Nhiều dự án bị cắt giảm
Năm 2011 là năm nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá khó khăn, lạm phát và lãi xuất ngân hàng tăng cao. Để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, cuối tháng 2/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP. Tuy nhiên, sau 1 năm nghị quyết 11 triển khai, nhiều doanh nghiệp cho biết các dự án CNTT thuộc khối nhà nước đã bị ảnh hưởng lớn.
|
Thứ trưởng, Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng (thứ 3 từ phải qua) tham quan mô hình một cửa điện tử tại Bình Dương năm 2010 |
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội tin học TP.HCM, cho biết năm 2011 doanh nghiệp cung cấp giải pháp tích hợp (SI) trải qua một năm gặp nhiều khó khăn khi lãi suất vay cao, thanh toán chậm do ảnh hưởng của Nghị quyết 11 từ đó hiệu quả kinh doanh lợi nhuận thấp.
Đối với công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt, sau khi Nghị quyết 11 được thực thi, 80% dự án mảng nhà nước dừng hẳn không triển khai, 20% bị chậm tiến độ triển khai.
“Hàng năm cứ vào khoảng tháng 10 là phải lập ngân sách kế hoạch cho quý 4 và năm sau. Tháng 1, các tỉnh có kế hoạch phân bổ vốn cho từng dự án. Doanh nghiệp triển khai tư vấn, lập dự án xong, chuẩn bị tiến hành thì đến tháng 2/2011 Nghị quyết 11 được ban hành, toàn bộ các dự án đó bị đình lại. Thậm chí có nhiều dự án phê duyệt xong rồi, chỉ còn mua và lắp đặt trang thiết bị vẫn phải ngưng khiến đội tư vấn "lao đao"” ông Đặng Ngọc Đảnh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Giải Pháp Chính phủ của Lạc Việt cho biết.
Còn theo ông Châu Hoàng Tiến Sĩ, Giám đốc sản phẩm, Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm CMC, Nghị quyết 11 ban hành được một thời gian thì các doanh nghiệp không còn mặn mà với mảng giải pháp nhà nước nữa, mức độ đầu tư cũng không nhiều, doanh số giảm. Năm 2011, CMC đã ngưng triển khai 5 - 6 dự án.
Tốn thời gian nhưng “trắng tay”
Thông thường, một dự án của khối nhà nước thường kéo dài 6 tháng đến 1 năm. Cụ thể, từ lúc có chủ trương cho đến khi phê duyệt báo cáo, báo cáo đầu tư, báo cáo kỹ thuật, báo cáo thi công, từ đó mới ra được hồ sơ thầu và có được hợp đồng.
Để có được hợp đồng, chủ đầu tư phải lập dự án rồi trình qua Sở Kế hoạch Đầu tư thẩm định. Thời gian tiến hành thẩm định dự án mất khoảng 1 tháng. Đơn vị thực hiện phân tích đánh giá hiện trạng để từ đó đề xuất dự án cụ thể với chủ đầu tư. Khi trình dự án qua Sở Kế hoạch Đầu tư để thẩm định, theo quy định là 10 ngày nếu hồ sơ không có vấn đề. Còn nếu hồ sơ cần bổ sung một số thủ tục sẽ kéo dài thêm thời gian. Khi Sở Kế hoạch Đầu tư thông qua, có được tờ trình trình ủy ban mất khoảng trên 20 ngày.
Khi có quyết định của ủy ban, Sở Kế họach Đầu tư mới chính thức giao vốn, sau đó chủ đầu tư phải thẩm định giá mất khoảng 10 ngày, thêm thời gian chỉnh sửa thiết kế và phê duyệt thiết kế khoảng 2 tháng.
Như vậy, việc chuẩn bị cho một dự án CNTT tốn khá nhiều thời gian nhưng trong một năm qua, hầu hết các dự án khi chuẩn bị thực hiện thì bị giãn tiến độ, nhiều dự án thì ngưng.
Khi được hỏi về việc bồi thường chi phí của quá trình chuẩn bị, ông Đảnh cho biết, tại việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT, chưa đề cao giá trị đơn vị tư vấn, lập kế hoạch. Khi tư vấn, dự án được phê duyệt triển khai, khi cấp kinh phí mới trả tiền cho tư vấn. Còn nếu bị ngưng chi phí đó sẽ bị mất, không thể thu hồi, bởi lẽ tổng dự toán không có nên không có chi phí để trả cho tư vấn và khảo sát. Chính vì thế, nhiều DN theo đuổi dự án cả 6 tháng – 1 năm nhưng cuối cùng “trắng tay”.
Mới đây, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TTTT cho biết, 2012 Nghị quyết 11 vẫn tiếp tục triển khai, do vậy, các doanh nghiệp cần tìm cho mình hướng đi phù hợp.
Trước tình hình đó, ông Sĩ cho biết, CMC sẽ mạnh dạn giảm đầu tư cho mảng giải pháp nhà nước. Bởi lẽ, khi đầu tư quá nhiều vào mảng đó nhưng thị trường không đủ để nuôi nguồn lực thì sẽ rất khó bám trụ. CMC sẽ tập trung nhiều hơn cho mảng giáo dục.
Đối với Lạc Việt, 2012 vẫn sẽ tiếp tục phát triển mảng các giải pháp nhà nước nhưng sẽ đẩy mạnh mảng giải pháp dành cho y tế, giáo dục hơn. Hiện nay, Lạc Việt sẽ tích hợp các giải pháp trên nền điện toán đám mây để tiết giảm chi phí cho người dùng. Cụ thể, với giải pháp thư viện điện tử trên nền điện toán đám mây, các trường đại học có thư viện số khổng lồ mà không phải mất 400 - 500 triệu đồng vào đầu tư hạ tầng công nghệ, không gian, chi phí bảo trì bảo dưỡng máy móc v.v…
Theo Pcworld.com.vn