Từ thắng chuyển sang bại
Thời kỳ vàng son của thương hiệu Q-Mobile trên thị trường VN dễ khiến cho các nhà sản xuất ĐTDĐ THV chủ quan nghĩ rằng họ - những con “châu chấu” - có thể quật đổ những “cỗ xe” khổng lồ như Nokia, Samsung, ít nhất là ở phân khúc ĐTPT. Sự hở sườn của các đại gia quốc tế tạo cơ hội cho các THV khai thác sâu với làn sóng điện thoại giá bình dân 2 sim 2 sóng “đồng khởi” trên thị trường.
|
Điện thoại thương hiệu Việt đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.H.T |
Khi Q-Mobile từ chỗ nhỏ bé trở thành “anh hào” đứng thứ hai về thị phần tại VN, đã tạo nguồn cảm hứng cho các thương hiệu Việt khác bùng nổ như FPT Mobile, Mobistar, Bluephone... Q-Mobile đã kiếm lãi được hàng trăm tỉ đồng chỉ trong vài năm và thậm chí đã dám nói “không” khi hệ thống bán lẻ hùng mạnh Thế Giới Di Động đưa ra mức chiết khấu cao. Bởi vào thời điểm ấy, hàng Q-Mobile đưa ra bao nhiêu hết bấy nhiêu.
Song song với đầu tư sản xuất thiết bị, Q-Mobile cũng lao vào làm kho ứng dụng, tiếp sau đó là FPT, Viettel. Sự đầu tư nghiêm túc đáng ghi nhận này chuẩn bị cho bước phát triển đường dài. Nhưng trên đỉnh cao, các THV cũng không lường tình huống gã đại gia Nokia chờ chực cơ hội đến một ngày “phục hận”. Từ quý II/2011, hàng loạt mẫu điện thoại 2 sim 2 sóng giá rẻ của Nokia tạo thành làn sóng tung vào thị trường VN đã đẩy các THV vốn lớn mạnh nhờ phân khúc này, rơi vào khó khăn. “Anh cả” Q-Mobile lại chính là thương hiệu bị sa lầy nặng nhất với một khối lượng lớn hàng tồn kho xả tới nay vẫn chưa hết. Năm 2011 khép lại: Điện thoại THV lao đao, mất thị phần nặng nề (mất trên 50% so với trước đó) vào tay Nokia ở phân khúc điện thoại phổ thông.
Thất bại do đâu?
Ông Đinh Anh Huân - GĐ kinh doanh của Thế Giới Di Động-từ góc độ nhà bán lẻ phân tích: Hai nguyên nhân dẫn đến sự sa sút của ĐTDĐ THV là gã khổng lồ Nokia đã quay lại quật vào chính chỗ mạnh nhất và cũng đầy chủ quan và sơ hở nhất của các THV và dùng đúng chiêu đã từng bị quật ngã trước đó: Sản phẩm tiện ích hơn và giá rẻ hơn.
Thứ hai, một thời kỳ THV lên ngôi thấy dễ ăn khiến nhà nhà làm ĐTDĐ THV theo phong trào bầy đàn, nhưng sản phẩm lại na ná nhau, đến lúc bị Nokia phản đòn, hàng bị ứ, để xả hàng thì phải giảm giá, dẫn đến phá giá, ta làm khó ta. Vấn đề rút ra ở đây là: Các THV chủ động “tấn công” khai thác sơ hở của các thương hiệu quốc tế nhưng lại không sẵn sàng đối phó với các cuộc phản công của đối thủ.
Một lý giải khác của giới chuyên gia, trường hợp Q-Mobile thành công khá dễ dàng và nhanh chóng nhưng lại không tiếp tục mở rộng sản phẩm nhằm đáp ứng khách hàng mục tiêu tốt hơn nữa mà vội nhảy sang phân khúc điện thoại thông minh (Smartphone), vô hình trung tự đánh mất khách hàng của mình, đồng thời lại hụt hơi trước xu thế mới.
Cuối năm 2011, Q-Mobile, Mobistar tung ra một số mẫu điện thoại màn hình cảm ứng điện dung đa điểm với những tính năng kết nối GPRS/WAP, Wifi, truy cập mạng xã hội, giải trí... có mức giá dưới 2 triệu đồng. Theo đánh giá của hệ thống bán lẻ Viễn Thông A, hướng rẽ này đã đáp ứng sự mong đợi và nhu cầu của một phân khúc người tiêu dùng.
Điều này đem tới sự tự tin nhất định cho các THV trong cuộc đấu đầy cam go với Nokia và các thương hiệu quốc tế khác. Tuy nhiên, hướng rẽ này có làm nên chuyện hay không vẫn còn ở phía trước. Đơn cử các dòng điện thoại cảm ứng giá mềm Q-Mobile tung ra, không hẳn đã mang lại hiệu quả kinh tế mà chủ yếu để bán kèm giải quyết hàng tồn kho.
Theo www.laodong.com.vn