Thứ bảy, 18/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 24/02/2012
Sau viễn thông, Viettel nuôi khát vọng vị trí số 1 về CNTT

Mới "chân ướt, chân ráo" vào lĩnh vực CNTT khoảng 2 năm nay nhưng Viettel đang tự tin tiến tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam vào năm 2015.

VT.jpg
Viettel giới thiệu các giải pháp CNTT cho các đại biểu tham quantại Hội nghị Tổng kết công tác khoa học kỹ thuật giai đoạn 2006 – 2011 ngày 23/2/2012. Ảnh: TK

Tiến vào thị trường CNTT với cách làm khác biệt

Gần 2 năm nay, rất nhiều người băn khoăn chuyện khi Viettel tham gia thị trường CNTT thì sẽ xảy ra câu chuyện gì đối với các doanh nghiệp phần mềm. Trong bối cảnh cả nước đã có tới hơn 1.000 doanh nghiệp phần mềm, trong đó có nhiều “cây đại thụ” như FPT, CMC,… liệu có xảy ra việc Viettel sẽ thâu tóm, sáp nhập một vài “ông lớn, ông nhỏ” để nhanh chóng trở thành “số 1 Việt Nam" hay không.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết: "Từ trước đến nay, trong mọi lĩnh vực hoạt động, Viettel luôn tìm ra cách đi khác so với các doanh nghiệp, đối thủ cạnh tranh. Với lĩnh vực CNTT, phần mềm cũng vậy, nếu Viettel vẫn làm theo cách giống như 1.000 doanh nghiệp CNTT kia đang làm thì sẽ dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt và không biết điều gì sẽ xảy ra. Trên thực tế, Viettel đã và đang chọn cách đi khác, mở ra một không gian mới ngoài không gian mà 1.000 doanh nghiệp kia đang làm. Trong khi 1.000 doanh nghiệp kia chỉ tập trung đưa ứng dụng CNTT vào đời sống thì Viettel định hướng đưa ứng dụng CNTT và viễn thông đến với từng người dân, từng hộ gia đình, doanh nghiệp. Không gian của cụm từ "...và viễn thông" sẽ giúp Viettel không va với không gian của các doanh nghiệp CNTT”.

Minh họa rõ hơn cho khái niệm “ứng dụng CNTT và viễn thông”, ông Hùng dẫn chứng ví dụ triển khai công tơ điện thông minh ở các hộ gia đình được tích hợp 1 sim điện thoại 3G để trả tiền qua điện thoại di động, không cần người đến thu tiền điện hàng tháng (có thể áp dụng phương thức trả trước giống như thuê bao điện thoại di động trả trước). Hoặc hạ tầng viễn thông được đầu tư tới cấp xã của Viettel đang hỗ trợ triển khai các ứng dụng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu dân cư, y bạ điện tử, học bạ điện tử... Hay việc đưa băng rộng đến từng hộ gia đình kết hợp với việc đẩy nội dung của sách giáo khoa lên mạng sẽ giúp học sinh có thể tự học ở nhà tới 50% dung lượng kiến thức học ở trường, giảm số lượng giáo viên đứng lớp.

“Chỉ chữ "Và" đó thôi cũng sẽ làm cho thị trường CNTT theo cách hiểu truyền thống tăng trưởng lên khoảng chục lần, qua đó giảm chi phí xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Hùng nhấn mạnh.

5 lợi thế để Viettel đặt niềm tin

Dù rằng “chậm bước” vào thị trường CNTT hơn nhiều doanh nghiệp phần mềm, CNTT lớn khác song Viettel rất tự tin vào khả năng hiện thực hóa mục tiêu của mình bởi Tập đoàn này đang sở hữu 5 lợi thế mà các doanh nghiệp phần mềm - CNTT khác không có được.

5 lợi thế được ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel liệt kê gồm: Thị trường hàng trăm triệu khách hàng trong và ngoài nước; Nguồn vốn lớn hàng chục nghìn tỷ đồng; Sở hữu mạng lưới hạ tầng lớn nhất Việt Nam, đội ngũ nhân viên kỹ thuật, kinh doanh được phân bổ rộng khắp cả nước, có ưu thế trong các dự án Viễn thông và CNTT quy mô lớn; Văn hóa làm việc có kỷ luật, sáng tạo và quyết liệt (xuất phát từ truyền thống “Anh bộ đội cụ Hồ” và văn hóa doanh nghiệp của Viettel); Được áp dụng cơ chế trả lương mới, cho phép Viettel có thể trả lương theo sự đóng góp, phấn đấu của từng cá nhân, giúp giải quyết được bài toán thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chiến lược bình dân hóa dịch vụ CNTT

Viettel sẽ làm cho CNTT trở thành dịch vụ bình dân tương tự như đã làm với lĩnh vực viễn thông. Tuyên bố này của Viettel đang nhen lên niềm hy vọng cho cộng đồng về việc được sử dụng các giải pháp, ứng dụng CNTT với chất lượng cao và chi phí hợp lý.

Vẫn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong mọi lĩnh vực dịch vụ, Viettel đều đặt ra chiến lược phổ cập như đã từng làm đối với dịch vụ điện thoại di động. Viettel đã chứng tỏ sự đúng đắn khi áp dụng chiến lược phổ cập di động, giúp người dân Việt Nam được hưởng lợi về giá cước, mở rộng vùng phủ và đảm bảo chất lượng mạng lưới. Tương tự, đối với mảng phát triển các ứng dụng CNTT, Viettel cũng mong muốn làm sao đưa các dịch vụ CNTT đến tay mọi người dân, doanh nghiệp.

“Việc phổ cập, bình dân hóa dịch vụ CNTT không đơn giản vì đến giờ, ngay cả ở các cơ quan quản lý Nhà nước, công ty lớn thì việc ứng dụng CNTT cũng vẫn rất hạn chế. Tuy nhiên, Viettel đã định hình được một cách rõ ràng hướng đi của mình, đó là khai thác các dịch vụ mới của điện toán đám mây cộng với khả năng kết nối gần như không giới hạn, qua đó có thể giảm giá thành đầu tư trên dịch vụ, đẩy được ứng dụng CNTT với giá rẻ đến tận tay người tiêu dùng cuối. Viettel xác định vai trò của mình là người khởi tạo - đầu tư trước các ứng dụng CNTT và thúc đẩy quá trình ứng dụng CNTT để quá trình này diễn biến nhanh hơn, tạo thói quen sử dụng ứng dụng CNTT trong cộng đồng, sau khi đã quen rồi thì cộng đồng sẽ tiếp tục nảy sinh ra thêm nhiều nhu cầu ứng dụng CNTT mới khác”, ông Hùng phân tích.  

Ba dự án CNTT trọng điểm

Từ năm 2008 trở lại đây, hàng trăm dự án phần mềm - CNTT đã được nghiên cứu phát triển và triển khai tại Viettel. Trong đó có 3 dự án trọng điểm nổi bật.

Một là, Dự án xây dựng triển khai hệ thống Bán hàng, Tính cước và Chăm sóc khách hàng (BCCS). Với dự án này, toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Viettel đã được tin học hóa, giúp điều hành và quản lý hơn 50 triệu thuê bao, 1.000 cửa hàng, 64 chi nhánh, 10.000 giao dịch viên, 25.000 cộng tác viên, quản lý doanh thu hàng tháng 5,000 tỷ đồng. Hệ thống cho phép quản lý đến chi tiết nhỏ nhất, có thể kiểm soát đến từng giao dịch của nhân viên giao dịch tại cửa hàng.

Hai là, Dự án Quản lý khai thác mạng viễn thông. Hiện tại, toàn bộ mạng lưới của Viettel, bao gồm mạng truyền dẫn 2G, 3G, mạng cố định, với hơn 30,000 node mạng đã được quản lý bằng CNTT, quản lý và xử lý sự cố theo thời gian thực. Toàn bộ các hoạt động của mạng lưới, tác động của nhân viên vào mạng lưới được giám sát, điều khiển từ xa. Bộ phận quản lý có thể kiểm soát chi tiết việc hoạt động, tiêu hao xăng/dầu đến từng trạm phát sóng.

Ba là, Dự án xây dựng phần mềm quản trị và điều hành doanh nghiệp. Với dự án này, toàn bộ tài sản của Tập đoàn trị giá hơn 30.000 tỷ đồng được quản lý chi tiết, chính xác trên hệ thống phần mềm; 25,000 cán bộ nhân viên Viettel được quản lý, đánh giá hiệu quả lao động và tính lương trên hệ thống phần mềm.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển đang được Viettel tập trung đầu tư mạnh mẽ cùng với khát vọng đưa ra thị trường những sản phẩm “Made in Vietnam, Made by Viettel”. Viện Nghiên cứu & Phát triển Viettel đang trở thành “cái nôi” của những thiết kế, sản phẩm của người Viettel. Bên cạnh đó, việc điều chuyển 2 nhà máy M1 (chuyên về điện tử) và M3 (chuyên về cơ khí, linh kiện) về cho Viettel quản lý, và việc thành lập Trung tâm Dây chuyền sản xuất thiết bị đã tạo nên một tổ chức hoàn chỉnh cho định hướng sản xuất thiết bị của Viettel. Với chủ trương chính sách thu hút nhân tài linh hoạt, Viettel đã có được một nguồn lực mạnh dành riêng cho hoạt động sản xuất thiết bị với gần 1.500 người, trong đó có rất nhiều người là tiến sĩ, là thạc sĩ đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này ở cả trong và ngoài nước.

Theo ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0