Thứ năm, 28/11/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 05/01/2012
Báo chí trực tuyến VN 2011: Thau lộn sang vàng

Báo chí toàn cầu năm 2011 tiếp tục in đậm dấu ấn xu thế suy thoái của báo in và sự phát triển khởi sắc của truyền thông  trực tuyến. Tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp, làng báo Việt Nam cũng phần nào đi theo xu hướng chung này với nhiều tờ báo trực tuyến/trang tin điện tử mới ra đời, trong khi báo giấy dường như dậm chân tại chỗ.

Xu thế chung của thế giới

Sự phát triển trăm hoa đua nở của báo chí trực tuyến trong nước có thể lý giải theo một số nguyên nhân: Hợp xu thế chung, khai thác thế mạnh trực tuyến, không cần đầu tư nhiều nhưng có thể có doanh thu ngay nếu thu hút được lượng độc giả lớn.
Xu thế chung của báo chí hiện đại chính là khả năng đáp ứng nội dung theo nhu cầu của độc giả. Với mật độ phổ cập máy tính đến công sở và hộ gia đình ngày càng cao tại Việt Nam, đọc báo trực tuyến đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của giới trí thức, văn phòng, tầng lớp trung lưu. Đây là nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng của rất nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ, nên việc các nhà quảng cáo và tiếp thị tìm đến các tờ báo điện tử, trang tin trực tuyến là điều tất yếu.
Với thế mạnh của Internet, một bài báo trực tuyến cho phép độc giả xem lại các bài viết trước của cùng sự kiện một cách dễ dàng, cũng như xem được cả video, đăng tải nhiều hình ảnh mà không bị giới hạn về khổ giấy, số trang in. Về phần nhà quảng cáo, tiếp thị, họ có thể đánh giá hiệu quả chính xác đến từng vị trí logo, banner trên website các trang báo online nhờ hệ thống đếm click chuột của độc giả. Với một tờ báo giấy, lượng ấn bản hàng vạn tờ một ngày đã là rất khó, nhưng một trang tin điện tử có thể có từ hàng trăm ngàn tới hàng triệu lượt người đọc mỗi ngày.
Để xây dựng một tờ báo giấy đòi hỏi chi phí rất lớn và nhiều thời gian để xây dựng thương hiệu. Nhưng với trang tin điện tử, chi phí thấp hơn nhiều lần và có thể gây sự chú ý nhanh chóng sau vài sự kiện nóng, scandal ồn ào hay những bài viết gây sốc. Khi hình thành được lượng độc giả nhiều và ổn định, việc khai thác quảng cáo là điều không khó.
Chất lượng giảm vì áp lực cạnh tranh
Với những lý do đầy thuyết phục như vậy, hiện tượng nở rộ hàng loạt trang tin/báo điện tử tại Việt Nam trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu và là xu thế tất yếu. Nhưng kèm theo xu thế mới, báo chí trực tuyến cũng lộ ra những điểm yếu như chất lượng nội dung chính thống bị giảm sút vì áp lực tăng lượng truy cập, sức ép chạy đua về thời gian làm giảm khả năng kiểm chứng thông tin…
Các nhà quảng cáo luôn muốn logo/banner của họ được treo ở nơi có nhiều người nhìn thấy nhất, nên trang báo trực tuyến nào có lượng truy cập cao sẽ thu hút được nhiều khách hàng quảng cáo.

Để có nhiều độc giả, các tòa soạn online phải chấp nhận cắt bớt phần nội dung chính thống để tăng thêm phần thông tin giải trí, giật gân, câu khách… được gọi nôm na là tin tức “lá cải”. Các trang tin trực tuyến mới hình thành, do phóng viên còn ít và chưa thiện chiến bằng báo giấy nên phải tận dụng mọi nguồn tin có được, nhất là từ các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội.
Việc khai thác nguồn tin từ cộng đồng mạng là một thế mạnh của báo chí trực tuyến, nhưng đồng thời cũng là một điểm yếu nếu kỹ năng tác nghiệp của phóng viên và khả năng kiểm chứng của tòa soạn bị hạn chế. Đơn cử như bản tin “Côn đồ tấn công cảnh sát giao thông bằng dao chọc tiết lợn” hồi tháng 11 vừa qua được bắt nguồn từ một hình ảnh đưa lên diễn đàn otosaigon. Sau khi một trang báo online đăng tải, có tới hàng chục trang thông tin và báo điện tử dẫn lại bản tin này. Nhưng sau khi xác minh được hình ảnh đó chỉ là cảnh diễn trong loạt chương trình Ký sự pháp đình của VTV6, hàng chục trang tin online lại phải tiến hành xóa bài viết nhưng không hề có lời đính chính, giải thích nào cho độc giả.
Đến thời điểm hiện tại, khi tìm kiếm trên Google vẫn cho ra kết quả cho thấy bài viết sai này đã được đăng tải lại trên rất nhiều trang báo mạng.
Cộng đồng mạng thể hiện vai trò truyền thông
Việc khai thác nguồn tin từ cộng đồng mạng, các diễn đàn và mạng xã hội đã trở thành xu thế chung của toàn thế giới và là thế mạnh cần phát huy của báo chí trực tuyến. Nhưng nếu lạm dụng những nguồn tin này và thiếu kiểm chứng độ xác thực có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín tờ báo.

Nói như vậy không có nghĩa nguồn tin từ diễn đàn và mạng xã hội là không đáng tin cậy. 2011 cũng chính là năm cộng đồng trực tuyến Việt Nam thể hiện vai trò báo chí công dân rõ ràng nhất, trở thành một kênh phản ánh những vấn đề nổi cộm của xã hội, khiến báo giới phải chạy theo.
Chẳng hạn như trong sự kiện “Thủ phạm status máu lạnh trên Facebook”, khi một thanh niên ngồi trên chiếc xe máy gây tai nạn bày tỏ vui mừng vì cụ già bị xe đâm đã qua đời trong viện, chứ nếu không còn phải bồi thường nhiều, lập tức các diễn đàn đã nổi lên làn sóng phản đối. Mọi nguồn lực của các thành viên trong diễn đàn lập tức được huy động để truy tìm nickname keomutchoiboi, tác giả của câu status máu lạnh kia, và chỉ trong chưa đầy một ngày, tên tuổi, từ địa chỉ nhà riêng, nơi xảy ra tai nạn, số điện thoại của thủ phạm, nơi ở trọ hiện tại, vị trí số thuê bao đều được cộng đồng mạng chia sẻ.
Sự việc còn được đẩy xa hơn khi một số thành viên diễn đàn quá bức xúc vì thái độ coi thường mạng sống của thủ phạm và tìm đến tận phòng tập thể hình để “dạy cho thủ phạm một bài học”. Sau đó, cơ quan công an cũng đã vào cuộc và triệu tập đối tượng sử dụng nickname keomutchoiboi lên thẩm vấn. Báo chí cũng được dịp phản ánh về sức mạnh của cộng đồng mạng.
Một sự kiện khác thể hiện ảnh hưởng của cộng đồng mạng tới giới truyền thông cũng diễn ra trong dịp cuối năm, khi cặp đôi du khách người Hồng Kông bị giật túi xách tại TP.HCM và mất hết tiền cùng hộ chiếu, điện thoại. Trong lúc chờ cơ quan công an điều tra, họ phải sống qua ngày bằng cách in ảnh chụp những nơi họ đã đi và bán bên hè đường. Câu chuyện được một blogger thuật lại và chia sẻ lên mạng xã hội Facebook.
Các báo trực tuyến lập tức tham gia truyền tải câu chuyện và cùng cộng đồng mạng kêu gọi mọi người giúp đỡ. Lập tức hàng trăm bạn trẻ tại TP.HCM đã tìm đến để mua giúp ảnh, hướng dẫn hai du khách làm thủ tục xin cấp lại hộ chiếu ở sứ quán, và quan trọng nhất là có người đã tìm được cặp hộ chiếu bị vứt lại ở chân cầu để trả lại cho họ. Câu chuyện kết thúc có hậu và để lại dấu ấn về lòng hiếu khách của con người Việt Nam, cũng như trở thành đề tài ăn khách cho báo giới.
Bài toán bản quyền và tính chuyên nghiệp

Một câu chuyện nữa, tuy cũng diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2011, nhưng đã thể hiện khá nhiều thực trạng của báo chí trực tuyến tại Việt Nam. Đó là sự kiện nhà tỉ phú trẻ Mark Zuckerberg, nhà sáng lập kiêm CEO của Facebook đến Việt Nam nghỉ Giáng sinh.
Ngay từ những thông tin đầu tiên về việc CEO Facebook đến Hà Nội, đã có sự góp sức của các “nhà báo công dân” khi họ vô tình nhận ra gương mặt của nhà tỉ phú trẻ vào cửa hàng điện thoại Vertu và đi thăm di tích Hỏa Lò để chia sẻ cho báo giới. Sau đó là hàng loạt phiên bản bài viết na ná nhau trên hàng chục trang báo trực tuyến, với các bút danh khác nhau.
Vì có thể xuất bản vào mọi thời điểm, nên các tòa soạn online đều chạy đua để có thông tin và hình ảnh độc quyền sớm nhất. Nhưng do mọi thông tin và lịch trình của đoàn du khách đi cùng CEO Facebook đều được giữ bí mật, nên thông độc quyền của các báo là rất hiếm hoi, dẫn đến việc các báo phải “xào xáo” cắt cúp lại nội dung, thậm chí là cả hình ảnh của nhau.
Đáng kể nhất có lẽ là chùm ảnh Mark Zuckerberg ở Hạ Long của báo Giadinh.net đã được một trang báo online khá nhiều người đọc đăng lại sau khi chèn hẳn logo báo vào giữa ảnh, mặc nhiên coi đó là ảnh độc quyền của báo.
Một số tờ báo trực tuyến khác tế nhị hơn thì cắt cúp lại hình ảnh, chỉnh màu khác đi hoặc cắt ghép các ảnh chung lại, sau đó cũng mặc nhiên coi đó là ảnh của báo mình. Dù có lý giải thế nào, thì đó vẫn là hành động vi phạm bản quyền và hết sức thiếu chuyên nghiệp.
Qua cách tường thuật sự kiện CEO Facebook đến VN, có thể nhìn thấy sự phân cấp rõ rệt ngay giữa các tờ báo trực tuyến với nhau. Những tờ báo có quy trình bài bản sẽ huy động nhiều phóng viên, đặt hàng cộng tác viên các vùng để săn thông tin và hình ảnh độc quyền sớm nhất, còn các trang báo chưa có nhiều nguồn lực phóng viên/cộng tác viên sẽ phải tiết kiệm chi phí bằng cách khai thác lại nguồn tin từ các báo khác.
Chính vì khai thác từ báo khác, nên áp lực phải lấy lại thật nhanh sẽ khiến các tờ báo này không có nhiều cơ hội kiểm chứng thông tin, và việc gặp những tai nạn như thông tin “tấn công cảnh sát bằng dao chọc tiết lợn” là điều khó tránh khỏi.
Trong những tờ báo khai thác lại thông tin này, cũng đã có sự phân cấp về tính chuyên nghiệp. Nếu chỉ với mục đích có thêm thông tin cho độc giả, các bài viết khai thác lại báo bạn sẽ được dẫn nguồn nội dung và hình ảnh đầy đủ. Nhưng nếu không ghi rõ nguồn, lập lờ để độc giả hiểu rằng đó là sản phẩm nội dung do tờ báo tự thực hiện, thậm chí đặt logo vào ảnh của báo khác để tạo ấn tượng về khả năng cạnh tranh thông tin thì hoàn toàn là sự thiếu chuyên nghiệp.
Lời kết
Năm 2011 đã trôi qua với sự nở rộ của truyền thông trực tuyến tại Việt Nam, nhiều trang thông tin mới xuất hiện, cộng đồng mạng thể hiện rõ tác động mạnh mẽ tới xã hội. Nhưng 2011 cũng là năm thể hiện sự phân hóa rõ rệt giữa các cơ quan báo chí trực tuyến. Những tờ báo online lâu năm vẫn thể hiện ảnh hưởng đáng kể tới lĩnh vực truyền thông. Nhưng bên cạnh đó, những trang tin trực tuyến mới xuất hiện cũng khiến thông tin mạng rối ren hơn vì những tin tức giật gân, câu khách bằng mọi giá, tạo nên cảnh vàng thau lẫn lộn. Trong cảnh rối ren đó, có vẻ thau đang lấn át hơn vàng rất nhiều.

Theo www.vietnamnet.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0