Cập nhật: 05/03/2012 |
Không có lãnh đạo điện tử, khó xây Chính phủ điện tử |
|
Chính phủ điện tử (CPĐT) sẽ khó trở thành hiện thực nếu không có được đội ngũ lãnh đạo điện tử - lãnh đạo “cấp trưởng” thấu hiểu những việc cần/nên làm để CNTT phát huy vai trò hạ tầng nền của mọi kết cấu hạ tầng trong đời sống. Rất nhiều dự án CNTT-TT hướng tới xây dựng CPĐT tại VN đang được triển khai.
|
|
|
Chính phủ và các Bộ ngành mới chỉ đề cập tới việc đào tạo cán bộ công chức điện tử, chưa quan tâm tới đào tạo lãnh đạo điện tử. Ảnh: X.B
|
Đã có những dự án chậm tiến độ hoặc không đạt hiệu quả vì lãnh đạo cao nhất của cơ quan vẫn xếp CNTT-TT vào dạng thứ yếu so với nhiều lĩnh vực khác. “Trong các văn bản quy định trước đây, Chính phủ chưa đặt nhiều vấn đề về lãnh đạo điện tử. Đã đến lúc phải nghĩ đến các khái niệm e-everything (mọi thứ điện tử) và e-everybody (mọi người điện tử)”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định. Thời gian qua, Chính phủ và một số Bộ, ngành đã chú trọng tới một số nhân tố cơ bản để xây dựng CPĐT như công dân điện tử (e-citizen), cán bộ công chức điện tử song chưa có văn bản nào đề cập tới khái niệm lãnh đạo điện tử.
Chia sẻ băn khoăn của phóng viên BĐVN về việc Bộ TT&TT có định hướng xây dựng và phát triển đội ngũ lãnh đạo điện tử ở VN hay không, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT mô tả hiện trạng đào tạo bồi dưỡng CNTT-TT trong các cơ quan Nhà nước, trong đó phân chia cụ thể thành 4 loại đối tượng: Một là, các cán bộ công chức nói chung trong hệ thống cơ quan Nhà nước, từ trước năm 2006 đã có nhiều chương trình đào tạo kỹ năng sử dụng máy tính, hệ thống CNTT. Hai là cán bộ chuyên trách về CNTT gồm kỹ thuật viên, kỹ sư CNTT có nhiệm vụ đảm bảo hệ thống CNTT được triển khai trơn tru, giúp cán bộ công chức có thể khai thác vận hành hệ thống CNTT một cách hiệu quả. Hàng năm, các Bộ, ngành địa phương đều có chương trình đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ này. Ba là Giám đốc CNTT (CIO) trong các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, địa phương. Năm 2011, Bộ TT&TT đã xây dựng chương trình đào tạo tương đối chuẩn mực dành cho các CIO này, học tập kinh nghiệm quốc tế và có một số chuyên đề đặc thù VN. Và đối tượng thứ tư là lãnh đạo cơ quan Nhà nước, những người giữ vai trò quan trọng, thậm chí có tính chất quyết định, trong việc quyết tâm ứng dụng CNTT để cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan Nhà nước. Đây chính là đối tượng phải học cách “điện tử hóa” bản thân để đạt tiêu chuẩn “lãnh đạo điện tử”. Nhưng hiện chưa có chương trình đào tạo bài bản nào được đưa ra đối với họ.
Cần lưu ý, theo nhiều chuyên gia CNTT-TT, tiến độ xây dựng CPĐT ở VN giai đoạn 2011 - 2015 đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi rất nhiều dự án CNTT-TT dù được duyệt (như dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai...) vẫn không thể triển khai do không qua được “ải” Nghị quyết 11/CP về cắt giảm chi tiêu công. Mấu chốt cũng bởi lãnh đạo cho rằng còn nhiều công việc khác cấp bách hơn ứng dụng CNTT-TT nói chung và xây dựng CPĐT nói riêng. Nếu có lãnh đạo điện tử thì mọi việc có thể sẽ khác.
Theo Ictnews.vn |