|
Những bất hợp lý trong các quy định chính sách đang làm khó hoạt động triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước. Ảnh: X.B |
Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước từ năm 2009. Ngay sau đó, với mong muốn hỗ trợ giới CNTT-TT triển khai hiệu quả hoạt động ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT đã tích cực ban hành một loạt văn bản hướng dẫn như: Thông tư số 21 quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhưng không yêu cầu phải lập dự án; Thông tư số 06 quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT; Quyết định số 993 công bố định mức tạm thời về chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; Công văn số 2589 hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ; Công văn số 3364 về hướng dẫn xác định giá trị phần mềm; Công văn 2496 về việc sửa đổi giá trị trọng số BMT.
Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp lý nêu trên vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp.
"Điển hình, Nghị định 102 quy định quy trình thực hiện dự án đầu tư ứng dụng CNTT phải trải qua 3 giai đoạn gồm chuẩn bị đầu tư (xin chủ trương, lập dự án tổng mức đầu tư, thiết kế sơ bộ), thực hiện đầu tư (thiết kế thi công, tổng dự toán, lựa chọn nhà thầu, triển khai thực hiện), kết thúc đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng. Quy trình này khiến chủ đầu tư và nhà thầu "méo mặt" vì thời gian triển khai dự án bị kéo dài, đặc biệt giai đoạn thực hiện đầu tư phải mất 6 tháng trở lên, có khi tới 1 năm", ông Lê Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam phân tích.
Ông Lê Hồng Hà cũng nêu ra một số vướng mắc khác đã được Hội Tin học Việt Nam tổng hợp theo phản ánh của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp.
Chẳng hạn, theo Công văn 2589, phương pháp xác định giá trị phần mềm nội bộ chưa tính đủ các chi phí cần thiết; khó áp dụng cho các dự án nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm; để xác định giá trị phần mềm phải thực hiện, những công việc thường chỉ có nhà thầu thực hiện dự án mới làm được với thời gian và chi phí lớn, nhà thầu tư vấn không thể làm được.
Hoặc trong Quyết định 993 về các định mức quản lý, tư vấn dự án CNTT, chỉ phân thành 2 loại dự án (gồm dự án hạ tầng kỹ thuật CNTT; dự án phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu) là quá ít, khó bao trùm hết các loại dự án. Ví dụ dự án số hóa dữ liệu (chủ yếu làm công việc chuyển đổi số liệu trên giấy thành dữ liệu dạng số, hầu như không có lập trình), nếu phân vào cùng với nhóm dự án phần mềm nội bộ thì không hợp lý. Mặt khác, hầu hết các định mức cho dự án CNTT đều thấp hơn định mức tương tự cho các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt, các dự án phần mềm nội bộ thấp hơn hẳn so với các công trình công nghiệp.
Sẵn sàng tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của cộng đồng CNTT-TT Việt Nam, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết sau khi nhận được văn bản kiến nghị cụ thể của các hội, hiệp hội CNTT-TT, Bộ TT&TT (trực tiếp là Cục Ứng dụng CNTT) sẽ tổng hợp lại tất cả ý kiến và nghiên cứu sửa đổi Nghị định 102 trong thời gian tới.
Theo www.ictnews.vn