Các doanh nghiệp lĩnh vực CNTT không chỉ bị ảnh hưởng bởi Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm chi tiêu công (xem bài viết có liên quan tại đây) mà còn vướng khi thực hiện Nghị định 102/2009/NĐ–CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước…
|
Năm 2012, FPT IS hướng ra làm ăn với các nước như: Arab Saudi, Nigeria, Myanmar... |
Ông Dương Dũng Triều, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) cho biết, năm 2011 là một năm thực sự khó khăn không chỉ với FPT IS mà với hầu hết các doanh nghiệp lĩnh vực CNTT Việt Nam. Khó khăn xuất phát từ nguyên nhân bối cảnh kinh tế vĩ mô, lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao cũng như việc cắt giảm các dự án đầu tư công của Nhà nước…
Khó khăn thể hiện cụ thể trong kết quả kinh doanh của FPT IS. Trong năm 2011, FPT IS có rất ít dự án có mức đầu tư lớn. Lĩnh vực phần mềm tăng trưởng thấp ở mức 18%. Các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hầu như bị “đóng băng”.
Từ tháng 10/2011, hầu như không có dự án tích hợp nào từ vốn ngân sách nhà nước được ký, do ảnh hưởng từ quy trình đầu tư phức tạp của Nghị định 102. Không chỉ FPT IS vướng Nghị định 102 mà rất nhiều doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực cũng kêu vướng khi khi thực hiện Nghị định này.
Năm 2011, nhiều chủ đầu tư dù đã được cấp kinh phí song lại không có dự án CNTT nào được triển khai. Một trong những điểm bất cập nhất chính là quy định về quy trình thực hiện dự án đầu tư ứng dụng CNTT.
Nghị định 102 quy định quy trình thực hiện dự án đầu tư ứng dụng CNTT phải trải qua 3 giai đoạn, với 8 bước tuần tự. Mỗi bước đều cần phải phê duyệt: gồm chuẩn bị đầu tư (xin chủ trương, lập dự án tổng mức đầu tư, thiết kế sơ bộ), thực hiện đầu tư (thiết kế thi công, tổng dự toán, lựa chọn nhà thầu, triển khai thực hiện), kết thúc đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng. Như vậy, trung bình 1 dự án với tổng đầu tư là 20 - 100 tỷ đồng cần phải đợi hàng năm; các dự án dưới 20 tỷ đồng mất khoảng 6 tháng. Trong khi rất nhiều dự án CNTT đòi hỏi phải được triển khai nhanh để đáp ứng yêu cầu các quy trình nghiệp vụ.
Quy trình này khiến chủ đầu tư và nhà thầu gặp nhiều khó khăn vì thời gian triển khai dự án bị kéo dài, đặc biệt giai đoạn thực hiện đầu tư phải mất 6 tháng trở lên, có khi tới 1 năm. Đến lúc đó thì công nghệ đã cũ. Trong khi đó, chủ đầu tư và đối tác thực hiện các dự án CNTT theo các phương pháp vận dụng của nước ngoài đã nhiều năm, ví dụ, khảo sát, phân tích, thiết kế… nhưng quy trình triển khai dự án CNTT quy định tại Nghị định 102 lại giống với đầu tư xây dựng cơ bản.
Theo ông Dương Dũng Triều, nếu không cải tiến các bước trong quy trình thực hiện dự án đầu tư ứng dụng CNTT thì việc triển khai dự án CNTT sẽ rất chậm, ảnh hưởng tới tiến độ cải cách thủ tục hành chính nói chung. Khi chủ đầu tư gặp vướng mắc trong quy trình thực hiện đầu tư dẫn đến chậm đầu tư sẽ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp CNTT.
Tại Hội thảo Vietnam ICT Insight, do Hội Tin học Việt Nam tổ chức giữa tháng 1/2012, lãnh đạo Bộ TTTT cho biết sau khi nhận được văn bản kiến nghị cụ thể của các hội, hiệp hội CNTT-TT, Bộ TTTT (trực tiếp là Cục Ứng dụng CNTT) sẽ tổng hợp lại tất cả ý kiến để nghiên cứu sửa đổi Nghị định 102 trong thời gian tới.
“Trong thời gian chờ sửa đổi, FPT IS hướng đến các mảng thị trường khác nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận như: Cung cấp dịch vụ giá trị giá tăng trên điện thoại di động; Triển khai hạ tầng viễn thông; Kinh doanh dịch vụ công cho nhân dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh các dịch vụ hàng loạt như hải quan điện tử, thuế điện tử, chữ ký số; Tham gia vào thị trường tư vấn… Đặc biệt là tìm kiếm các cơ hội từ thị trường nước ngoài như: Arab Saudi, Nigeria, Myanmar...”, ông Triều chia sẻ.
Ông Triều cho biết thêm, năm 2012, FPT IS chủ trương lựa chọn tỷ lệ tăng trưởng hợp lý, tiết kiệm chi phí và tăng cường giữ chân người giỏi. Công ty này sẽ đẩy mạnh các chương trình hợp lực nội bộ trong công ty; Quản lý tốt các hướng kinh doanh mới, tiết kiệm chi phí hoạt động và kiểm soát chặt chẽ nhân sự - chủ trương sẽ không tăng người, đồng thời tiếp tục đổi mới chế độ đãi ngộ...
Theo Pcworld.com.vn