|
Ông Suh Jong Ryeol, Chủ tịch KISA (bên phải) và ông Phạm Tấn Công, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASA (bên trái) trao đổi biên bản ký kết hợp tác sáng nay, 8/2/2012. Ảnh: X.B. |
VINASA và KISA nhắm đến thúc đẩy sự hợp tác trong 4 lĩnh vực: Chia sẻ, trao đổi về chính sách phát triển dịch vụ CNTT của mỗi nước; Thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Hàn Quốc; Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực CNTT đặc biệt về an ninh thông tin; Phối hợp tổ chức các hội thảo, diễn đàn nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển CNTT.
Chủ tịch KISA, ông Suh Jong Ryeol chia sẻ: “Chúng tôi hi vọng việc ký kết biên bản ghi nhớ với VINASA sẽ là sự khởi đầu cho sự phát triển mới về hợp tác CNTT Hàn Quốc và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh thông tin và Internet – lĩnh vực đang trở thành sự quan tâm lớn của chính phủ các nước sau hàng loạt vụ tấn công của tin tặc gần đây".
Ông Phạm Tấn Công, Phó Chủ tịch VINASA thì tin tưởng qua sự hợp tác lần này, VINASA sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm về xây dựng chính sách phát triển dịch vụ CNTT để tư vấn cho Chính phủ Việt Nam những chính sách, chiến lược phát triển ngành phần mềm, CNTT, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Hàn Quốc để các doanh nghiệp xâm nhập chéo vào thị trường của nhau.
Trao đổi với ICTnews bên lề lễ ký kết, ông Suh Jong Ryeol đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đang tập trung xúc tiến phát triển bảo mật thông tin Chính phủ điện tử. "Hàn Quốc đang sở hữu hạ tầng cơ sở CNTT tiên tiến, có nhiều kinh nghiệm, bí quyết về chính phủ điện tử, bảo mật, và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Chính phủ Việt Nam", ông Suh Jong Ryeol khẳng định.
Cũng theo ông Suh Jong Ryeol, hiện có 2 lĩnh vực mà Việt Nam - Hàn Quốc cần đẩy mạnh hợp tác là bảo mật thông tin và ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính.
Trong 3 năm qua, KISA đã mời 181 cán bộ, đại diện doanh nghiệp người Việt Nam sang Hàn Quốc để đào tạo ngắn hạn về bảo mật. Sắp tới sẽ kéo dài thời gian đào tạo từ ngắn hạn 1 tuần sang khoảng 2 tuần để tăng hiệu quả cho hoạt động đào tạo. Riêng về xu hướng kết nối doanh nghiệp tham gia đào tạo bảo mật và an toàn thông tin trong các trường học, nếu các trường Việt Nam có nhu cầu thì có thể liên hệ với KISA và KISA sẽ làm cầu nối hữu hiệu để doanh nghiệp Hàn Quốc cử người sang hỗ trợ hợp tác theo những kế hoạch cụ thể.
Về hoạt động hỗ trợ ứng cứu sự cố máy tính, KISA đã có sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) và Viện Phát triển Thông tin - Truyền thông (VGSIC). Một số hoạt động phối hợp cụ thể đã phát huy hiệu quả như: VNCERT đã hỗ trợ xóa những thông tin cá nhân của Hàn Quốc bị lộ trên các trang thông tin điện tử của Việt Nam; KISA cũng đã chia sẻ những thông tin về sự cố, những trường hợp đã bị tấn công ở Hàn Quốc để Việt Nam rút kinh nghiệm, đồng thời cung cấp những công cụ bảo mật thông tin đang được sử dụng hữu hiệu tại Hàn Quốc cho phía Việt Nam.
Theo www.ictnews.vn