Chủ nhật, 24/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 23/02/2012
Lại bàn chuyện kiên trúc CNTT-TT quốc gia

Vấn đề này được đặt ra từ nhiều năm trước.Hàng năm đều có hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) mà không ít báo cáo của hội thảo có đề cập đến kiến trúc CNTT-TT và những vấn đề liên quan. Thế nhưng,đến thời điểm này kiến trúc quốc gia về CNTT-TT vẫn đang là một câu hỏi chưa có giải đáp khả dĩ!

Các dự án CNTT-TT nói chung mang tính rủi ro cao.Ở nhiều nước cho thấy chỉ có khoảng 25% số các dự án đầu tư cho ứng dụng CPĐT là thành công, còn lại chỉ đạt được một phần, thậm chí không ít dự án thất bại hoàn toàn. Các hệ thống thông tin trong các ứng dụng này phải đảm bảo tính tích hợp cao, vì thế có thể coi việc xây dựng các dự án CNTT-TT của một quốc gia không khác gì xác định các công đoạn xây dựng một công trình,nên cần phải có một bản thiết kế tổng thể.Đó chính là kiến trúc CNTT-TT quốc gia.  Nhìn ra thế giới thì từ năm 2002, Phòng Quản Trị Ngân Sách thuộc Văn Phòng Tổng Thống Mỹ đã có quy định ngân sách xây dựng và triển khai kiến trúc CNTT (ITA) quốc gia, nhằm mục tiêu xác định khả năng nâng cấp công nghệ, tránh chồng chéo, nâng hiệu quả đầu tư; tạo khả năng khai thác các nguồn lực CNTT theo chiều ngang (bộ, ngành) và tích hợp chiều dọc (từ Trung ương tới địa phương), ứng dụng các hoạt động thực tiễn có hiệu quả, cải thiện việc quản lý trong các cơ quan nhà nuớc; hỗ trợ cho CPĐT. Nhiều nước cũng đã xây dựng ITA cho đất nước mình. Gartner xem đây là yếu tố quyết định thành công trong triển khai CPĐT và các ứng dụng CNTT khác. Nhật bản đã xây dựng được một cơ sở hạ tầng CNTT –TT vào loại hàng đầu thế giới với hệ thống kiến trúc thông tin quốc gia gồm 3 mạng: KWAN là mạng diện rộng kết nối các mạng LAN của các bộ, ngành, LGWAN là mạng diện rộng toàn quốc kết nối các mạng LAN của chính quyền các tỉnh, thành phố; mặt khác kết nối  với mạng KWAN, JYUKINet là mạng quản lý thông tin người dân như mã số điện tử, tên, tuổi, địa chỉ, giới tính,nghề nghiệp... Hệ thống thông tin này được kết nối với các mạng khác trong kiến trúc thông tin quốc gia,đảm bảo dịch vụ công tới người dân. Quá trình xây dựng, phát triển và đưa các dịch vụ công trực tuyến đến người dân ở Nhật bản đã bước vào giai đoạn liên kết hoạt động đồng bộ giữa các dịch vụ công của các đơn vị hành chính khác nhau. Trên thế giới, các nước thực sự bước vào giai đoạn này đang còn  ít dù họ là các nước đi đầu trong việc phát triển CPĐT.

Ở nước ta, cũng đã hình thành một kiến trúc CNTT-TT quốc gia. Đây cũng chính là mô hình kiến trúc CPĐT.Về mặt tổ chức,mô hình có thể hình dung: Cấp nhà nước có Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT-TT, Bộ TTTT, Ban Cơ yếu Chính phủ,Ban chỉ đạo  CNTT các cơ quan Đảng.Ban này một mặt triển khai áp dụng CNTT-TT trong bộ máy Đảng, mặt khác tham mưu những chủ trương của Đảng về CNTT-TT, trong đó có CPĐT như Chỉ thị 58-CT-TƯ ngày 17/10/2000 .  Ở cấp bộ thì có các cục CNTT hay cục Thống kê và Tin học… Ở tỉnh, thành có sở TTTT. Những năm qua, theo hệ thống tổ chức này, CPĐT ở nước ta đã làm được nhiều việc, sản sinh ra không ít nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư liên quan. Tuy văn bản nhiều, nhưng vẫn còn những lỗ hổng về pháp lý, không ít vấn đề còn vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề cần sự phối hợp giữa các ngành, các tổ chức (như xây dựng CSDL quốc gia, cách chi tiêu ngân sách CNTT-TT)…Theo mô hình tổ chức này, ở cấp quốc gia, người chịu trách nhiệm trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT-TT không phải là người đứng đầu (Thủ tướng) mà là cấp phó (Phó Thủ tướng). Ở các bộ ngành,trưởng ban chỉ đạo về CNTT-TT cũng là cấp phó,(thứ trưởng). Ở cấp tỉnh, thành cũng vậy. Mô hình kiến trúc này cũng chưa làm rõ mối quan hệ chỉ đạo và được chỉ đạo giữa các tổ chức CNTT-TT của Đảng và Nhà nước. Về thông tin của hệ thống thì chúng ta đã rất quan tâm đến việc xây dựng CSDL quốc gia. Đã hàng mấy chục năm rồi các ngành đang xây dựng CSDL cho ngành mình và một số CSDL được xác định là CSDL quốc gia.Tuy nhiên chưa một CSDL quốc gia nào được gọi là hoàn chỉnh! Đáng mừng là những năm gần đây, CP tập trung  triển khai xây dựng CSDL quốc gia về địa lý,về dân cư. Về CSDL địa lý được Quyết định 1867/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường làm 2 Dự án: (1) Thành lập CSDL nền GIS ở tỷ lệ 1:10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước và (2) Thành lập CSDL nền GIS ở tỷ lệ 1:2000; 1:5000 cho các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm. Thời gian thực hiện từ năm 2008 đến 2011 với tổng mức dự toán kinh phí là 552.515 tỷ đồng.Tại Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010, Chính phủ quy định về CSDL quốc gia về Dân cư và giao cho Bộ Công an chịu trách nhiệm. Theo đó, thông tin của công dân được thu thập, cập nhật gồm nhiều chỉ tiêu: Số định danh cá nhân; Ảnh chân dung; Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Giới tính; Nơi sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; CMND; Hộ chiếu; Thẻ bảo hiểm y tế; Mã số thuế cá nhân; Học vấn; Trình độ chuyên môn kỹ thuật; Nghề nghiệp, nơi làm việc; Tình trạng hôn nhân; Nơi thường trú; Nơi ở hiện tại; Họ tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha mẹ vợ chồng; Họ tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ, số sổ hộ khẩu. Nghị định 90 cho thấy tham vọng lớn của Chính phủ về CSDL dân cư quốc gia. Thông tin của người dân cần thu thập không chỉ liên quan danh tính mà còn đến nhiều khía cạnh khác như sức khỏe, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, thuế thu nhập cá nhân, cư trú…Nghị định 90 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Tuy vậy, việc xây dựng CSDL Dân cư cần có lộ trình, trước hết phải xây dựng cho được CSDL gồm các tiêu chí cơ bản liên quan đến giấy khai sinh, CMND (có thể gọi là CSDL định danh). Những tiêu chí khác như sức khỏe, học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật… sẽ được cập nhật sau. Sau khi có CSDL định danh, các ngành sẽ bổ sung làm tiếp CSDL liên quan đến ngành mình. Chẳng hạn, Bộ Công an bổ sung để có được CSDL Dân cư; Bộ Y tế xây dựng CSDL về sức khỏe người dân; ngành Thuế xây dựng CSDL về thuế thu nhập cá nhân; Bộ GDĐT về học vấn; Bộ Nội vụ về công dân; Bộ LĐ-TB-XH về việc làm… CSDL định danh cần làm ngay, bằng nhiều biện pháp rốt ráo để đảm bảo thành công. Có thể xem đây là một bước đột phá, làm cơ sở cho các ngành xây dựng CSDL của ngành mình.Cần xây dựng mối liên hệ giữa các bộ, ngành và phải có mối liên hệ giữa các bộ, ngành với hệ thống CNTT-TT của Đảng; Cần quan tâm đến thông tin các đợt điều tra nhà nước như điều tra dân số và nhà đất 1/4/2009 để kiểm tra tính đúng đắn của các hệ CSDL quốc gia đang xây dựng. Về xây dựng một số quy trình xử lý thông tin trong hệ thống thì chúng ta rất quan tâm đến các cổng thông tin của các bộ ngành và của các địa phương.  Nhà nước đã định ra 4 mức CPĐT và việc xây dựng CPĐT những năm sắp tới theo các mức này để đặt chỉ tiêu.Tuy nhiên, để có thể đánh giá hiệu quả một cách khách quan, nếu chỉ căn cứ vào khả năng của cổng thông tin đạt đến mức nào thì vẫn mang tính hình thức. Muốn đánh giá một cách thực chất thì mỗi mức cần chỉ ra số lượng được truy cập, số lượng được phục vụ, tỷ lệ phần trăm so với nhu cầu, chỉ tiêu hiệu quả của từng mức.Chẳng hạn, việc đăng ký thành lập DN qua mạng phải đánh giá theo nội dung của Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của CP. Theo mục c, điều 9, Tổ chức xây dựng, quản lý hệ thông tin về đăng ký kinh doanh trong phạm vi toàn quốc, xây dựng CSDL quốc gia về đăng ký kinh doanh để hỗ trợ cho các nghiệp vụ về đăng ký kinh doanh, thu thập, lưu giữ, xử lý thông tin về đăng ký kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh cho các cơ quan có liên quan của CP, cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu… Như thế, việc tổ chức đăng ký thành lập DN qua mạng phải đảm bảo các yêu cầu đó của nghị định mới được xem là hiệu quả.Việc lựa chọn các dịch vụ hành chính công từ nay đến năm 2015 để đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện không chỉ chọn những việc dễ làm mà trước hết phải chọn thực hiện những dịch vụ nhất thiết phải làm. Chẳng hạn, Đề án 30 rất thiết thực với đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước nên những dịch vụ về CPĐT liên quan đề án 30 phải làm cho được. Ban Chỉ đạo CNTT-TT phải phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC), đảm bảo sự đồng bộ giữa ứng dụng CNTT và CCHC trong chỉ đạo, ứng dụng CNTT từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương các cấp.Cần xem lại việc đặt mục tiêu cung cấp qua mạng 15 dịch vụ hành chính công tối thiểu ở mức 3 từ nay đến 2015 của Bộ TTTT. Cần có sự liên kết với các viện, trường ĐH tìm phương pháp đánh giá hiệu quả CPĐT và CNTT-TT để đánh giá sâu hơn về bản chất chứ không chỉ qua các con số tổng số, phần trăm cho hầu hết các hoạt động của CPĐT như hiện nay.

Một số đề xuất xung quanh xây dựng kiến trúc CNTT-TT quốc gia.

1.Hoàn chỉnh Tổ chức chỉ đạo và điều hành CNTT-TT quốc gia. Thủ tướng phải là người đứng đầu tổ chức này. Có thể không phải là Ban chỉ đạo mà là Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT. Theo website của Hội Tin học thì ngày 17/2/2012, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc chuẩn bị chuyển đổi mô hình Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT-TT theo hướng thành lập Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Điều này hiện thực càng sớm càng có lợi cho phát triển CNTT-TT ở nước ta.

2.Rà soát,hiệu chỉnh,hoàn thiện mô hình kiến trúc CNTT-TT quốc gia. Ở Việt Nam hiện nay, trong chiến lược và các kế hoạch được Thủ Tướng phê duyệt đã có hàng trăm dự án. Tuy nhiên, cần rà soát lại, xây dựng cơ chế lồng ghép để tránh trùng lắp và làm rõ một số vấn đề như quan hệ giữa các dự án , điều kiện gì để thực hiện,những vấn đề đặt ra khi triển khai ở địa phương,tính hiệu quả,sự phát triển công nghệ… Những vấn đề đó chỉ được làm rõ khi đã xây dựng được một mô hình kiến trúc CNTT-TT hoàn chỉnh.Kiến trúc CNTT-TT Việt nam (VNITA) sẽ được phân thành các lớp: 1) Lớp hạ tầng: bao gồm các kiến trúc hạ tầng truyền thông, hạ tầng an toàn thông tin, hạ tầng pháp lý. 2) Lớp kiến trúc cơ sở dữ liệu. 3) Lớp kiến trúc middleware 4) Lớp kiến trúc ứng dụng .

Như vậy, VNITA sẽ mang lại một hệ thống thống nhất, có chất lượng và độ tin cậy cao, có hiệu năng sử dụng cao, đảm bảo tính phối hợp và tập trung nguồn lực trên phạm vi quốc gia.Rõ ràng VNITA sẽ là cơ sở cho việc hoạch định và triển khai một cách có hệ thống các dự án ứng dụng CNTT-TT.

3. Riêng về mặt công nghệ cho kiến trúc CNTT-TT quốc gia cần hết sức lưu ý đến những công nghệ phát triển trong những năm gần đây,đặc biệt là những công nghệ liên quan đến mô hình tính toán mây và những công nghệ xây dựng  trung tâm dữ liệu lớn. Một công việc có tính cấp bách được đặt ra là nghiên cứu xây dựng chiến lược Tính toán mây (TTM,thường được gọi là Điện toán đám mây) tổng thể mà trước mắt là xây dựng chiến lược TTM khả thi cho CPĐT ở nước ta. Mục tiêu là tìm cách đưa một mô hình tính toán thích hợp, chi phí thấp, linh hoạt, thân thiện với môi trường… vào quy trình xây dựng CPĐT nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ CNTT cho các cơ quan CP.

Để có một chiến lược khả thi cần tổ chức điều tra cơ bản hệ thống tính toán của CPĐT trong hệ thống CP, Đảng, Quốc hội: phần cứng, mạng, trung tâm dữ liệu, phần mềm, phần mềm dịch vụ, phần mềm nguồn mở, đội ngũ nhân sự… Đã có một số nơi khai thác dịch vụ TTM theo một mô hình như SaaS, FaaS, IaaS. Cần phân tích kỹ để rút ra bài học đầu tư hiệu quả như: chi phí, bảo trì, năng lượng… Đặc biệt là cách thức từng bước chuyển từ môi trường hiện hữu sang môi trường mây. Nội dung chiến lược bao gồm những vấn đề cơ bản của TTM như: khái niệm, các loại hình dịch vụ: Saas, FaaS, IaaS; mô hình mây: riêng (private), công cộng (public), liên kết (community), kết hợp (hybrid)… Mặt khác, phải phân tích lợi hại của TTM: hiệu quả, linh hoạt, mềm dẻo, giảm chi phí, giảm năng lượng; vấn đề bảo mật, an toàn thông tin… Đồng thời, cần phân tích nhu cầu chuyển qua mô hình mây của các ngành, các tổ chức; mô hình thích hợp cho các loại hình tổ chức, các bước đi thích hợp. Khi nhu cầu xây dựng trung tâm dữ liệu ngày càng lớn, việc đầu tư sẽ tốn không ít tiền của. Vì thế, chiến lược cần có sự đánh giá nhu cầu về trung tâm dữ liệu của tất cả các ngành và định hướng cho việc xây dựng hay là thuê và thuê ở mức nào? Chẳng hạn, những đối tượng không đòi hỏi bảo mật cao có thể thuê ngoài dịch vụ TTM hay đầu tư máy chủ, không phải nơi nào cũng cần, rồi hàng năm phải nâng cấp… Chiến lược cũng cần chỉ ra sườn công việc cần tiến hành trong từng giai đoạn và trách nhiệm của từng tổ chức. Để tiết kiệm ngân sách, trong các phương án đầu tư xây dựng hạ tầng, cần xem xét phương thức xây dựng mô hình TTM và ưu tiên cho những dự án thực hiện theo phương thức này. Cần đề xuất việc đào tạo cán bộ về tính toán lưới, TTM từ đại học đến sau đại học, nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo. Tính toán lưới, TTM là một ngành học riêng hay là một học phần trong một ngành học nào đó thuộc CNTT?

Cần có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu những vấn đề khoa học trong tính toán lưới, TTM. Ngoài ra, cần có dự án áp dụng cho những kết quả nghiên cứu của đề tài KC01-04/06-10… Cần tổ chức nghiên cứu bổ sung những điều khoản về TTM trong luật CNTT-TT. Không thể thiếu sự cân nhắc chọn lựa nơi (hãng) cung cấp dịch vụ TTM. Mỗi hãng cung cấp dịch vụ TTM đều có chiến lược phát triển TTM của mình. IBM có giải pháp đóng gói sẵn “IBM cloud burst”, Microsoft thì có Microsoft-V Cloud để xây dựng mây riêng, nhưng chỉ hoạt động với Windows, không tương thích với bất kỳ mây nào khác, kể cả Amazon EC2. Tuy nhiên, Microsoft đang cùng với các đối tác (Hyper-VCloud) như Dell, Fujitsu, Hitachi Ltd, HP, IBM, NEC… xây dựng một phần mềm cho mây riêng. Các hãng Intel, Cisco, HP… cũng đều có chiến lược của riêng mình. Có thể xem những điều nêu trên là những gợi ý về các biện pháp cần quan tâm để triển khai chiến lược.

Để nhanh chóng giải đáp vấn đề đặt ra, nên chăng Nhà nước giao Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng đề tài nghiên cứu về chiến lược TTM.

4.Cần huy động lực lượng nghiên cứu ở các trường ĐH và các viện nghiên cứu tham gia nghiên cứu hoàn thiện mô hình kiến trúc CNTT-TT quốc gia.

Nguyễn Lãm

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0