Thứ hai, 22/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 05/01/2012
Thiếu nội dung Internet dành cho nông thôn

Nông thôn đang là một thị trường đầy tiềm năng để Việt Nam có thể nâng con số 30 triệu người sử dụng dịch vụ Internet lên 60 - 70 triệu người. Nhưng tiềm năng này vẫn chưa thể thành hiện thực khi nội dung trên nền Internet dành cho nông dân, nông thôn vẫn còn đang quá thiếu thốn.

1a.jpg
Cộng đồng Internet Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng số lượng người sử dụng Internet từ con số 30 triệu lên 45 – 50 triệu.

Không biết dùng Internet để làm gì

Thời gian qua, nhiều chương trình đưa máy tính có kết nối Internet gần như miễn phí về nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được triển khai, nhưng sau đó không ít người dân cảm thấy băn khoăn không biết máy tính được đưa về nông thôn để làm gì khi nội dung trên nền Internet còn quá “khiêm tốn”.

Theo ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet, nông thôn đang là một thị trường đầy tiềm năng để Việt Nam có thể nâng con số 30 triệu người sử dụng dịch vụ Internet lên 60 - 70 triệu người. Nhưng tiềm năng này vẫn chưa thể thành hiện thực khi nội dung trên nền Internet dành cho nông dân, nông thôn vẫn còn đang quá thiếu thốn. Cách đây vài năm, đã có sự “bùng nổ” các dịch vụ giải trí, đặc biệt là trò chơi (game), nhưng sau đó đã bị “dừng lại” khi quản lý không thể theo kịp sự phát triển của thực tiễn.

Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Công Toàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng miền Bắc của FPT Telecom, nhận định: Chiến lược phát triển mở rộng vùng phủ của doanh nghiệp (DN) viễn thông đã tương đối kín, nhưng phần nội dung vẫn tương đối hổng, mạnh DN nào thì DN đó làm. Việc phát triển nội dung Internet thời gian qua tập trung phần lớn cho giới trẻ, chủ yếu là game. Người dân nông thôn chưa thực sự tìm thấy được những nội dung thiết thực cho mình, chẳng hạn những nội dung thông tin có thể giúp họ kiếm thêm được chí ít 50.000 đồng/tháng.

Một cái khó đối với các nhà cung cấp nội dung Internet là đến giờ vẫn chưa có khảo sát nào cho biết thực sự người dùng nông thôn đang cần những nội dung gì. Hiện vẫn chưa có ai đứng ra “gánh” trách nhiệm này.

Đại diện cho Trung tâm Internet Việt Nam, Phó Giám đốc Trần Minh Tân sau khi khẳng định nội dung là yếu tố quyết định nhất thu hút nông dân sử dụng Internet cũng chỉ đề cập một cách gần xa rằng “ý tưởng khảo sát nhu cầu của người dân nông thôn về nội dung họ cần trên Internet rất hay nhưng việc thực hiện giao cho ai chủ trì vẫn là câu hỏi lớn, cần cân nhắc. Với vai trò quản lý Nhà nước về CNTT-TT, Bộ TT&TT có thể nắm bắt ý tưởng rồi trong kế hoạch xây dựng các cuộc điều tra hàng năm có thể lưu ý nội dung này để triển khai lồng ghép”.

Điều đó có nghĩa các DN sẽ vẫn phải tự lực cánh sinh trong việc xác định nhu cầu để đưa ra nguồn cung đáp ứng một cách chính xác, kịp thời.

Gợi ý có vẻ khả thi nhất lúc này của ông Tân dành cho các DN cung cấp dịch vụ nội dung Internet là “tăng tốc” Việt hóa nội dung thông tin càng nhiều càng tốt, tích cực sử dụng tên miền tiếng Việt (ví dụ giá ngô.vn, kỹ thuật chăn bò.vn, chữa rắn cắn.vn… gắn với đời sống thực, sẽ khiến người dân dễ quan tâm hơn) để “hữu xạ tự nhiên hương” - dần dần thu hút người dân nông thôn làm quen và dần dần cảm thấy Internet trở thành “món ăn” không thể thiếu hàng ngày.

Vùng đất thiếu tiềm năng

Hiện không có nhiều doanh nghiệp nhiệt tình đưa Internet về nông thôn. Một nguyên nhân cốt yếu là do mảng kinh doanh này đang giống như một mảnh đất không hứa hẹn tiềm năng về doanh thu mà chỉ hiển hiện rõ ràng những khó khăn, rủi ro trong kinh doanh, điển hình nhất là nhà cung cấp dịch vụ Internet khó có thể thu được tiền từ người sử dụng (hầu hết nội dung trên Internet đều được cung cấp miễn phí), chưa kể một sản phẩm nội dung vừa ra mắt thị trường đã được sao chép, phát tán tự do trên mạng (ngay tại “mảnh đất màu mỡ” là khu vực thành thị thì những rủi ro này vẫn đang khiến các nhà cung cấp dịch vụ Internet đau đầu).

Có ý kiến đề xuất để “thúc” DN đưa Internet về nông thôn, nên đề ra những chỉ tiêu cụ thể cho 1 nhà cung cấp dịch vụ, chẳng hạn trong tổng số thuê bao đăng ký phát triển trong 1 năm sẽ phải đăng ký tỷ lệ đưa thuê bao về nông thôn, tránh tình trạng chỉ “canh tác” ở những “mảnh đất màu mỡ” như thành thị.

Tuy nhiên, với góc nhìn của người trong cuộc thì việc cấp “quota” như vậy cũng không thực sự khả thi. Bởi DN nào cũng phải hướng tới doanh thu, lợi nhuận, trong khi thực tế lợi nhuận của mảng dịch vụ Internet đang ngày càng giảm, khó tạo động lực cho DN tái đầu tư cho hạ tầng Internet tại Việt Nam. Chính vì vậy, rất khó “ép” DN phải “làm công ích” trong thời gian dài để kích cầu dịch vụ Internet tại nông thôn.

Cần sẵn sàng những điều kiện hỗ trợ

Cộng đồng Internet Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam từ con số 30 triệu lên 45 – 50 triệu (khoảng 50% dân số), tập trung vào việc mở rộng vùng phủ tại khu vực nông thôn.

Theo ông Phạm Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Đông Dương Telecom, để đạt mục tiêu này cần có sự sẵn sàng của 3 yếu tố gồm: công nghiệp nội dung, đường truyền, và thiết bị đầu cuối.

Ngoài việc cấp thiết phải xây dựng, bù đắp nội dung thiết thực, phù hợp cho người dân ở nông thôn (như đã nêu ở phần đầu bài viết), ông Chiến nhấn mạnh tầm quan trọng của thiết bị đầu cuối: “Cần có những động thái hỗ trợ để mọi người dân đều có thiết bị đầu cuối truy nhập Internet tốc độ cao giá rẻ. Nếu với các thiết bị như iPad trị giá hàng trăm hoặc hàng nghìn USD thì khó có thể đạt sự tăng trưởng số người sử dụng Internet như kỳ vọng”.

Về đường truyền, ông Chiến dự báo công nghệ không dây sẽ là giải pháp tối ưu để tạo những bước tiến mới trong việc mở rộng vùng phủ Internet về nông thôn. Tới đây, thiết bị phát sóng wifi sẽ phải hiện diện ở khắp nơi trên toàn quốc.

Chia sẻ quan điểm về sự cần thiết phải có thiết bị đầu cuối giá rẻ, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty VASC cho biết, công nghệ mới cho phép biến màn hình tivi thành thiết bị đầu cuối có chức năng lướt web như màn hình máy tính đang dần được phổ biến. Với con số hơn 95% hộ gia đình Việt Nam có ti vi như hiện nay thì số lượng người sử dụng Internet sẽ được tăng mạnh trong thời gian tới. 

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam

“Muốn người dân nông thôn dùng Internet thì phải lôi kéo họ dần dần. Cần thỏa mãn nhu cầu nội dung thông tin của người nông dân trước khi kéo họ theo những nội dung mình muốn cung cấp cho họ. Nói cách khác thì nên cho họ ăn cái họ thích rồi mới hướng dẫn họ ăn thứ mình cho là tốt cho họ, tránh trường hợp ép họ ăn những thứ họ không thích”.

Theo www.ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0