|
Sau hơn một năm triển khai, Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT đã tạo động lực mới cho cộng đồng CNTT trên cả nước.
|
Mong muốn huy động cộng đồng CNTT-TT xác định những giải pháp, lộ trình triển khai có tính khả thi cao, Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT đã phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo quốc gia về CNTT-TT với chủ đề chính là "Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT: Một năm nhìn lại", diễn ra trong ngày 7/1/2012 với sự tham gia của khoảng 400 đại biểu.
Bước đầu "vào cuộc"
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT thực chất là chiến lược CNTT-TT quốc gia đến năm 2020. Quá trình xây dựng Đề án khá dài, mất tới gần 2 năm cho các hoạt động trao đổi, hoàn thiện, thu hút sự quan tâm của dư luận. Đến 22/9/2010, Đề án chính thức được Thủ tướng phê duyệt, thể hiện quyết tâm của Chính phủ, ngành TT&TT và khát vọng của cộng đồng CNTT-TT Việt Nam về việc nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên hội nhập số hóa.
Sơ kết 1 năm triển khai Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết các Bộ, ngành, địa phương, DN, hiệp hội, cơ sở đào tạo... trên cả nước đã bước đầu "vào cuộc".
"Đánh giá chung 1 năm triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án đã có nhiều tác động tích cực như tạo sự phấn khích, động lực mới cho cộng đồng CNTT-TT; quy tụ các chương trình, kế hoạch liên quan; tạo tiếng vang lớn đối với cộng đồng CNTT-TT thế giới, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện vị trí của Việt Nam trên bản đồ CNTT-TT thế giới ", ông Đường nói.
Đối mặt với hàng loạt khó khăn
Bên cạnh những thành quả trên, ông Nguyễn Trọng Đường cũng thẳng thắn thừa nhận quá trình triển khai Đề án gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn: Đề án được phê duyệt cuối năm 2010 nên hầu hết các cơ quan, đơn vị không kịp xây dựng và đăng ký kế hoạch kinh phí năm 2011. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, đầu tư công cắt giảm tối đa, nhiều dự án, chương trình CNTT-TT thuộc Đề án "rơi" vào diện cắt giảm. Thiếu cơ chế rõ ràng để điều phối, quản lý, triển khai các nội dung của Đề án. Thiếu cơ chế tài chính và đầu tư để thực hiện Đề án...
Đi sâu vào một số chương trình lớn, rất nhiều vướng mắc đang là lực cản với các Bộ, ngành, địa phương. Điển hình như với Chương trình Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước, Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình do 3 Bộ TT&TT - Tài chính - KH&ĐT phối hợp xây dựng chậm được ban hành. Thiếu chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ chuyên trách về CNTT. Kinh phí cho ứng dụng CNTT chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, tiến độ cấp phát chậm...
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng nhận định Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT khá tham vọng, đề ra nhiều mục tiêu không dễ đạt. "Sau hơn 1 năm (16 tháng), tương đương hơn 10% của tổng quỹ thời gian triển khai Đề án, chúng ta vẫn chưa làm được nhiều việc. Từ nay đến 2020 còn 8 năm nữa nhưng thời gian trôi rất nhanh, phải nỗ lực nhiều hơn mới thực hiện được các mục tiêu đặt ra trong Đề án", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng chia sẻ.
Theo TS.Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT: “Tại Việt Nam CNTT chỉ được coi như một ngành công nghiệp chứ không phải một ngành hạ tầng nền tảng của toàn bộ nền kinh tế để được ưu tiên đầu tư phát triển”.
ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Bộ TT&TT và Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT cần tăng cường điều hành các chương trình ứng dụng và phát triển CNTT giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tránh lãng phí. Hiện đã có sự đầu tư trùng lắp một số dịch vụ hành chính công trực tuyến giữa cấp Bộ và cấp tỉnh như đăng ký kinh doanh, cấp phép lái xe…
Dự kiến Bộ TT&TT sẽ có diễn đàn mở trên mạng để tiếp nhận những ý kiến đóng góp cho quá trình triển khai Đề án trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, trở thành nước mạnh về CNTT-TT là nhu cầu bức thiết của xã hội trong thời gian tới, tuy nhiên, ngành CNTT-TT vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trên tiến trình đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Điển hình như chưa xây dựng được cơ chế quản lý đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất khi triển khai các chương trình, dự án CNTT-TT; chưa xác định được thứ tự ưu tiên của các chương trình, dự án CNTT và các giải pháp mới để huy động nguồn lực tài chính; chưa phân định rõ những nội dung nào cần sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, nội dung nào cần doanh nghiệp làm hoặc huy động đầu tư xã hội... Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc vừa nêu.
Theo www.ictnews.vn