Sau thành công trong hợp tác với Aptech (Ấn Độ) nhằm cho ra đời chuỗi Trung tâm Lập trình viên quốc tế FPT Aptech và Trung tâm Mỹ thuật đa phương tiện FPT Arena, Học viện Jetking (đơn vị đào tạo về Phần cứng và Mạng máy tính số 1 hiện nay của Ấn Độ) đã trở thành đối tác tiếp theo của ĐH FPT.
Theo kế hoạch, FPT Jetking sẽ đào tạo nội dung chuyên sâu về phần cứng và mạng. Đó là những chuyên ngành đang có nhu cầu lớn về nhân lực như Quản trị mạng và ngành đang trở thành xu hướng mới trong ngành CNTT toàn cầu như Điện toán đám mây, An ninh mạng, Lắp ráp máy tính bảng (tablet)…
Học viên của FPT Jetking có thể đăng ký học ngành Phần cứng và Mạng máy tính với các chương trình lấy chứng chỉ hoặc Diploma. Trong đó, chương trình đào tạo cấp bằng Diploma sẽ cung cấp cho học viên nền tảng kiến thức chuyên sâu về phần cứng máy tính, hệ điều hành và mạng máy tính căn bản cũng như kiến thức nâng cao về mạng máy tính cho doanh nghiệp, hệ điều hành Linux và an ninh hệ thống mạng doanh nghiệp.
|
Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng cho biết Học viện quốc tế FPT Jetking sẽ khắc phục được những điểm yếu cơ bản của nguồn nhân lực Việt Nam trong ngành CNTT. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bên cạnh đó chương trình cũng có các môn học về kỹ năng phát triển bản thân, Yoga, tiếng Anh… Học viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành chuyên viên quản trị mạng, chuyên viên quản lý hạ tầng CNTT hay chuyên gia an ninh mạng. Học viên sẽ được đào tạo căn bản về điện tử, chuyên sâu về phần cứng máy tính, quản trị mạng.
Ngoài ra, Học viện Phần cứng và Mạng FPT Jetking cũng cung cấp các khóa học nghiệp vụ như Kỹ năng tin học doanh nghiệp hay các khoá học nâng cao như lắp ráp máy tính bảng, sửa chữa điện thoại, laptop…
Điểm đặc biệt tại Học viện quốc tế Phần cứng và Mạng FPT Jetking là học viên sẽ được đào tạo theo hình thức Smartlab plus với cơ sở vật chất hiện đại, cùng chương trình đào tạo đề cao kỹ năng thực hành, phát triển giúp học viên phát huy năng lực cá nhân ở mức tốt nhất. Riêng hệ thống phòng Lab hiện đại của Học viện được áp dụng công nghệ điện toán đám mây cũng như được trang bị mạng nội bộ Gigabit, đường truyền Internet cáp quang và đường truyền dự phòng.
Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng cho biết, theo thống kê gần đây của Viện Chiến lược CNTT, 72% sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp ra trường không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết trong lĩnh vực nào có thể hành nghề tốt nhất và 77,2% doanh nghiệp phải đào tạo lại các nhân viên mới. Đáng quan tâm là 70% không thành thạo ngoại ngữ.
"Khi thành lập một học viện tiên phong trong đào tạo toàn diện về phần cứng và mạng máy tính, ĐH FPT mong muốn có thể đa dạng hoá sản phẩm đào tạo, cung cấp cho xã hội một chương trình đào tạo nghề đạt chất lượng quốc tế, khắc phục được những điểm yếu cơ bản của nguồn nhân lực Việt Nam trong ngành CNTT”, Hiệu trưởng Tùng chia sẻ.
Học viện quốc tế Phần cứng và Mạng máy tính FPT Jetking sẽ tuyển sinh từ tháng 3/2012 và tổ chức đào tạo tại hai cơ sở ở Hà Nội và TP HCM. Trong năm 2012 dự kiến Học viện sẽ tiếp tục mở rộng thêm các cơ sở mới trong cả nước.
ĐH FPT đào tạo bậc đại học với 7 chuyên ngành thuộc khối ngành CNTT-TT và Kinh tế - Tài chính ứng dụng CNTT. Ngoài ra, trường còn đào tạo các hệ khác như CĐ thực hành FPT-Polytechnic, Trung tâm mỹ thuật đa phương tiện FPT Arena, Trung tâm lập trình viên quốc tế FPT Aptech… Đến nay, ĐH FPT đã có trên 10.000 sinh viên và học viên các hệ. Học viện Phần cứng và Mạng FPT Jetking là “thành viên” mới nhất của ĐH FPT, góp phần đưa ĐH FPT trở thành trường đào tạo về CNTT lớn nhất và tốt nhất Việt Nam theo mục tiêu của nhà trường.
Học viện Phần cứng và Mạng Jetking (Ấn độ) được thành lập từ năm 1947, hiện có 130 cơ sở đào tạo tại Ấn độ, đã đào tạo được hơn 500.000 học viên. Ngoài các ưu điểm nổi trội về đào tạo như tính thực tiễn, chương trình đào tạo bao gồm các môn học kỹ năng mềm, cơ hội phát triển toàn diện năng lực cá nhân, chương trình đào tạo của học viện còn mang ưu điểm lớn khi đảm bảo 100% học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp với thời gian tối đa là 3 tháng.
|
Theo www.vnexpress.net