|
Các trường học tại Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng phần mềm nguồn đóng. Ảnh: N.M |
Tin vui cho cộng đồng nguồn mở Việt
Chương trình Máy tính nối mạng tri thức được Bộ TT&TT triển khai nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc xây dựng một chương trình cấp Chính phủ tạo ra sức bật mới cho CNTT Việt Nam - mở ra khả năng cho những người chưa có cơ hội truy cập Internet và sử dụng máy tính có thể hướng đến một xã hội dùng máy tính và Internet, một xã hội thông tin.
Ông Nguyễn Thế Trung, Trưởng Nhóm tư vấn xây dựng Chương trình Máy tính nối mạng tri thức của Bộ TT&TT cho biết mục tiêu của Chương trình đến năm 2015 sẽ trang bị và đưa vào sử dụng 2,5 triệu máy tính kết nối mạng, gồm 100.000 máy tính cho 2.500 phòng máy tại các trường phổ thông; 400.000 máy tính cho giáo viên các trường phổ thông và cao đẳng, đại học; 2 triệu máy tính cho học sinh và sinh viên.
Tại Hội thảo Quốc gia về CNTT-TT mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo từ nay đến năm 2015, 100% máy tính của Chương trình Máy tính nối mạng tri thức sẽ cài đặt PMTDNM.
Đây là tin vui lớn đối với cộng đồng PMTDNM Việt Nam sau một thời gian dài việc triển khai ứng dụng và phát triển PMTDNM tại Việt Nam bị “chững”.
Tiếp cận thế nào?
Ý tưởng đã được định hình song trước mắt vẫn còn rất nhiều băn khoăn về cách thức triển khai, khả năng cài đặt và sử dụng PMTDNM của người sử dụng, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trao đổi với phóng viên BĐVN, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) lưu ý: "Việc cài đặt hàng loạt máy PC với một bản phân phối (distro) Linux đã Việt hóa và các PMNM thông dụng là dễ dàng, song phải xác định được chính xác người dùng cuối (thanh niên nông thôn, vùng sâu vùng xa) sẽ dùng nó để làm gì ngoài việc chơi games. Nếu xác định được rõ về nhu cầu người sử dụng và có công cụ phù hợp thì việc huấn luyện cho họ sử dụng không khó. Cách chúng ta xưa nay hay làm là mấy anh thông thạo CNTT trên thành phố tưởng tượng ra nhu cầu của người sử dụng và tìm cách áp đặt họ nên rất khó thành công. Cần phải làm sao cho máy tính cũng dễ dùng như điện thoại di động hay xe máy, trở thành một công cụ thông tin liên lạc bổ sung và hiệu quả hơn, rẻ tiền hơn thì người ta sẽ sẵn sàng dùng. Như vậy, việc phổ biến không gặp mấy khó khăn. Với người chưa biết gì về máy tính thì dùng Linux hay Windows không khác gì nhau. Người sử dụng không quan tâm đến đóng hay mở. Họ muốn dùng được vào việc của mình, chất lượng đảm bảo và giá thành chấp nhận được, không nhất thiết phải miễn phí".
Cách tiếp cận vì thế theo ông Quang là phải theo lối bottom-up (từ dưới lên), bắt đầu từ nhu cầu của cơ sở, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm đến đâu được đến đó, không cần “khua chiêng gõ trống”, khẩn trương nhưng không nóng vội, tránh chủ nghĩa hình thức, chiến dịch.
Ông Quang cũng cho biết trước đây, được tin về Chương trình Máy tính Thánh Gióng, cộng đồng nguồn mở Việt Nam cũng đã rất muốn đưa PMNM “vào” song lúc đó không biết liên hệ với ai và tổ chức của những người yêu thích, tâm huyết với sự nghiệp phát triển nguồn mở tại Việt Nam cũng chưa có danh nghĩa chính thức. Nay tình thế đã khác, nhiều thuận lợi hơn khi VFOSSA đã “danh chính ngôn thuận” và trong Ban chấp hành của VFOSSA có cả đại diện Học viện Thanh thiếu niên Trung ương, là nơi sẽ được giao triển khai Chương trình Máy tính nối mạng tri thức cùng với Bộ TT&TT.
“Hy vọng Chính phủ quan tâm và thúc đẩy các bên hữu quan để việc cài PMTDNM cho Chương trình máy tính nối mạng tri thức chắc chắn thành công. VFOSSA luôn quan tâm và sẵn sàng hưởng ứng Chương trình này”, ông Quang bày tỏ.
Theo www.ictnews.vn