Cảnh báo thủ công, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng
Ở hầu hết các địa phương, hoạt động giám sát môi trường, cảnh báo thiên tai vẫn được tiến hành theo phương thức thủ công kém hiệu quả. Mỗi khi xảy ra vấn đề về môi trường, cách thức phổ biến nhất là lấy mẫu mang về trung tâm thử nghiệm, sau thời gian khá dài (có khi tới 15 ngày) mới đưa ra kết quả. Khi đó, mẫu đã khác xa so với thực tế, nhiều trường hợp sự cố môi trường, thiên tai đã xảy ra trước khi có thể đưa ra cảnh báo cho người dân.
Việc trang bị hệ thống giám sát môi trường, cảnh báo thiên tai với công nghệ hiện đại chưa được các tỉnh, thành quan tâm đúng mức. Chia sẻ về hiện trạng này, ông Trần Duy Bình, PGĐ Sở TT&TT Thanh Hóa dẫn chứng: "Mạng lưới trạm khí tượng, thủy văn, đo mưa trên địa bàn còn thưa nên một số nơi xung yếu ở ven biển, khu dân cư thuộc miền núi không cảnh báo được thiên tai, bão lũ, sạt lở. Hệ thống quan trắc của tỉnh không có các loại thiết bị để đo sóng biển, thủy triều, dòng chảy, dòng bùn cát, sạt lở đất... nên thiếu số liệu nhằm tính toán quy luật xói lở, bồi tụ bờ biển; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu thống nhất về thiên tai ở Thanh Hóa, thiếu cơ sở số liệu để tính hết được quy luật của thiên tai".
Thanh Hóa đã vận hành hệ thống giám sát lũ lụt, theo thiết kế thì mỗi khi có dấu hiệu cảnh báo, hệ thống sẽ gửi thông tin qua điện thoại cho những người có trách nhiệm nhưng hệ thống này hoạt động kém hiệu quả. Hệ lụy là tỉnh này năm nào cũng bị thiên tai, bão lũ tàn phá. Tổng giá trị thiệt hại do bão lũ gây ra trong 15 năm qua (1996 - 2010) ước tính lên tới 6.000 tỷ đồng (riêng năm 2007 khoảng 1.100 tỷ đồng), chưa kể nguy cơ dịch bệnh lây lan, hàng chục nghìn ha ruộng bị nhiễm mặn...
"Lời giải" = Ứng dụng CNTT-TT
Dự án thí điểm "Xây dựng hệ thống hạ tầng mạng giám sát môi trường , cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai", do Viện Công nghiệp Phần mềm & Nội dung số (NISCI) thuộc Bộ TT&TT hợp tác với Tập đoàn Panasonic Nhật Bản triển khai tại VN từ năm 2011 đang đem lại hy vọng cho nhiều địa phương về việc giảm thiểu thiệt hại thiên tai.
Hai địa phương đầu tiên tham gia thí điểm là Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại Đà Nẵng, lắp đặt hệ thống giám sát mực nước biển ở bãi biển Phạm Văn Đồng và hệ thống giám sát hoạt động tàu thuyền trên sông Hàn. Còn ở Cần Thơ, hệ thống giám sát đặt ở sông Hậu có gắn camera, cảm biến (sencor) thu nhận dữ liệu mực nước biển, gắn kết thiết bị đo ô nhiễm môi trường và độ nhiễm mặn; hệ thống này có thể mở rộng lắp đặt thêm cảm biến đo lưu tốc, chất lượng của nước để nhanh chóng có so sánh, đưa ra cảnh báo thiên tai và môi trường. Dữ liệu thu được từ các hệ thống giám sát sẽ tự động chuyển về cơ quan có trách nhiệm dự báo, cảnh báo môi trường và được phân tích, xử lý nhanh chóng tại trung tâm dữ liệu để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng về những thiên tai có thể xảy ra (công nghệ của các hệ thống giám sát này đã được ứng dụng hiệu quả tại Nhật Bản, thời gian phân tích dữ liệu đưa ra kết quả nhiều khi chỉ mất vài giây).
Công nghệ cao chắc hẳn sẽ đi kèm chi phí lớn, nhiều vị lãnh đạo địa phương sẽ quan ngại điều này khi nhận được đề xuất của bộ phận chuyên môn về việc triển khai hệ thống ứng dụng CNTT-TT để giám sát môi trường, cảnh báo thiên tai.
Với kinh nghiệm của người trong cuộc, ông Nguyễn Trung Nhân, GĐ Sở TT&TT Cần Thơ cho biết, ước tính tổng giá trị thiết bị cho dự án thí điểm tại 3 điểm lắp đặt các hệ thống giám sát khoảng 200.000 USD, trong đó Nhật Bản hỗ trợ tới 75%, địa phương chỉ phải lo 25% vốn đối ứng. "Với những dự án thí điểm mà NISCI và Tập đoàn Panasonic triển khai thì các thiết bị sau khi thí điểm được để lại cho địa phương sử dụng. Nếu địa phương muốn triển khai hệ thống giám sát cảnh báo thiên tai trên diện rộng hơn thì Viện sẽ hỗ trợ, tư vấn công nghệ có chi phí phù hợp", TS. Phạm Huy Hoàn, GĐ Trung tâm Đào tạo & Dịch vụ, Viện NISCI cho biết thêm.
Nhiều chuyên gia CNTT-TT nhận định: Kể cả chi phí cho hệ thống giám sát môi trường, cảnh báo thiên tai có "lớn" thật so với ngân sách của nhiều địa phương thì đây vẫn là một khoản đầu tư đúng đắn vì chi phí này chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại do thiên tai và các sự cố môi trường gây ra hàng năm. "NISCI sẽ cố gắng mỗi năm thí điểm ở 1 - 2 điểm. Điều kiện để tham gia là địa phương phải sẵn sàng về hạ tầng CNTT (thiết bị cảm biến, Internet, mạng 3G, wifi,..) và đặc biệt là phải có sự hợp tác của chính quyền địa phương", TS. Phạm Huy Hoàn khẳng định.
Ông Văn Hồng Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Hòa Bình
"Ứng dụng CNTT-TT vào giám sát môi trường, cảnh báo thiên tai là một nội dung mà tỉnh Hòa Bình đang quan tâm. Cuối tuần qua, tuyến đường 6 bị tắc đường do có sạt lở đất ở đoạn Hòa Bình giáp Sơn La với khoảng 7.000m3 đất đai bị sạt lở. Thường kỳ năm nào cũng có sạt lở đất ở tuyến đường 6. Chúng tôi rất muốn cảnh báo sớm được hiện tượng sạt lở đất. Rất mong được tham gia dự án thí điểm của NISCI và Tập đoàn Panasonic, sau đó sẽ triển khai diện rộng trên toàn tỉnh".
TS. Hoàng Lê Minh, Viện trưởng NISCI
"VN là quốc gia đứng thứ 5 trong số 10 nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chính phủ và các Bộ, ngành VN rất quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu, đang hợp tác tìm kiếm những giải pháp ứng dụng CNTT-TT hiệu quả, góp phần đảm bảo môi trường phát triển an toàn và bền vững cho nền KT-XH ở Việt Nam".
Theo www.ictnews.vn