và nhờ sự khác biệt đó, về lâu dài, chúng tôi sẽ tồn tại và phát triển!

* Ông chọn cho VNG khẩu hiệu “Đối mặt với thách thức” là vì thế?

- Chúng tôi là thế hệ internet đầu tiên khi internet có mặt tại Việt Nam từ năm 1997-2000. Lứa tuổi chúng tôi may mắn tốt nghiệp đại học đúng với giai đoạn này, được lớn lên cùng máy tính và trưởng thành với internet, thích game và mê công nghệ internet...

Điều này, thế hệ trước và sau chúng tôi không có. Cho nên, việc khởi nghiệp trong lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và đầy đam mê này rất thuận lợi.

Chọn khẩu hiệu “Đối mặt với thách thức”, ngoài đặc thù của ngành còn liên quan đến quan điểm cá nhân. Cũng như những người thích chơi game đối kháng, họ chơi vì thích tính đối kháng của game, còn chúng tôi kinh doanh ngành này vì chúng tôi thích đối mặt với thách thức.

* Nhưng, hình như vẫn nghe ông than kinh doanh dịch vụ internet gặp nhiều ấm ức lắm?

- Trong cuộc sống, có những điều mình thích, có những thứ mình được lựa chọn nhưng cũng có những việc mình phải làm dù mình không thích chọn nó.

Với những thách thức về chiến lược, về khách hàng... làm tôi thích thú nhưng cũng có những thứ tôi không thích nhưng vẫn phải chấp nhận. Sở thích phải gắn liền với trách nhiệm. Ấm ức nhưng vẫn phải làm vì đó là điều kiện “đính kèm”.

* Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Điều lớn nhất mà tôi phải đối mặt chính là thái độ của nhiều người đối với ngành game nói riêng và internet nói chung. Người ta cho rằng chơi game là không tốt và môi trường internet có nhiều độc hại. Tất cả đều xuất phát từ việc chưa hiểu rõ ràng về game và internet.

Người ta vẫn nhìn game online một cách tiêu cực, nhưng chúng tôi và những người trong ngành lại thấy nó rất bình thường. Đó là một sản phẩm phục vụ nhu cầu giải trí do ngành công nghệ sản sinh ra. Mà nhu cầu giải trí thì ai cũng có.

Trên thế giới, game đã trở thành ngành công nghiệp giải trí lớn, vượt qua âm nhạc và phim ảnh vì sự hấp dẫn của nó với thế giới hiện đại. Bản thân nó không xấu nhưng việc sử dụng không đúng có thể để lại những hậu quả không tốt. Chúng ta có thể đang đánh đồng giữa bản chất và biểu hiện bên ngoài của nó.

Bản chất của game online

* Vậy ông khẳng định bản chất của game online là tốt?

- Hiện nay game online là ngành rất quan trọng, có khả năng ảnh hưởng đến nhiều ngành khác như giáo dục, giải trí, thương mại...

Với giáo dục chẳng hạn, mọi người đang đặt câu hỏi vì sao trẻ em thích chơi game mà chán học? Sao không đặt ngược lại là tại sao không làm cho việc học hấp dẫn như chơi game để thu hút trẻ em?

Bao nhiêu năm qua, chúng ta vẫn gom vài chục học sinh vào một lớp, dạy kiến thức trong vài chục quyển sách rồi cho chúng làm bài kiểm tra... Đó có phải là cách tốt nhất không? Có thể là không!

Hiện tại, trên thế giới đang có rất nhiều thử nghiệm mới cho giáo dục kết hợp với công nghệ và game, và chúng tôi tin rằng, trong 10 - 20 năm tới, ngành giáo dục trên thế giới sẽ thay đổi lớn do những thử nghiệm này.

Một thử nghiệm mà bản thân tôi rất say mê là Khan Academy (www.khanacademy.org), mọi người nên thử tham gia để thấy game có thể thay đổi giáo dục như thế nào.

Internet và game chỉ mới có lịch sử chừng 30 năm nhưng trong vòng 30 năm tới, chúng tôi tin rằng đây sẽ là hai ngành công nghiệp phát triển rất nhanh và có vai trò rất quan trọng của thế giới. Chúng tôi muốn tham gia vào sự phát triển này.

* Nhưng người ta chưa có cái nhìn tốt về game có thể là do ông không làm tốt công tác truyền thông từ đầu?

- Chúng tôi không phủ nhận chuyện này, nhưng để thay đổi quan niệm của người khác cũng không phải là việc dễ dàng. Chúng tôi luôn cố gắng gửi đi những thông điệp để mọi người có cái nhìn khác hơn nhưng nói chung là khó.

Các cơ quan quản lý, báo chí... vẫn còn dè dặt với game và internet.

* Chuyện không thể phủ nhận là rất nhiều học sinh hiện nay nghiện game, khiến xã hội lo lắng. Là người mang game online về phổ biến và kinh doanh, ông có bao giờ ray rứt?

- Chúng tôi đang đón đầu và đi theo xu hướng của thế giới. VNG đang làm ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu giải trí của khách hàng. Khi một số người dùng chơi quá nhiều, chơi sai mục đích... ảnh hưởng đến sức khỏe, học hành... Chúng tôi cảm thấy phải có trách nhiệm.

Trong rất nhiều cuộc thảo luận với cơ quan quản lý, chúng tôi đã đưa ra ý kiến của mình để cải thiện tình hình này như việc quản lý các tiệm internet. Ở Việt Nam, trẻ em có thể thoải mái đi khắp nơi mà chịu rất ít sự kiểm soát.

Chúng tôi có kiến nghị các tiệm internet không cho trẻ dưới 16 tuổi chơi game khi không có người lớn đi kèm. Đây cũng là biện pháp mà rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nhưng đề nghị của chúng tôi chưa có phản hồi.

* Ông có sợ con mình nghiện game?

- Có chứ! Đứa trẻ nào cũng thích chơi game, con tôi cũng thế, nhưng con tôi chơi phải có điều kiện, chúng phải ngoan, học xong bài vở và chơi có kiểm soát.

Tôi khẳng định, game không hề xấu nhưng người dùng lạm dụng thì không tốt. Trong tất cả mọi lĩnh vực, không có sự lạm dụng nào là tốt!

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Baomoi.com

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0