Tạp chí thông tin công nghệ hàng đầu thế giới CNET (Mỹ) đã dẫn lại bài viết của tác giả Barry Levine, với trích dẫn phát ngôn gây sốc của giám đốc phụ trách mã nguồn mở của Google - Chris DiBona - cho rằng các Cty sản xuất phần mềm diệt virus đã đánh vào nỗi sợ của người tiêu dùng để bán phần mềm diệt virus cho ĐTDĐ thông minh (smartphone - SP) chạy các hệ điều hành Android, RIM và iOS.
Kẻ nói nhiều, người nói ít
Ben Rudolph của Microsoft đã “chỉ thẳng mặt”: “Có nhiều phần mềm độc hại hơn trên Android” trên trang Twitter. Chris DiBona phản pháo lại ngay trên trang Google+: “Chỉ có vài vấn đề nhỏ liên quan đến virus trên điện thoại di động”. Ai cũng biết Google và Microsoft là hai “kẻ thù không đội trời chung”. Từ khi hệ điều hành Android ra đời đã cướp đi phần lớn “miếng bánh” hệ điều hành cho ĐTDĐ, khiến Microsoft và Nokia lao đao. Các đại gia cạnh tranh nhau nhiều khi không từ cả các chiêu nhỏ nhặt “đâm bị thóc chọc bị gạo”.
Nhiều hay ít thì đã có các nghiên cứu với những con số định lượng cụ thể. Đơn cử, Hãng bảo mật McAfee cho biết các mối đe dọa đối với hệ điều hành Android đã gia tăng tới 37% chỉ trong tháng 11.2011. Thế nhưng các con số này vẫn không giúp làm dịu cơn sốc khi Chris DiBona lại cho rằng SP chạy hệ điều hành Android không gặp các nguy cơ bảo mật như Windows và các hãng bảo mật đã thổi bùng vấn đề này là những “tên lang băm và kẻ lừa bịp” (charlatans and scammer).
Người tiêu dùng có bị bịp?
Nếu theo nhận định của vị chức sắc của Google, thì những “kẻ lừa bịp” đã bịp cả thế giới trong đó có VN trong suốt thời gian qua, và việc người tiêu dùng mua các phần mềm bảo mật cho SP chỉ là một hành vi nướng tiền vô ích.
Trong năm 2011, tổng cộng có 488 triệu chiếc SP được xuất xưởng trên toàn cầu, trong đó hơn một triệu chiếc đã được bán ra tại thị trường VN. Nếu cho rằng không có nguy cơ virus tấn công hay bảo mật đối với SP, thì vài triệu người VN đang sử dụng SP hiện nay chẳng cần quan tâm tới việc mua phần mềm diệt virus.
Trong số hơn 10 hãng bảo mật đang có mặt làm ăn tại thị trường VN, hiện có ít nhất bốn hãng đã tung ra sản phẩm phần mềm bảo mật cho ĐTDĐ, gồm: Kaspersky, Trend Micro, Bkav và CMC Infosec. Trong đó, sản phẩm của Kaspersky (Kaspersky Mobile Security-KMS) phân phối thông qua Cty Nam Trường Sơn tại VN đã bán ra hơn 100.000 bản trong hơn hai năm qua. Hiện, mỗi tháng Cty này bán ra vài ngàn bản KMS. Hai Cty VN là Bkav và CMC Infosec chỉ mới tung ra sản phẩm bảo mật cho ĐTDĐ trong khoảng một năm trở lại đây và mới chỉ dùng cho SP chạy hệ điều hành Android. BKAV đang phân phối phiên bản cho SP với giá 299.000 đồng/năm còn CMC Infosec đang cung cấp miễn phí sản phẩm tương tự.
Theo “cáo buộc” của Chris Dibona, dĩ nhiên các Cty đang bán phần mềm diệt virus trên SP cho khách hàng Việt Nam cũng bị cho là những “kẻ lừa bịp” và hàng trăm ngàn người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân khi mua các sản phẩm bảo mật cho ĐTDĐ. Và đáng nói hơn nữa, với mức tăng trưởng từ vài chục phần trăm đến hàng trăm phần trăm mỗi năm, thì số “nạn nhân” của những “kẻ lừa bịp” sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới.
Thế nhưng có một điều lạ là, trong khi phủ nhận khả năng virus tấn công hệ điều hành Android và “mạt sát” các hãng bảo mật, thì mới đây vào ngày 2.2 chính Hãng Google đã thông báo rằng họ bắt đầu triển khai hệ thống an ninh mới Bouncer nhằm xác định và sàng lọc các phần mềm độc hại, phần mềm gián điệp, trojan...
Theo www.laodong.com.vn