|
Đến nay, TMĐT vẫn chưa trở thành ngành học chính thức trong hệ thống GD - ĐT của Việt Nam. |
Đến giờ, tại VN đã có ngành TMĐT chưa, thưa ông?
Theo khảo sát các năm 2010 và 2011 của Cục TMĐT & CNTT, cả nước có khoảng 80 trường ĐH, CĐ đang đào tạo các môn học liên quan đến TMĐT như các môn Hệ thống thông tin (trong kinh tế và CNTT), Lập trình, Quản trị DN và logistics…; đào tạo để ứng dụng Internet vào hoạt động SX-KD thương mại và phát triển thị trường cho các tổ chức, DN. Tuy nhiên, TMĐT vẫn chưa được công nhận chính thức là một ngành học như các ngành Tài chính - Ngân hàng, Hệ thống thông tin quản lý, CNTT,… Nhiều trường đã đề nghị các cơ quan hữu quan "vào cuộc" để TMĐT được công nhận là một ngành ở cấp bậc ĐH. Một số trường tích cực xây dựng và hình thành một số chuyên ngành liên quan tới TMĐT (như ĐH Thương mại đã có chuyên ngành TMĐT trong ngành Quản trị kinh doanh). Tuy nhiên, để có được ngành TMĐT thì phải được Bộ GD&ĐT quyết định thông qua. Cục TMĐT và CNTT đang làm việc với một số Bộ, ngành hữu quan để các chuyên ngành liên quan tới TMĐT được công nhận một cách rộng rãi.
|
TS. Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT . |
Trong khảo sát của Cục TMĐT & CNTT có thống kê số lượng ứng viên thi tuyển vào các khối học liên quan tới TMĐT hay không? Ông có thể cho biết số lượng này những năm gần đây có xu hướng tăng hay giảm như hiện trạng tuyển sinh của ngành CNTT-TT?
Chuyện một ngành học nào đó "hot" ở thời điểm này nhưng lại không "hot" ở thời điểm khác cũng là bình thường. Nhìn vào ngành CNTT-TT, khi thị trường bão hòa, không cần nhiều lập trình viên (coding) mà cần nhiều người lập trình trong lĩnh vực tự động hóa, phát triển ứng dụng trong trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu… thì "đầu vào" tuyển sinh sẽ biến đổi theo nhu cầu của thị trường. Điều đó không có nghĩa là ngành lập trình viên đã "hết thời" mà thực ra nhiều sinh viên đã tìm thấy cơ hội lớn hơn khi chạy sang một số chuyên ngành khác vẫn liên quan tới CNTT-TT nhưng có tính chất phục vụ chuyên ngành, "thực dụng" hơn cho nhu cầu của đời sống. Chẳng hạn như nhiều học sinh bỏ thi tuyển vào các khoa CNTT mà chuyển sang khoa Điện tử - Viễn thông để học về điều khiển các hệ thống SCADA, lập trình PLC, CAD/CAM…Vì chưa chính thức có ngành TMĐT nên chúng tôi không thể thống kê số lượng chính xác thí sinh đăng ký tuyển sinh vào lĩnh vực này
Người ta hay nói "Không thày đố mày làm nên". Liệu đội ngũ giảng viên của các môn học liên quan tới TMĐT ở VN đã đảm bảo chất và lượng, thưa ông?
Nhiều cơ sở đào tạo chính quy muốn được triển khai đào tạo TMĐT song lại gặp khó khăn ở khâu giảng viên và bằng cấp, chứng chỉ cho giảng viên hành nghề. Đội ngũ giảng viên TMĐT ở VN vẫn "mỏng". Nhiều cán bộ quản lý và giáo viên đã đào tạo, học tập ở các nước phát triển về các ngành/ môn học như hệ thống thông tin, quản trị TMĐT (e-commerce), kinh doanh điện tử (e-business)…, song cũng không ít giảng viên của các chuyên ngành khác tự nghiên cứu, học tập rồi “chuyển ngang" sang giảng dạy TMĐT. Ở VN cũng chưa có quy định nào về bằng cấp, chứng chỉ TMĐT đối với giảng viên. Không ít trường ĐH, CĐ đặt ra vấn đề cần đào tạo giảng viên TMĐT trước khi đào tạo học sinh, sinh viên và phải cấp bằng, chứng chỉ cho những giảng viên TMĐT để họ vững tin khi đứng trên bục giảng (giống như chứng chỉ hành nghề tư vấn thuế, kiểm toán, kế toán...).
Cục TMĐT &CNTT đang định hướng áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến cho TMĐT. Tuy nhiên, các bằng cấp, chứng chỉ của e-learrning vẫn chưa được công nhận về giá trị như bằng cấp, chứng chỉ của hoạt động đào tạo truyền thống. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Phương thức e-learning được chúng tôi đề xuất áp dụng nhằm giảm chi phí đào tạo. Một số cơ sở ở VN đã áp dụng phương thức giảng dạy trực tuyến (online) nhưng thi tuyển theo phương thức truyền thống hoặc tổ chức thi trực tuyến với sự giám sát chặt chẽ để không có chuyện gian lận, giả mạo. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ sở đào tạo nào áp dụng trực tuyến 100% việc đào tạo TMĐT. Cục TMĐT & CNTT giữ vai trò quản lý Nhà nước về vấn đề đào tạo chính quy TMĐT nhưng không quản lý việc cấp bằng online. Chúng tôi vẫn chủ trương khuyến khích áp dụng đào tạo, trao đổi trực tuyến nhưng việc cấp bằng, chứng chỉ trực tuyến cần khảo sát thêm về nhu cầu và điều kiện tổ chức thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
Rất khó có được một loại bằng chuyên sâu về TMĐT. Theo kinh nghiệm ở châu Mỹ, Úc, Ấn Độ… các trường có thể đề xuất với cơ quan chức năng cho phép trong khoảng thời gian nhất định cấp một số loại bằng cấp tổng hợp nhiều chuyên ngành như bằng quản trị kinh doanh và CNTT, quản trị kinh doanh và TMĐT... Tên bằng có thể thay đổi đáp ứng sự biến động thực tế. Cục TMĐT & CNTT sẽ trao đổi với Bộ GD&ĐT về việc chấp nhận loại bằng tổng hợp như vậy tại VN. Dự kiến năm 2012, Cục TMĐT & CNTT sẽ tiến hành khảo sát thường niên về đào tạo TMĐT, tập trung khảo sát về yêu cầu của các giảng viên các môn học, chuyên ngành liên quan tới TMĐT. Cục đang tập hợp mạng lưới giảng viên đào tạo TMĐT chính quy, xây dựng một website với CSDL chung và tiến tới xây dựng cổng thông tin chung để các giảng viên trao đổi kinh nghiệm; các trường chia sẻ giáo trình, học liệu điện tử.
Theo Ictnews.vn