Suy thoái kinh tế tác động đến hầu hết các doanh nghiệp trong năm 2011, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT. Tuy nhiên, ngành CNTT vẫn có một số doanh nghiệp tìm được hướng phát triển và tăng trưởng.
"Nhà nước cần các doanh nghiệp này tham gia vào các hoạt động của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung để chia sẻ kinh nghiệm, giúp thành phố, đất nước và ngành cùng phát triển", ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chân thành chia sẻ trong chuyến thăm các doanh nghiệp mạnh lĩnh vực CNTT, ngày 31/1/2012, thời điểm các doanh nghiệp bắt nhịp lại công việc sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Thìn.
|
Ông Lê Mạnh Hà đến thăm công ty CSC |
Theo ông Đỗ Hồng Quang, Giám đốc văn phòng MISA tại TP.HCM, doanh thu năm 2011 của MISA tăng trưởng 68% so với năm 2010. Số lượng nhân sự năm 2011 tăng 35% so với năm 2010, tạo việc làm cho nhiều người. Năm 2011, MISA có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tự in ấn hóa đơn theo quy định của Cục Thuế, cung cấp phần mềm in hóa đơn miễn phí, tài liệu hướng dẫn cho doanh nghiệp ứng dụng… MISA cũng đưa phần mềm của mình vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên toàn quốc. Năm 2012, MISA sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược sản phẩm phần mềm cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo.
Với CSC Việt Nam, một doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm, ông Ngô Hùng Phương, Tổng Giám đốc, cho biết: “Doanh thu thị trường trong nước của CSC khoảng 70 tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, mảng ERP (Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) vẫn được các doanh nghiệp ứng dụng quan tâm. Tập đoàn CSC đã tín nhiệm để CSC Việt Nam trở thành trung tâm chuyên về Windows Azure (nền tảng của Microsoft để phát triển những ứng dụng Điện toán đám mây).
Ông Đinh Hà Duy Linh, Tổng Giám đốc HPT chia sẻ: “Thành công của công ty dựa trên hiệu quả lao động của các cán bộ, nhân viên; do đó HPT rất chú trọng đến công tác quản lý nhân sự và đào tạo. HPT hiện đã tham gia vào các dự án của thành phố như cung cấp hệ thống hội nghị truyền hình, chuyển đổi hệ thống thư điện tử, nâng cấp chuyển đổi hạ tầng Cityweb… Mục tiêu năm 2012, HPT dự định mở thêm một số trung tâm về giải pháp an ninh thông tin, phần mềm... HPT mong muốn tiếp tục đóng góp vào các dự án Nhà nước, đặc biệt các dự án như thành lập trung tâm ứng cứu và xử lý sự cố máy tính; lưu trữ và sao lưu; an ninh, bảo mật…”
|
Từ trái sang: Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội tin học TP.HCM; ông Lê Mạnh Hà; ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM; ông Lê Trung Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Thế Giới Vi Tính |
Các doanh nghiệp CNTT đều thể hiện mong muốn lãnh đạo thành phố hỗ trợ kích cầu phát triển ứng dụng CNTT, phát triển thị trường, các vấn đề về tài chính, nhân lực…
Nắm bắt được tình hình cũng như nguyện vọng của các doanh nghiệp, ông Hà cho biết: “Cần có sự kết hợp giữa doanh nghiệp, chính quyền và các cơ quan truyền thông để ngành CNTT phát triển. Ngoài ra, cũng cần có những phân tích và số liệu cụ thể về các nhóm lĩnh vực nào phát triển, nhóm nào đi xuống do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, qua đó giúp các doanh nghiệp đánh giá lại tình hình, đề ra xu hướng đẩy mạnh trong những năm tới”.
Đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, thành phố mong muốn các công ty này đóng góp về chính sách để tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Chỉ cần mỗi doanh nghiệp đưa ra một ý kiến và được áp dụng là đủ. Đồng thời, lãnh đạo thành phố tới đây sẽ có chương trình “khám bệnh” cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đúng những gì doanh nghiệp cần.
"Chính các doanh nghiệp phải có những đề xuất lên các Hiệp Hội, Sở, ngành và các cấp chính quyền. Mọi đơn vị phải góp sức mới có thể đạt được mục tiêu trở thành nước mạnh về CNTT. Tôi mong muốn các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động của thành phố, qua đó giúp thành phố phát triển và chính doanhnghiệp sẽ mạnh hơn", ông Hà nhấn mạnh.
|
Lãnh đạo TP.HCM, Hội Tin học TP.HCM thăm công ty HPT |
Theo www.pcworld.com.vn