|
Thực tế chọn ngành đăng ký dự thi của thí sinh từ năm 2009-2011
|
Năm 2011 cả nước có gần 300 ngành học được tổ chức tuyển sinh tại 475 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng với khoảng 5.027 ngành (53% trình độ đại học và 47% trình độ cao đẳng).
Ngành “nóng” nhất bớt “nóng”
So với các năm trước, thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành học hơn, xu thế chọn ngành học có thay đổi, nhưng nhìn chung nhóm ngành kinh doanh luôn được thí sinh ưa chuộng nhất. Kết quả tuyển sinh ba năm gần nhất cho thấy nhóm ngành kinh doanh vẫn là nhóm ngành chiếm thứ hạng cao nhất trong sự lựa chọn của thí sinh. Tuy nhiên tỉ lệ 10,98% thí sinh dự thi vào nhóm ngành kinh doanh năm 2011 đã giảm khá nhiều so với tỉ lệ 12,4% tổng số thí sinh trong năm 2010.
Đáng lưu ý trong tốp “đầu bảng”, một số nhóm ngành “kén” thí sinh cũng có dấu hiệu thu hút thí sinh như nhóm ngành y học. Lượng thí sinh dự thi vào nhóm ngành này tăng 1,2 lần so với năm 2010, từ vị trí 10 lên vị trí 7 trong bảng xếp hạng những nhóm ngành có nhiều thí sinh dự thi; nhóm ngành chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 1,6 lần so với năm 2010, từ vị trí 17 lên vị trí 8 trong nhóm những ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất.
Xu thế chọn ngành dự thi cũng cho thấy thí sinh thường “né” các ngành có số lượng thí sinh đăng ký dự thi năm trước cao, dẫn đến sự tăng - giảm theo quy luật ở đại đa số các nhóm ngành, ngoại trừ các nhóm ngành sau có số thí sinh ĐKDT tăng dần từ năm 2010 đến 2011: kế toán - kiểm toán (8,4%-9,0%); luật (2,8%-3,0%); công nghệ kỹ thuật cơ khí (1,8%-2,6%), kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (1,7%-1,9%) và dịch vụ y tế (1,6%-1,8%). Trong đó nhóm ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí tăng gấp 1,5 lần so với năm 2009.
Ngược lại, số lượng thí sinh dự thi vào nhóm ngành công nghệ thông tin giảm với tỉ lệ hơn 1/3 so với tuyển sinh 2009, từ vị trí 7 xuống vị trí 13. Cùng với quản trị kinh doanh, ngành công nghệ thông tin mặc dù nằm trong tốp năm ngành học được thí sinh lựa chọn nhiều nhất nhưng đang có xu hướng giảm từ năm 2009 đến 2011. Điều này cho thấy tác động tích cực của công tác hướng nghiệp, công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đến xu thế chọn ngành của người học.
“Lượng” và “chất”
Một điều đáng chú ý là tương tự các năm trước, dù có thay đổi ít nhiều về số lượng, những ngành có đông thí sinh dự thi đều có điểm trung bình không thật sự cao. Thực tế tuyển sinh cho thấy các ngành quản trị kinh doanh, kế toán, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, khoa học môi trường, điều dưỡng, giáo dục tiểu học thuộc top 20 ngành thu hút nhiều thí sinh nhất trong hơn 290 ngành học có tổ chức tuyển sinh. Thế nhưng điểm trung bình của thí sinh các ngành này chỉ từ 8-10 điểm.
So sánh với các nhóm ngành khác, điểm trung bình của thí sinh dự thi những ngành được coi là “thời thượng” này thường chỉ ở tốp giữa.
Vì thế, số thí sinh đạt điểm trên sàn của những nhóm ngành này cũng không nhiều. Các ngành như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, kế toán, khoa học môi trường, điều dưỡng, giáo dục tiểu học chỉ có 18,3-30,9% thí sinh dự thi đạt từ điểm sàn trở lên, nằm trong tốp giữa nếu so sánh với các nhóm ngành khác.
Riêng nhóm ngành đào tạo giáo viên dù chiếm đến 10,5% thí sinh dự thi và xếp thứ hai trong những ngành có đông thí sinh dự thi nhất nhưng lại có số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên xếp thứ 213.
Nhiều ngành có nhu cầu nhân lực lớn
Chiến lược nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu về nhân lực có trình độ cao trong các lĩnh vực đột phá chủ yếu bao gồm: quản lý nhà nước, hoạch định chính sách và luật quốc tế; giảng viên đại học, cao đẳng; khoa học - công nghệ; y tế, chăm sóc sức khỏe; tài chính - ngân hàng; công nghệ thông tin.
Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, phấn đấu tăng nhanh tỉ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40% năm 2010 lên mức 70% năm 2020. Trong đó tỉ lệ nhân lực qua đào tạo ngành nông, lâm ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên 50%; ngành công nghiệp từ 78% lên 92%, ngành xây dựng từ 41% lên 56%; ngành dịch vụ từ 67% lên 88%.
Như vậy, thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động. Các nhóm ngành như kinh doanh, kinh tế, luật, môi trường, đô thị... vẫn có xu hướng phát triển trong tương lai với tiêu chí tuyển dụng cao hơn, đòi hỏi người xin việc phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như khả năng giao tiếp và sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo... Nhu cầu nguồn nhân lực còn tùy thuộc chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương.
|
TS LÊ THỊ THANH MAI
Xem thêm tại đây.
Theo www.tuoitre.vn