|
Hầu hết các cơ quan Nhà nước vẫn đang sử dụng phần mềm nguồn đóng. Ảnh: X.B. |
Tại buổi Tọa đàm "Định hướng Chính sách và giải pháp thúc đẩy ứng dụng, phát triển phần mềm mã nguồn mở Việt Nam năm 2012 và giai đoạn tiếp theo" do Bộ TT&TT tổ chức sáng nay, 22/2/2012, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ PMNM Việt Nam (VFOSSA) đã thẳng thắn nêu ra một loạt bức xúc, bất cập đang làm khó cộng đồng PMNM Việt.
Bức xúc đầu tiên được đề cập là hiện trạng thiếu cơ sở pháp lý về dịch vụ CNTT, trong đó có các định mức liên quan tới PMNM. "Trên thế giới, PMNM sống được không phải nhờ giấy phép bản quyền (license) mà chính là nhờ khâu làm dịch vụ. Thế nhưng ở Việt Nam hiện vẫn chưa có định mức về dịch vụ CNTT nói chung và PMNM nói riêng, dẫn tới hệ lụy các doanh nghiệp PMNM không có cơ sở để định giá và thu phí dịch vụ PMNM (hầu hết việc xây dựng và phát triển PMNM vẫn đang được tiến hành trên cơ sở đam mê, tự nguyện đóng góp cho cộng đồng - PV). Doanh nghiệp PMNM buộc phải lách bằng nhiều cách khác nhau để có thể sống được", ông Nguyễn Hồng Quang chia sẻ.
Một bất cập khác là thiếu sự hợp tác đồng bộ liên ngành để thúc đẩy sự phát triển PMNM trong các cơ quan Nhà nước. Cũng theo ông Quang, chỉ một mình Bộ TT&TT thôi thì không đủ mà cần có sự tham gia của nhiều Bộ ngành khác nữa. Chẳng hạn, liên quan tới vấn đề kinh phí đầu tư thì cần có sự chung tay của Bộ Tài chính, vấn đề nhân lực thì "dính dáng" tới Bộ Giáo dục & Đào tạo, vấn đề sử dụng PMNM trong cán bộ, công chức thì thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ, còn định hướng phát triển phần mềm cho quốc gia lại là nhiệm vụ của Bộ Khoa học & Công nghệ. Trên thực tế, thời gian qua giữa các Bộ vẫn chưa có sự liên kết, hợp tác với nhau, khiến cho nhiều quyết định, chính sách liên quan tới PMNM sau một thời gian dài ban hành vẫn không được thi hành, cộng đồng PMNM nhiều phen mừng rồi lại thất vọng.
Bên cạnh đó, hiện vẫn thiếu quy định về chuẩn quốc gia đối với PMNM. Bộ TT&TT cần nhanh chóng đưa ra các quy định mới về chuẩn mở, nền tảng mở, SaaS (coi phần mềm như một dịch vụ) và điện toán đám mây cho khu vực Chính phủ, để có sở cứ cho việc áp dụng PMNM một cách hiệu quả.
Thừa nhận Chính phủ và Bộ TT&TT đã ban hành khá nhiều văn bản, chính sách liên quan tới PMNM, tuy nhiên tác động còn hạn chế, ông Đỗ Trường Giang, Vụ CNTT cho biết Bộ TT&TT đang nỗ lực để cải thiện tiến độ xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển PMNM. Hướng đi cho Việt Nam trong năm 2012 và thời gian tới về PMNM dự kiến sẽ tập trung phát triển 4 lĩnh vực là ứng dụng trên máy trạm, ứng dụng trên máy chủ, ứng dụng nghiệp vụ - chuyên ngành, và nguồn mở nhúng trên thiết bị.
Việc đưa ra quy định bắt buộc sử dụng PMNM trong các cơ quan Nhà nước, cộng đồng xã hội và doanh nghiệp là không khả thi vì như vậy vi phạm luật chống độc quyền. Trong bối cảnh này, Bộ TT&TT đang và sẽ tham mưu cho Chính phủ khuyến khích các cơ quan Nhà nước và cộng đồng sử dụng PMNM bằng cách ban hành Danh mục PMNM và triển khai nhiều động thái tích cực khác như ban hành cơ chế thi đua khen thưởng những đơn vị, cá nhân điển hình ứng dụng và phát triển PMNM...
Lần đầu tiên tọa đàm trực tiếp với Bộ TT&TT trong vai trò Chủ tịch của một tổ chức đại diện chính thức cho cộng đồng PMNM Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Quang đã mạnh dạn đề xuất chương trình hợp tác giữa VFOSSA với Bộ TT&TT trong năm 2012.
Theo đó, VFOSSA sẽ tham gia phản biện, xây dựng các quy định pháp lý liên quan đến PMNM; cùng phối hợp điều tra thực trạng ứng dụng PMNM tại các doanh nghiệp, khả năng triển khai giải pháp PMNM của các doanh nghiệp CNTT trong cả nước, đánh giá chỉ số PMNM hàng năm; xây dựng cổng thông tin giải pháp và tài nguyên PMNM Việt Nam dùng chung; xây dựng điển hình ứng dụng PMNM tại Bộ TT&TT (đề cử đơn vị tham gia là Cục Ứng dụng CNTT hoặc Trung tâm CNTT) và 1 số tỉnh thành để có kinh nghiệm nhân rộng trong thời gian tới.
Theo www.ictnews.vn