Các ngành này bao gồm điện tử, ôtô, xe gắn máy, đóng tàu, chế biến thực phẩm, thép, hoá dầu, giày da và may mặc, phần mềm, thiết bị hạ tầng thân thiện với môi trường sinh thái, thiết bị máy móc cỡ nặng và máy nông nghiệp.
Đi kèm là danh sách các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất linh kiện, động cơ, khung xe, thân máy, bo mạch in...
Trong thời gian tới, Tổ công tác sẽ rút gọn xuống còn 5 ngành để đầu tư trọng điểm, tránh dàn trải. Bản danh sách này sẽ được chốt vào tháng 3/2012, sau đó báo cáo Chính phủ.
Công nghiệp mũi nhọn được định nghĩa là các ngành công nghiệp tạo ra động lực và dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển; là ngành tạo ra vị trí, thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm quốc gia.
Theo các chuyên gia, để có thể hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020, Việt Nam cần phải tiến hành kiểm tra, đánh giá xem ngành nào có khả năng trở thành mũi nhọn, qua đó hỗ trợ kịp thời và đúng đắn, tạo ra sự phát triển và trở thành động lực lôi kéo các ngành kinh tế khác phát triển theo.
Mục tiêu Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 là cơ bản trở thành nước công nghiệp với giá trị công nghiệp chiếm khoảng 40-41% tỷ trọng trong GDP, giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
|
Sau gần 5 năm kể từ khi Quyết định số 55 của Chính phủ được ban hành, thì chúng ta vẫn đang loay hoay với công việc lựa chọn các ngành công nghiệp mũi nhọn. |
Muốn đạt được mục tiêu này thì công nghiệp mũi nhọn đương nhiên cần được tập trung phát triển. Tuy nhiên chỉ còn 8 năm nữa để thực hiện kế hoạch trên, nhưng đến nay chúng ta vẫn loạy hoay lựa chọn các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Từ cuối năm 2004, trong hội thảo về "Tăng cường năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội, khi bàn về công nghiệp mũi nhọn, chuyên gia Nhật bản, Giáo sư Kenichi đã phát biểu: "Tôi nhớ cách đây 10 năm Việt Nam đã tranh cãi về vấn đề này. Vậy nhưng 10 năm sau chúng ta vẫn chỉ tiếp tục tranh cãi. Đã đến lúc cần đưa ra những quyết định, những chính sách và cách thức điều hành hiệu quả".
Tuy nhiên từ 2004 đến nay tranh cãi hình như vẫn đang tiếp diễn. Năm 2007 (ngày 23/4/2007) Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển.
Theo đó, cả nước chỉ có 3 ngành công nghiệp mũi nhọn là cơ khí chế tạo (ôtô, đóng tàu, thiết bị toàn bộ, máy nông nghiệp, cơ điện tử); thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; sản phẩm từ công nghệ mới (năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp phần mềm, nội dung số). Các ngành công nghiệp nói trên được ưu tiên bố trí đủ nhu cầu về đất khi đầu tư, được hỗ trợ xúc tiến thương mại...
Nhưng từ đó đến nay 3 ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển rất chậm và chưa có biểu hiện sẽ trở thành động lực để dẫn dắt các ngành kinh tế khác. Thậm chí những ngành như cơ khí, điện tử còn thiếu nền tảng cơ bản với công nghiệp hỗ trợ kém phát triển.
Sau gần 5 năm kể từ khi Quyết định trên được ban hành, thì chúng ta vẫn đang loay hoay với công việc lựa chọn các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Nhưng ý kiến thì vẫn chưa thể thống nhất. Theo các chuyên gia Nhật Bản trong Tổ công tác Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam, 12 ngành công nghiệp trên, trừ ngành công nghiệp xe máy và dệt may là tương đối mạnh thì các ngành công nghiệp khác sờ vào đâu cũng thấy yếu kém.
Các ngành công nghiệp trên của Việt Nam hầu hết đều không có thiết kế riêng, không nhận được chuyển giao công nghệ, công nghiệp hỗ trợ thiếu và yếu, trình độ người lao động yếu và thiếu... các chính sách phát triển thì chung chung, thiếu cụ thể nên không mang lại hiệu quả. Trong số đó có nhiều ngành công nghiệp như ôtô, luyện kim, điện tử đang là gánh nặng bởi nhập siêu lớn.
Các chuyên gia Nhật Bản muốn lựa chọn công nghiệp xe máy Việt Nam trở thành ngành mũi nhọn bởi nó có nền tảng và đang phát triển tốt, nhưng phía Việt Nam, nhiều chuyên gia không tán thành, cho rằng tương lai của ngành công nghiệp xe máy không sáng sủa. Thế giới sẽ giảm dần nhu cầu về xe máy.
Phía Việt Nam muốn đưa công nghiệp ôtô là ngành mũi nhọn bởi nó có tương lai hơn. Các phân tích cho thấy chỉ cần ngành công nghiệp ôtô phát triển cũng đã là động lực cho rất nhiều ngành kinh tế khác như điện tử (hiện chiếm 30% giá trị trong xe ôtô), thép (cũng chiếm giá trị khoảng 30% trong xe ôtô), công nghệ vật liệu, công nghệ chế tạo máy... Công nghiệp ôtô phát triển sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu và sự phát triển kinh tế của quốc gia đông dân như Việt Nam.
Nhưng bên cạnh đó cũng có những ý kiến ngược lại, cho rằng chúng ta đã từng lựa chọn ôtô vào công nghiệp mũi nhọn nhưng thực tế thì 5 năm qua nó không có cơ hội phát triển. Nay tiếp tục đưa vào cũng khó thành hiện thực. Lý do là công nghiệp ôtô Việt Nam hiện vẫn chỉ ở giai đoạn lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ yếu kém, không được chuyển giao công nghệ, trong khi đó thị trường ngày càng thu hẹp do các chính sách hạn chế tiêu dùng xe cá nhân. Ngoài ra, thời gian hội nhập AFTA đã tới gần (đến 2014 thuế suất thuế nhập khẩu ôtô từ khu vực ASEAN sẽ giảm còn 50% và đến 2018 còn 0%). Nhiều DN ôtô cho rằng chi phí sản xuất ngày càng tăng, thị trường thu hẹp khiến sản xuất gặp khó khăn. Đó còn chưa kể các chính sách với ngành công nghiệp này hết sức mâu thuẫn và chung chung, dẫn đến không khuyến khích các DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư cũng như chuyển giao công nghệ.
Ngay như ngành ôtô đến giờ muốn phát triển phải xác định cho được dòng xe chiến lược, nhưng đã hơn 2 năm nay vẫn chưa xác định xong. Bộ Công Thương nghiêng về 2 mẫu xe là xe nhỏ 5 chỗ ngồi có dung tích xi lanh dưới 1.3L và xe 7 chỗ có dung tích xi lanh 1.5L, nhưng mới đây lại có ý kiến muốn chọn xe bán tải (pick up) giống như Thái Lan làm dòng xe chiến lược.
Ngành công nghiệp điện tử cũng tương tự, các DN vẫn chủ yếu nhập linh kiện về lắp ráp, chỉ sử dụng nhân công giá rẻ, ưu đãi về đất đai hạ tầng và thuế, không có sản phẩm riêng, định hướng phát triển đến nay vẫn chưa thấy.
Công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp cũng vậy có rất ít các cơ sở sản xuất đúng nghĩa, chủ yếu nhập linh kiện từ Trung Quốc, Hàn Quốc... về lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ nghèo nàn và giản đơn.
Theo các chuyên gia, để có thể xác định được các ngành mũi nhọn, cần phải dựa trên cơ sở phân tích thực trạng nền kinh tế quốc dân trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Đó phải là những ngành có thế mạnh chỉ riêng có của Việt Nam mà các nước khác không có.
Công nghiệp mũi nhọn chưa xác định được thì những vấn đề quan trọng hơn đó là đề ra các chính sách và thực hiện nó như thế nào để thành công, không biết đến bao giờ mới có được? Chìa khóa để có thể phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn thành công chính là ở việc xây dựng và thực thi các chính sách chứ không phải chỉ lựa chọn được ngành công nghiệp mũi nhọn là xong.
Theo www.vef.vn