Thứ năm, 16/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 10/02/2012
Mua sắm online: Lật tẩy những thủ đoạn lừa đảo mới

Ngồi một chỗ, lướt web rồi giao dịch chuyển tiền sau đó nhận hàng - phương pháp mua sắm mới thoạt nhìn thật vô cùng tiện lợi. Song đằng sau nó luôn ẩn chứa những cái bẫy khiến nhiều khi khách hàng phải ngậm đắng nuốt cay.

Người mua, kẻ bán đều… bị lừa

Nguyễn Văn Hưng, nhân viên của một tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam có sở thích những món đồ hi-tech (công nghệ cao). Lương tháng cả ngàn đô, nhưng cái kiểu thay điện thoại như thay áo thì không thể đủ để Hưng thỏa mãn niềm đam mê ấy.

Được một người bạn "khai hóa" cho việc "lên mạng" mua đồ cho rẻ. "Do không mất chi phí thuê mặt bằng, nên đồ trên mạng thường rẻ hơn ở ngoài tiệm từ 10-20%, còn nếu đồ second-hand (đã qua sử dụng) thì thường chỉ bằng 50-60% đồ mới" - theo như người bạn quảng cáo.

Vậy là, sau một thời gian săm soi, Hưng hăm hở lên mạng en…com đặt mua một chiếc máy điện thoại di động iPhone 4 của một người tên là Nhơn (trú tại TP HCM). Sau nhiều cuộc điện thoại, hai bên thống nhất giá là 7 triệu đồng (trong khi giá thị trường lên tới 16-18 triệu).

Phương thức thanh toán là Hưng sẽ chuyển tiền vào tài khoản ATM cho Nhơn. Nhận được tiền, Nhơn sẽ chuyển ngay hàng cho Hưng bằng dịch vụ chuyển phát nhanh. "Chỉ 24h là hàng sẽ tới tay người nhận" - Nhơn khẳng định như đinh đóng cột.

Thế nhưng, hai ngày sau khi chuyển tiền, Hưng vẫn chưa nhận được hàng. Gọi điện thoại thúc giục thì Nhơn nại ra nhiều lý do để trì hoãn việc chuyển hàng. Sau thì… không nghe máy nữa. Cất công tìm hiểu, Hưng mới phát hiện Nhơn là một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp.

Nhơn chuyên đăng tin bán hàng tại các web rao vặt trên mạng với nhiều tên khác nhau. Nội dung đăng tin đều khẳng định là "điện thoại chính chủ, còn mới, giá rẻ" hay đang cần bán gấp vì một lý do nào đó. Tuy nhiên, hàng hóa hiếm khi đến được tay người mua.

Một chuyên gia mua bán hàng online cho biết, những trường hợp bị lừa như Hưng là có, nhưng không phổ biến. Vì ít ai dại dột đến mức chuyển khoản 100% trị giá hàng hóa cả. Bình thường họ chỉ "đặt cọc" 10-20% giá trị đơn hàng, sau khi nhận được hàng rồi thì mới gửi số còn lại. Ngoài lý do bị "xù" mất tiền còn phải xem chất lượng hàng có đúng như trên lời rao hay không nữa.

"Cảnh giác không bao giờ là thừa", mặc dù hầu như cư dân mạng đều thuộc nằm lòng câu răn này thế nhưng vẫn phải "ngả nón" bái phục chiêu lừa một lúc cả người bán lẫn kẻ mua của Hoàng Thế Anh (trú tại phố Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội). Là sinh viên khoa Công nghệ thông tin, thường xuyên lên mạng mua bán nên Thế Anh phát hiện ra sơ hở "chết người" trong việc mua bán qua mạng. Hắn đã triệt để lợi dụng.

Một trong những phi vụ của Thế Anh là tổ chức bán đấu giá một chiếc Laptop loại "xịn" với giá gần 14 triệu đồng. Anh Phạm Văn Hùng (trú tại Đồng Nai) là người thắng cuộc đấu giá. Thế Anh yêu cầu người mua chuyển tiền vào tài khoản ATM, khi nhận được tiền hắn sẽ chuyển hàng.

Song là một người có kinh nghiệm, anh Hùng không đồng ý với hình thức ấy mà chỉ đồng ý thanh toán qua trang web nganluong.vn (một website chuyên thanh toán trung gian được cho là có uy tín).

Rất cao tay, Thế Anh tạm thời trì hoãn việc mua bán với anh Hùng để lên mạng đặt mua của anh Trần Công Thành (Cổ Nhuế, Hà Nội) 2 chiếc ĐTDĐ với giá 13 triệu đồng. Sau đó, Thế Anh yêu cầu anh Hùng chuyển tiền vào tài khoản của anh Thành. Chờ đến khi anh Thành thông báo đã nhận được tiền, Thế Anh ra cửa hàng của anh Thành lấy điện thoại rồi bán đi ăn tiêu.

Cũng bằng thủ đoạn này, Thế Anh tiếp tục lừa anh Bùi Hữu Tân (Uông Bí, Quảng Ninh) hơn 15 triệu đồng để mua 2 chiếc ĐTDĐ từ cửa hàng của anh Thành rồi chiếm đoạt.

Sau một số phi vụ lừa đảo khác, Thế Anh đã bị lực lượng Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội bắt giữ. Tuy nhiên, vẫn luôn có những thủ đoạn mới của kẻ xấu xuất hiện, và danh sách các nạn nhân thì cứ dài ra…

Hàng nhái biến thành hàng thật

Đi sâu vào thế giới mua hàng online, chúng tôi tiếp tục phát hiện ra nhiều trò lừa đảo mà khách hàng lắm khi phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Bởi các đối tượng cũng lắm mưu nhiều mẹo để lừa khách hàng.

Thái Vân, sinh viên Học viện Ngân hàng kể với chúng tôi chuyện cô bị lừa mua mỹ phẩm giả. Vốn được người quen đi nước ngoài tặng cho một lọ kem dưỡng da mang nhãn hiệu L'oreal dùng rất thích, Vân đã vào website lam…com để đặt mua một bộ kem dưỡng da với giá 850 ngàn đồng.

Mặc dù đã được cảnh báo phải kiểm tra kỹ nhãn mác, hạn sử dụng… song Vân cũng không ngờ mình vẫn mua phải hàng nhái. Vì ngay hôm sau, lên chợ Đồng Xuân, Vân đã mua được một bộ sản phẩm y hệt với giá… 150 ngàn đồng.

Trước đây, những người mua hàng trên mạng thường truyền tai nhau một phương pháp để tránh bị mua phải hàng rởm là nên bỏ thời gian để đọc các phản hồi trên mỗi topic rao bán hàng. Topic nào có nhiều phản hồi tích cực thì hãy để mắt. Tuy nhiên, cách này hiện cũng chẳng còn nhiều ý nghĩa, bởi người bán đã dùng hàng chục nick khác nhau để vào khen nức nở, mỗi khi có ý kiến trái chiều là bị chủ topic huy động dập tơi bời.

Chưa hết, có một chiêu mà những siêu lừa đã sử dụng, nếu như không nhìn tận mắt, dùng tận tay thì có lẽ ít khách hàng tưởng tượng ra được. Phương - cựu sinh viên Đại học Thương mại, từng có thời gian chuyên bán hàng mỹ phẩm fake (hàng nhái)  - đã bật mí với tôi về chiêu tạm gọi là "ba nổi bảy chìm".

Họ (người bán) sẽ lấy đi 1/3 ruột trong lọ mỹ phẩm thật để trám vào một lọ hàng nhái (sau khi đã vứt bớt 1/3). Sau đó đóng gói bao bì lại như mới. Vậy là cứ 1 lọ mỹ phẩm thật thì họ sẽ chế được 3 lọ mỹ phẩm "vừa giả vừa thật". Khách hàng mua sẽ phải trả số tiền bằng với hàng chính hãng.

Khách hàng mang về sử dụng ban đầu thấy rất tốt. Vậy là nhiều người sẽ lên mạng để đăng những phản hồi tốt cho người bán. Thậm chí có người còn quảng cáo không công cho họ. Khi sử dụng hết phần hàng thật, khách hàng thấy chất lượng giảm đi thì cũng ít ai thắc mắc. Nếu có cũng sẽ bị người bán lấp liếm bởi đủ mọi lý do.

Cũng theo Phương, việc mua bán mỹ phẩm trên mạng hiện nay thực sự bát nháo. Hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan. Bởi phần lớn những người kinh doanh trên mạng là những người ít vốn, khách hàng không ổn định và lãi không nhiều. Hàng thật, hàng chính hãng sẽ rất đắt, khó nhập và kén khách mua, chưa kể đến là nhập hàng về còn bị tồn do không bán được. Trái lại, hàng giả bán tràn lan, giá rẻ, nhìn giống như thật, có thể ra chợ Đồng Xuân mua về, hoặc nhập hàng fake về bán với giá hàng xịn.

Giao dịch trên mạng cũng rất khó phân biệt được thật giả, phần lớn là sau khi khách hàng mua rồi mới phát hiện ra, có tìm người bán để bắt đền, lấy lại tiền cũng rất khó. Bên cạnh đó, khi bị phát hiện ra là bán hàng rởm, người bán lại có thể lập ngay một gian hàng mới, với những nickname và số điện thoại mới để tiếp tục đi "săn" các nạn nhân mới.

Theo www.baodientu.chinhphu.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0